Từ nhóm sở thích, hình thành các HTX sản xuất chè chất lượng cao (16/05/2016)

Thực tế các HTX sản xuất, chế biến chè an toàn ở Thái Nguyên, ngày càng nhiều nông dân có nguyện vọng tham gia HTX. Vì HTX chè kiểu mới mang lại cho nông dân nhiều lợi ích hơn, trong đó có 3 khâu quan trọng...


Nông dân vùng chè Tân Cương phân loại sản phẩm trước khi đóng gói

Thời hội nhập kinh tế, đòi hỏi sản phẩm nông nghiệp, trong đó có sản phẩm chè phải đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn chung của khu vực và thế giới. Đây chính là một trong những nguyên nhân để nông dân vùng chè Thái Nguyên cùng hợp tác phát triển.

Thực tế các HTX sản xuất, chế biến chè an toàn ở Thái Nguyên, ngày càng nhiều nông dân có nguyện vọng tham gia HTX. Vì HTX chè kiểu mới mang lại cho nông dân nhiều lợi ích hơn, trong đó có 3 khâu quan trọng: Vốn đầu tư, khoa học kỹ thuật và giá trị sản phẩm đầu ra cao hơn.

HTX Chè Tân Hương, xã Quyết Thắng (TP Thái Nguyên) là một minh chứng. Được biết năm 2001, ông Đỗ Xuân Ngũ và các bà Nguyễn Thị Nhài, Đỗ Thị Hiệp đứng ra thành lập nhóm sở thích những người làm chè chất lượng cao. Ngay sau thành lập, chè của 3 gia đình trong nhóm bán được với gia cao hơn, nên đã thu hút được sự quan tâm chú ý của nông dân trồng chè trong vùng.

Sau hơn 2 tháng hoạt động, nhóm sở thích phát triển thành HTX sản xuất, chế biến chè an toàn, có 36 hộ tham gia, với số vốn đóng góp 150.000 đồng/người. Sau 15 năm hoạt động (2001-2016), HTX phải nếm trải nhiều thăng trầm, nhưng luôn giữ đúng mục tiêu, định hướng đề ra là coi trọng chất lượng sản phẩm, tôn trọng thương hiệu sản phẩm và lấy lợi ích của nông dân làm mục tiêu phấn đấu.

Chính vì vậy mà HTX luôn nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của nông dân trồng chè trong vùng. Đến nay, HTX đã có một khu nhà xưởng, nhà kho bảo đảm cho việc sản xuất, chế biến chè an toàn cho người lao động, với 45 nông hộ tham gia.

Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Nhài, Phó Chủ nhiệm HTX cho biết: Để hoạt động có hiệu quả, HTX đứng ra cung ứng phân bón cho hộ xã viên; tổ chức cho hộ xã viên tham gia các lớp tập huấn về trồng chè, chế biến chè theo tiêu chuẩn VietGap. Từ năm 2011, HTX vận động hộ xã viên sản xuất theo quy trình UZT (Nông nghiệp tốt).

Hiện đã có12 ha chè của 22 hộ xã viên được cơ quan chức năng Nhà nước công nhận đạt quy trình sản xuất UZT. Mỗi năm, HTX có gần 30 tấn chè an toàn cung cấp cho thị trường trong nước và quốc tế.

Thái Nguyên từng 3 lần tổ chức Festival Trà (2011, 2013, 2015). Qua hoạt động Festival, nông dân các vùng chè của tỉnh Thái Nguyên càng thấm thía hơn về bài học nâng cao chất lượng sản phẩm; xây dựng, quảng bá thương hiệu sản phẩm để từng bước hội nhập sâu hơn vào thị trường trong nước và các nước trên thế giới.

Để thực hiện thành công quyết tâm: “Nâng tầm thương hiệu, chắp cánh bay xa”, nhiều nông dân ở các vùng chè đã hăng hái tham gia vào HTX với ước mơ làm giàu từ cây chè.

Theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Ngà, Chủ tịch Hội Chè Thái Nguyên: Trước Festival Trà năm 2011, tỉnh Thái Nguyên chỉ có 8 HTX sản xuất, chế biến chè an toàn, đến nay trong tỉnh đã có 35 HTX. Hầu hết các HTX chè phát triển ổn định, đời sống xã viên luôn được nâng cao.

Đến vùng chè Vô Tranh (Phú Lương), gặp ông Bùi Văn Đức, Chủ nhiệm HTX Làng nghề chè của xã. Ông Đức cho biết: HTX gồm các hộ dân sinh sống ở 6 làng nghề: Tân Bình, Liên Hồng 8, Toàn Thắng, Bình Long, Thống Nhất 1, Trung Thành 2. Nông dân vào HTX để cùng nhau sản xuất chè an toàn, tạo dựng thương hiệu. Nhờ có thương hiệu, sản phẩm chè của Vô Tranh có giá bán cao hơn khoảng 30% so với trước đây.

Trở lại vùng chè Tân Cương, đến thăm HTX Chè Thiên Phú An, xã Phúc Trìu (T.P Thái Nguyên), chúng tôi được bà Hoàng Thị Hiền Thục, Chủ nhiệm HTX cho biết: HTX được thành lập năm 2013, với tổng quỹ đất chè đang cho thu hoạch là 15 ha của 12 hộ xã viên góp lại.

Toàn bộ chè của HTX được sản xuất, chế biến theo tiêu chuẩn VietGAP. Giữa HTX và hộ xã viên có thoả thuận: Tài sản của xã viên là đất đai đóng góp vào HTX, nhưng vẫn do xã viên quản lý, sử dụng. HTX chủ động cung ứng phân bón, thuốc BVTV, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, thu hái, chế biến và tìm thị trường bao tiêu sản phẩm cho hộ xã viên. Tuy mới thành lập, song sản phẩm chè của HTX đã nhanh chóng chiếm lĩnh được thị trường trong nước và quốc tế.


Để đảm bảo chất lượng sản phẩm, nông dân xã Vô Tranh (Phú Lương) không lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật

Vào HTX để cùng làm giàu. Đây là một thay đổi lớn trong nhận thức của người dân các vùng chè ở Thái Nguyên. Bởi trước đây, tại các vùng chè từng có sự hoạt động của HTX, nhưng cách làm không hiệu quả, xã viên không mặn mà gắn bó.

Bà Uông Thị Lan, Chủ nhiệm HTX Chè an toàn Nguyên Việt, xã Minh Lập (Đồng Hỷ) cho bết: Mất nhiều năm nông dân đứng ra làm ăn đơn lẻ, thiếu định hướng, sản phẩm trôi nổi, bị tư thương ép giá. Nhưng từ sau thành lập HTX (2011), 10 ha chè của 11 hộ xã viên tham gia được ban chủ nhiệm hướng dẫn sản xuất theo tiêu chuẩn vietGAP, mỗi năm HTX có 25 tấn sản phẩm chè đặc sản an toàn cung cấp cho người tiêu dùng trong, ngoài nước.

Sau hơn 5 năm hoạt động, HTX khẳng định được vị thế, vai trò trước hộ xã viên, như việc điều tiết sản xuất, cung ứng phân bón, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ vốn sản xuất cho hộ xã viên, khằng định được thương hiệu và tìm được chỗ đứng chắc chắn cho sản phẩm chè của HTX trên thị trường.

Người nông dân vùng chè không ngại khó, khổ, nhưng mang nặng nỗi lo trong nghĩ suy là sản phẩm làm ra bán ở đâu? Bà Nguyễn Thị Dung, xã viên HTX Chè Tân Thành, xã Hoà Bình (Đồng Hỷ) cho biết: Năm 2009, gia đình tôi cùng 20 hộ trong xóm góp đất xây dựng HTX. Góp đất vào HTX, nhưng đất vẫn do gia đình quản lý sử dụng.

Hằng năm, HTX phối hợp với cán bộ cơ quan chức năng về tập huấn, hướng dẫn cho xã viên kỹ thuật sản xuất, chế biến; hằng ngày xã viên được gặp gỡ, giúp nhau làm đổi công, sản phẩm làm ra bán lại cho HTX theo giá thoả thuận. Nhờ HTX làm ăn có hiệu quả, mỗi năm gia đình tôi thu được hơn 200 triệu đồng từ 5 sào chè. Trước đây, do chưa có HTX, gia đình tôi phải tự lo bươn trải từ việc mua phân bón, thuốc BVTV, tìm người mua chè. Năm tiết trời thuận lợi, chè được mùa thì mất giá; năm được giá lại mất mùa. 5 sào chè cành của gia đình chỉ thu được từ 130 triệu đến 150 triệu đồng/năm.

Bên nương chè của gia đình mình, ông Đỗ Xuân Ngũ cho biết thêm: Nhờ được HTX ứng trước phân bón, thuốc BVTV, hộ xã viên không còn lo đói vốn đầu tư. Hằng ngày, các hộ xã viên tự sản xuất, nhưng bắt buộc tuân thủ theo quy trình hướng dẫn của HTX; vào các ngày thứ Hai và Chủ nhật hằng tuần, hộ xã viên mang sản phẩm bán lại cho HTX theo giá thoả thuận. Toàn bộ sản phẩm trước khi nhập kho đều được qua kiểm nghiệm tại bộ phận KCS.

Tham gia HTX, hộ xã viên được rất nhiều, như: Được nâng cao nhận thức về sản xuất, chế biến chè an toàn; tự nâng cao chất lượng sản phẩm; làm tăng giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho gia đình, đặc biệt thông qua hợp tác làm ăn, sản phẩm chè từng bước được chính người nông dân tạo dựng thương hiệu, gìn giữ thương hiệu và nâng cao chất lượng thương hiệu. HTX tồn tại, phát triển nhờ sản phẩm có thương hiệu. Hộ xã viên gắn bó với HTX cũng nhờ vào thương hiệu.

Theo PHẠM NGỌC CHUẨN
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 195
Tổng truy cập: 39333740