Áp dụng tiến bộ kỹ thuật nhằm tăng năng suất điều
Biết vậy nhưng quá trình tổ chức các HTX, đặc biệt là HTX sản xuất nông nghiệp đang gặp không ít khó khăn, một mặt có lẽ do dư âm về cách làm ăn của mô hình HTX kiểu cũ chưa phai mờ, mặt khác do năng lực và cách tổ chức làm ăn theo phương thức mới chưa được khai hoa và đơm quả.
Tuy vậy, trong số hơn 10.000 HTX Nông nghiệp với hơn 6,7 triệu xã viên đang hoạt động trong cả nước thì cũng đã có những HTX làm ăn có hiệu quả đáng được học tập và nhân rộng...
Trong bài này, người viết muốn giới thiệu một HTX trong ngành sản xuất cây công nghiệp. Đó là HTX Phước Hưng ở xã Tiến Hưng, huyện Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước. HTX này được phát triển từ một nhóm hộ nông dân trồng điều, ban đầu có tên gọi là Nhóm phát triển điều bền vững Tiến Hưng với 39 thành viên, khai thác 200 ha điều.
Đến năm 2007 nhóm này được hỗ trợ của dự án PRISED (gọi là dự án Giảm nghèo thông qua hỗ trợ tổng thể phát triển doanh nghiệp nhỏ). Hội Nông dân tỉnh Bình Phước đã tiến hành dán nhãn công bằng thương mại cho các vùng chuyên canh điều của tỉnh, và nhóm 39 hộ Tiến Hưng là đơn vị đầu tiên tham gia thí điểm chương trình này.
Có 4 tiêu chuẩn mà nhóm tham gia chương trình cần phải thực hiện, đó là: (1) Phải chứng minh được nguồn thu từ thương mại công bằng sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế cho những nông dân sản xuất nhỏ. (2) Tổ chức phải bảo đảm có đầy đủ cơ sở vật chất, áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật đối với sản phẩm của mình. (3) Sản xuất phải tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường. (4) Không được cưỡng bức lao động.
Sau 3 năm thực hiện theo đúng 4 tiêu chuẩn đề ra, nhóm hộ trồng điều xã Tiến Hưng đã được Tổ chức Lao động quốc tế (FLO) trao Giấy chứng nhận thương mại công bằng (Fairtrade) vào ngày 10/8/2009. Nhờ sự nỗ lực của nhóm, kết hợp với sự hỗ trợ của Hội Nông dân và chính quyền các cấp của tỉnh, có sự hướng dẫn của Cty CP Đầu tư phát triển thị trường quốc tế (MDI), Nhóm phát triển điều bền vững Tiến Hưng đã được thành lập.
Đến năm 2013, nhóm lại được chứng nhận của tổ chức FLO lần thứ 2 và được giữ danh hiệu là nhóm sản xuất điều bền vững cho đến năm 2018.
Sau năm 2018, nếu nhóm được tái chứng nhận danh hiệu lần thứ 3 thì coi như được mang danh hiệu này vĩnh viễn. Như vậy, từ Nhóm sản xuất điều bền vững Tiến Hưng làm hạt nhân, vào ngày 8/4/2014, HTX Sản xuất điều bền vững Phước Hưng đã được thành lập.
Ở trong nước cũng đã có nhiều ấp, xã đạt được danh hiệu sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP hay GlobalGAP. Chúng ta muốn hội nhập vào WTO hay TPP thì nhất định mỗi nông dân phải tự vươn lên bằng cách tổ chức liên kết lại với nhau để có điều kiện áp dụng kinh nghiệm, kiến thức khoa học kỹ thuật trong và ngoài nước thì nhất định sẽ tiến xa hơn mức mà HTX Phước Hưng đang có.
|
Vậy có được danh hiệu rồi, HTX Phước Hưng có những lợi thế gì về sản xuất và phúc lợi? Chỉ cần so sánh với nhóm người trồng điều ngoài HTX thì ta có thể thấy được phần lợi của họ. Dưới đây là một số ví dụ:
Tổng chi phí đầu tư của HTX cao hơn nhóm hộ ngoài HTX là 25%, trong đó phần chi cao hơn là từ phân bón, lao động, bao gồm cả lao động thuê mướn, nghĩa là đầu tư cao hơn để bảo đảm yêu cầu sinh lý của cây điều nhằm đạt năng suất cao. Nhưng phần tổng thu lại cũng cao hơn đến 155% (cao hơn khu vực ngoài HTX đến 54,1 triệu đ/ha). Phần thu cao hơn đó do năng suất điều của HTX cao hơn 3.342 kg điều nhân so với 1.669kg/ha (hay 1.693kg/ha, bằng 101%).
Mặt khác giá điều nhân bán cũng cao hơn (26.583 đồng so với 20.812 đ/kg nhân). Do năng suất cao hơn, nên giá thành hạ hơn (9.890 đ so với 15.836 đ/kg nhân), dẫn đến hiệu quả đầu tư vật tư cao hơn (1 đồng vốn thu lại 6,43 đồng so với 0,88 khu vực ngoài HTX), hiệu quả đầu tư lao động cũng cao hơn (1 đồng vốn thu lại 2,92 đồng so với 0,59 đồng).
Từ kết quả như vậy phần thu nhập cũng như phúc lợi của xã viên cũng cao hơn. Và có được chứng nhận của FLO thì coi như HTX đã được cấp giấy thông hành để đưa sản phẩm của mình vào thẳng các thị trường khó tính.
Có ý kiến cho rằng, HTX Phước Hưng có được kết quả như vậy là nhờ có sự hỗ trợ của tổ chức quốc tế và của Hội Nông dân cũng như chính quyền địa phương giúp đỡ, nông dân ngoài HTX khó học được kinh nghiệm đó.
Nói vậy có phần đúng, nhưng không phải là không học được và sẽ tự thu mình lại không muốn vươn lên. Nhà nước cũng đang khuyến khích nông dân ta học theo kinh nghiệm của nông dân các nước tiên tiến để tự vươn lên.
Có nông dân đã tự bỏ tiền của mình để đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm nông dân của Hàn Quốc, Thái Lan hay Israel để về tự làm giàu cho mình, HTX Phước Hưng cũng chưa phải là đơn vị được hỗ trợ nhiều về vật chất, tiền vốn mà chủ yếu là kinh nghiệm tổ chức, quy chế hoạt động mà tạo nên thương hiệu của họ.