Doanh nghiệp liên kết với nhà vườn sản xuất thanh long xuất khẩu.
Ông Nguyễn Văn Ân ở ấp Long Hòa, xã Quơn Long, huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) chia sẻ: “Từ trước năm 1997 gia đình tôi đã chuyển 4 công đất lúa và dừa sang trồng thanh long ruột trắng. Những năm đầu ít vốn, lại thiếu kinh nghiệm chăm sóc, cây thanh long chỉ cho trái vụ mùa. Từ khi có đề án phát triển thanh long, gia đình được hỗ trợ kỹ thuật và lưới điện để xông đèn, vườn cho trái quanh năm”.
Sau gần 20 năm trồng thanh long, ông Ân không ngừng cải tiến phương pháp canh tác và được hỗ trợ ứng dụng KH-KT vào thâm canh, thu lãi hàng trăm triệu đồng/năm. Đến nay gia đình ông đã xây được căn nhà khang trang.
Dẫn chúng tôi tham quan vườn thanh long gần 10 năm tuổi, trái sum xuê quanh gốc, ông Nguyễn Văn Bửu ở ấp Long Thạnh phấn khởi tâm sự: “Đề án phát triển thanh long đã hỗ trợ cho bà con vốn, giống, kỹ thuật và cả đầu ra khiến ai cũng phấn khởi và yên tâm đầu tư canh tác”.
Theo ông Bửu, những gốc thanh long trong vườn nhà ông có thể cho trên 100 trái, nhưng ông đã tỉa bớt, chỉ để lại từ 50 - 70 trái/gốc, để trái to và không bị suy cây. Vườn thanh long của ông Bửu được xem là vườn mẫu, là nơi để mọi người tham quan, học hỏi kinh nghiệm, chuyển giao KH-KT cho nông dân.
Tham gia đề án phát triển thanh long của huyện, các nhà vườn thường xuyên được tham dự hội thảo, tập huấn kỹ thuật. Ông Nguyễn Văn Nam ở ấp Bình An, xã Song Bình cho biết: “Gia đình tôi trồng thanh long đã gần 10 năm nay. Lúc đầu, tôi chỉ trồng theo cảm tính, biết gì làm nấy nên hiệu quả kinh tế không cao. Từ khi được chuyển giao KH-KT và hỗ trợ vốn nên việc đầu tư, quy hoạch và trồng thanh long bài bản hơn”.
Vùng dự án phát triển thanh long của Chợ Gạo
Ông Trần Văn Hòa, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Chợ Gạo cho biết, giai đoạn 2016 - 2020, huyện sẽ phát triển diện tích thanh long theo vùng quy hoạch, đầu tư trồng mới từ 2.400 - 2.900ha, nâng tổng diện tích thanh long trong vùng đề án vào năm 2020 đạt từ 6.500 - 7.000ha, trong đó có từ 30 - 40% diện tích được sản xuất theo tiêu chuẩn GAP.
|
Theo UBND huyện Chợ Gạo, từ năm 2008, tỉnh Tiền Giang đã phê duyệt Đề án phát triển cây thanh long huyện Chợ Gạo đến năm 2015. Ông Trần Văn Hòa, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Chợ Gạo cho biết: Đề án được triển khai trên địa bàn 12 xã: Quơn Long, Tân Thuận Bình, Long Bình Điền, Song Bình, Đăng Hưng Phước, Thanh Bình, Trung Hòa, Tân Bình Thạnh, Lương Hòa Lạc, Mỹ Tịnh An, Phú Kiết và Hòa Tịnh với tổng diện tích đạt từ 4.500 - 4.600 ha. Đây được xem là một bước đột phá giúp cây thanh long Chợ Gạo tiếp tục vươn lên phát triển bền vững.
Theo ông Hòa, trong thời gian thực hiện, huyện giúp nông dân mua giống, làm trụ, dựng trại thực nghiệm để nhân giống, chuyển giao KH-KT, tổ chức thu mua, phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất (nâng cấp hệ thống điện, giao thông, thủy lợi)...
Từ khi các công trình trong dự án được thực hiện đã tạo điều kiện thuận lợi về tưới tiêu, vận chuyển hàng hóa; bộ mặt nông thôn được cải thiện hơn.
Nông dân Nguyễn Văn Điền ở xã Quơn Long hào hứng nói: “Không thể phủ nhận được lợi ích từ khi dự án được triển khai, việc nâng cấp các tuyến đường, tuyến kinh đã giúp bà con chúng tôi đi lại, vận chuyển nông sản, cũng như nước tưới cho hoa màu rất thuận tiện, khiến ai cũng rất vui”.
Thanh long mùa xông đèn trái vụ cho năng suất cao
Bên cạnh đó, Sở KH-CN Tiền Giang đã phối hợp với Cty TNHH Long Việt (huyện Chợ Gạo) triển khai Chương trình ứng dụng công nghệ cao theo tiêu chuẩn GlobalGAP phát triển 100 ha thanh long ở xã Thanh Bình.
Ông Trần Hữu Danh, GĐ Cty Long Việt cho biết: “Toàn bộ thanh long trồng trong vùng dự án được Cty ký hợp đồng tiêu thụ với giá cao hơn thị trường 10% cùng thời điểm; đồng thời Cty hỗ trợ xây dựng nhà sơ chế đóng gói theo tiêu chuẩn GlobalGAP, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Ngoài ra, sản phẩm còn được hỗ trợ đăng ký bảo hộ quốc tế nhãn hiệu thanh long Chợ Gạo tại Mỹ và Trung Quốc”.
"Sản xuất thanh long theo quy trình VietGAP, GlobalGAP giúp các DN chủ động được vùng nguyên liệu sạch, phục vụ cho xuất khẩu, đồng thời làm thay đổi nhận thức của người dân về lợi ích thiết thực trong việc sản xuất ra sản phẩm có chất lượng, hiệu quả kinh tế cao. Qua đó, tạo sự liên kết giữa người nông dân và DN với nhau trong chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu thụ, hướng đến thị trường xuất khẩu ổn định hơn cho trái thanh long Việt", ông Danh chia sẻ.