Người dân được hỗ trợ 100% lãi suất vốn vay để thâm canh vườn cam theo tiêu chuẩn VietGAP
Theo Nghị quyết, các tổ chức và cá nhân có tham gia sản xuất các loại cây trồng như cam, chè, các loài cây dược liệu và phát triển chăn nuôi trâu, bò, ong theo hướng hàng hóa phù hợp với qui hoạch được duyệt hoặc được chấp thuận đầu tư của tỉnh sẽ được hưởng các chính sách hỗ trợ phù hợp.
Các chính sách hỗ trợ chỉ áp dụng một lần cho một đối tượng và với một nội dung thụ hưởng. Đối với các dự án đã sử dụng vốn tín dụng ưu đãi, vốn bảo lãnh tín dụng của nhà nước sẽ không được hưởng các chính sách hỗ trợ.
Đối với cây chè, được hỗ trợ 100% lãi suất vay vốn cho các tổ chức, cá nhân để thâm canh vườn chè theo tiêu chuẩn VietGAP hoặc chè hữu cơ. Mức vay vốn được hỗ trợ lãi suất tối đa là 30 triệu đồng/ha và được hỗ trợ trong thời gian 24 tháng.
Các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng nhà máy chế biến với dây chuyền công nghệ hiện đại, tiên tiến được hỗ trợ 100% lãi suất vốn vay; mức vay vốn được hỗ trợ lãi suất tối đa không quá 5 tỷ đồng/dự án, thời gian hỗ trợ 36 tháng.
Đối với cây cam sành, được hỗ trợ 100% lãi suất vốn vay cho các tổ chức, cá nhân để thâm canh vườn cam theo tiêu chuẩn VietGAP. Mức vay vốn được hỗ trợ lãi suất tối đa là 50 triệu đồng/ha; riêng đối với vườn cam có xây dựng đường giao thông, hệ thống tưới, mức vay vốn được hỗ trợ tối đa là 80 triệu đồng/ha, thời gian hỗ trợ 24 tháng.
Các tổ chức, cá nhân đầu tư cơ sở bảo quản cam được hỗ trợ 100% lãi suất vốn vay; mức vay vốn được hỗ trợ lãi suất tối đa là 500 triệu đồng/dự án, thời gian hỗ trợ 36 tháng.
Hỗ trợ để phát triển các loài cây dược liệu, ngân sách sẽ hỗ trợ 100% lãi suất vay vốn cho các tổ chức, cá nhân để trồng mới cây dược liệu (nằm trong danh mục cây dược liệu do UBND tỉnh phê duyệt).
Quy mô nông hộ tối thiểu là 0,2 ha/hộ, đối với tổ chức quy mô sản xuất tập trung tối thiểu là 2 ha/tổ chức. Mức vay vốn được hỗ trợ lãi suất tối đa là 50 triệu đồng/ha, thời gian hỗ trợ theo chu kỳ sản xuất của từng loài cây dược liệu, nhưng tối đa không quá 60 tháng.
Bên cạnh đó, các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng vườn ươm cây dược liệu giống với qui mô tối thiểu 0,1ha trong nhà lưới hoặc 0,5ha không có nhà lưới sẽ được hỗ trợ 100% lãi suất vốn vay; mức vay vốn được hỗ trợ lãi suất tối đa là 500 triệu đồng/vườn, thời gian hỗ trợ 36 tháng.
Ngoài ra, các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở sơ chế, bảo quản dược liệu sẽ được hỗ trợ 100% lãi suất vốn vay; mức vay vốn tối đa được hỗ trợ là 500 triệu đồng/dự án, thời gian hỗ trợ 36 tháng.
Đối với phát triển chăn nuôi trâu, bò hàng hóa, ngân sách sẽ hỗ trợ 100% lãi suất vốn vay cho các hộ gia đình mua trâu, bò giống với quy mô từ 3 con trở lên. Mức vay vốn được hỗ trợ lãi suất tối đa là 500 triệu đồng/dự án, thời gian hỗ trợ 36 tháng.
Bên cạnh đó, các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng chuồng trại gắn với xử lý chất thải theo tiêu chuẩn được hỗ trợ 100% lãi suất; mức hỗ trợ lãi suất là 3,5 triệu đồng/m2 chuồng trại, thời gian hỗ trợ 36 tháng. Ngoài ra, ngân sách sẽ hỗ trợ 100% lãi suất vốn vay cho các tổ chức, cá nhân đầu tư nhà máy chế biến thực phẩm từ sản phẩm gia súc, gia cầm; mức vay vốn được hỗ trợ lãi suất tối đa là 10 tỷ đồng/dự án, thời gian hỗ trợ 36 tháng.
Đối với phát triển nuôi ong, hỗ trợ 100% lãi suất vốn vay cho các tổ chức, cá nhân mua giống ong nội, quy mô tối thiểu từ 20 tổ ong trở lên. Mức vay vốn được hỗ trợ lãi suất tối đa là 01 triệu đồng/ tổ ong, thời gian hỗ trợ 24 tháng.
Ngoài các chính sách trên, tỉnh Hà Giang còn đề ra các chính sách hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân tham gia đăng ký thương hiệu sản phẩm; chế biến thức ăn chăn nuôi và phát triển giống đại gia súc trên địa bàn của tỉnh.