Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám
Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám, Tuần lễ giới thiệu “Nông sản an toàn” và chương trình “Địa chỉ xanh - Nông sản sạch” do Bộ NN-PTNT tổ chức sẽ kéo dài từ hôm nay (6/5) đến ngày 12/5/2016 tại Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp (số 489 đường Hoàng Quốc Việt, Hà Nội).
Đây là một trong những hoạt động quan trọng trong năm 2016, được Bộ NN-PTNT xác định là năm cao điểm quản lí vệ sinh ATTP. Bên cạnh việc tăng cường phổ biến, hướng dẫn nông dân, DN áp dụng quy trình SX kinh doanh đảm bảo vệ sinh ATTP; tăng cường công tác thanh kiểm tra đột xuất, Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo các đơn vị và địa phương tăng cường hỗ trợ kết nối, nhân rộng các chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn và có xác nhận để người tiêu dùng biết và tiếp cận.
Trong khuôn khổ Tuần lễ giới thiệu Nông sản an toàn, ngày 9/5/2016, Bộ NN-PTNT sẽ tổ chức hội thảo “Sản xuất nông sản an toàn theo chuỗi” nhằm giới thiệu tổng quan về chương trình xây dựng và phát triển chuỗi nông sản thực phẩm an toàn mà Bộ đã và đang triển khai.
Báo Tuổi trẻ: Thời gian qua, việc giám sát chất lượng nông sản tại các cơ sở SX đã được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP vẫn còn rất sơ hở. Tiêu biểu mới đây là vụ việc 80 con heo ở trang trại VietGAHP ở Đồng Nai vẫn bị phát hiện có chất cấm Salbutamol. Vì sao lại có tình trạng này?
Thứ trưởng Vũ Văn Tám: Theo Cục Chăn nuôi, hiện cả nước có trên 100 cơ sở, lúc cao điểm khoảng 150 cơ sở chăn nuôi được cấp chứng nhận VietGAHP. Việc cấp chứng nhận VietGAHP cho các cơ sở chăn nuôi hiện nay đã được xã hội hóa, theo đó Nhà nước có thể chỉ định cho các đơn vị tư nhân đủ năng lực thực hiện việc cấp chứng nhận, định kỳ có kiểm tra để cấp chứng nhận mới theo quy định.
Về việc có tình trạng lợn của trang trại đạt tiêu chuẩn VietGAHP nhưng vẫn bị phát hiện có chất cấm, cần phải xem xét truy xuất lại toàn bộ quy trình từ chăn nuôi ở trang trại tới khi giết mổ mới có thể khẳng định lợn bị nhiễm chất cấm ở khâu nào.
Bởi có thể trang trại đó không trực tiếp sử dụng chất cấm, nhưng sau khi xuất chuồng được thương lái hoặc lò mổ đưa về cho ăn chất cấm để vỗ béo kiếm lời? Về mặt nào đó, việc phát hiện được vụ việc này cũng cho thấy chúng ta đã có kiểm soát về đầu ra (từ khi xuất chuồng tới khi giết mổ), và cần tiếp tục siết chặt hơn.
Chương trình “Địa chỉ xanh - Nông sản sạch” là cú hích để tăng nhanh các chuỗi nông sản thực phẩm xác nhận
Đối với quy trình VietGAHP, Bộ NN-PTNT cũng đang giao cho các đơn vị như Cục Trồng trọt, Cục Chăn nuôi chủ trì, nghiên cứu sửa đổi theo hướng quản lí vừa đơn giản về tiêu chí, vừa chặt chẽ và thuận lợi cho quản lí. Chẳng hạn như đối với tiêu chuẩn VietGAP trên rau, hiện đang được rút từ 65 tiêu chí theo quy định cũ xuống còn 19 tiêu chí để giảm bớt chi phí chứng nhận VietGAP cho nông dân.
Báo An ninh Thủ đô: Theo chương trình “Địa chỉ xanh - Nông sản sạch”, hiện mới chỉ có 69 đơn vị, DN tham gia các chuỗi nông sản thực phẩm có xác nhận. Ngay ở Hà Nội cũng mới chỉ có 6 đơn vị tham gia, như vậy là quá ít ỏi?
Thứ trưởng Vũ Văn Tám: Chúng tôi thừa nhận số lượng các đơn vị, DN có các chuỗi nông sản thực phẩm an toàn, có xác nhận còn quá ít. Vì vậy, ngay từ đợt cao điểm về vệ sinh ATTP cuối năm 2015, đầu năm 2016, Bộ NN-PTNT đã chọn việc xây dựng các chuỗi nông sản liên kết khép kín từ SX tới tay người tiêu dùng là một trong các công tác trọng tâm.
Theo đó, chương trình thí điểm cấp xác nhận cho các chuỗi sản phẩm nông sản thực phẩm do Bộ tiến hành đến nay cũng đã có kết quả khả quan, dù số lượng các chuỗi được cấp xác nhận còn ít. Năm 2016, đây sẽ là nhiệm vụ mà Bộ NN-PTNT đặc biệt chú trọng để tăng nhanh hơn nữa các chuỗi.
Thời báo Kinh tế Việt Nam: Bộ NN-PTNT thực hiện việc cấp xác nhận cho các chuỗi nông sản an toàn, nghĩa là đang thừa nhận thực tế thị trường đang có song song hai nhóm nông sản thực phẩm: Một là loại bẩn và hai là loại sạch. Loại sạch thì đương nhiên giá đắt hơn, và chỉ nhà giàu mới được thụ hưởng? Vậy có bất bình đẳng với người nghèo?
Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục quản lí chất lượng Nông lâm thủy sản: Việc Bộ NN-PTNT triển khai cấp xác nhận an toàn cho các chuỗi nông sản thực phẩm là khuyến khích chung cho tất cả các đơn vị, cơ sở, DN sản xuất, chế biến kinh doanh nông sản thực phẩm.
Bất kỳ cơ sở, đơn vị, HTX… nào có nhu cầu đều có thể đăng ký, và được các cơ quan chức năng như Chi cục Quản lí chất lượng Nông lâm thủy sản, Sở NN-PTNT các địa phương cũng như cơ quan liên quan của Bộ NN-PTNT tạo điều kiện hỗ trợ về chính sách, thủ tục, kỹ thuật… trong việc xây dựng chuỗi.
Vì vậy ở đây không thể nói là có sự phân biệt, kể cả về đơn vị SX lẫn người tiêu dùng. Khi số lượng các chuỗi nông sản có xác nhận tăng lên, người tiêu dùng càng có nhiều cơ hội để tiếp cận với sản phẩm sạch, an toàn, và người nghèo càng được tiếp cận với sản phẩm chất lượng cao.
Báo điện tử Zing.vn: Nhiều vụ cơ sở SX, kinh doanh rau trà trộn rau bẩn vào rồi dán nhãn mác là rau VietGAP đã bị phát hiện. Có gì đảm bảo các địa chỉ tại chương trình “Địa chỉ xanh - Nông sản sạch” là sạch?
Ông Nguyễn Như Tiệp: Tất cả 69 đơn vị, DN (tính đến thời điểm hiện tại) nằm trong danh sách chương trình “Địa chỉ xanh - Nông sản sạch” có các chuỗi sản phẩm nông sản thực phẩm đều đã được cấp xác nhận theo chương trình thí điểm của Bộ NN-PTNT.
Theo đó sản phẩm tới tay người tiêu dùng phải đạt các yêu cầu gồm: Nơi SX đã đạt tiêu chuẩn VietGAP hoặc tương đương; nơi sơ chế, đóng gói, chế biến và nơi bày bán sản phẩm đã được cấp xác nhận đủ điều kiện vệ sinh ATTP.
Vì vậy các địa chỉ trong danh sách “Địa chỉ xanh” mà Bộ NN-PTNT công bố đều là an toàn. Khi người tiêu dùng nghi ngờ về chất lượng, có thể phân tích mẫu trực tiếp ngay tại phòng kiểm nghiệm của Trung tâm XTTM Nông nghiệp (số 489 đường Hoàng Quốc Việt, Hà Nội).