Qua Dự án hỗ trợ, thương hiệu cam sành Hàm Yên đã mang lại giá trị thu nhập lớn cho người nông dân
8 chuỗi giá trị
Đó là: Chuỗi trâu, chuỗi lợn, chuỗi dong riềng, chuỗi keo, chuỗi chè, chuỗi thủy sản, chuỗi lạc và chuỗi cam. Tại huyện Sơn Dương, với lợi thế là nguồn thức ăn sẵn có, thị trường tiêu thụ rộng, dự án đã triển khai chuỗi giá trị lợn cho người nghèo.
Ban đầu dự án đã tổ chức tập huấn kỹ thuật chăm sóc, thú y cho người dân, đồng thời bà con còn được dự án hỗ trợ nguồn vốn, lợn giống. Dự án đã thu hút hàng trăm hộ dân tham gia đầu tư, mở rộng quy mô chăn nuôi lợn siêu nạc theo hướng công nghiệp bước đầu đã mang lại hiệu quả rõ rệt.
Ông Hoàng Văn Mão, thôn Yên Phú (xã Đại Phú, huyện Sơn Dương) cho biết, trước đây, gia đình ông cũng thuộc diện rất khó khăn, được dự án hỗ trợ 4 con lợn nái siêu nạc và được các chuyên gia tập huấn kỹ thuật đến nay gia đình ông đã có 30 con lợn nái, ngoài ra ông còn mở trang trại lợn, mỗi năm xuất chuồng hơn 40 tấn lợn hơi, thu về 600 - 700 triệu đồng.
Huyện Hàm Yên là một trong những địa phương có điều kiện rất thuận lợi về thổ nhưỡng để phát triển cây cam sành. Với mục tiêu giúp đồng bào phát triển kinh tế dựa trên những lợi thế có sẵn, Dự án Hỗ trợ nông nghiệp, nông dân và nông thôn tỉnh Tuyên Quang đã thực hiện chuỗi giá trị cam bằng việc tập huấn, hướng dẫn bà con trồng theo quy trình VietGap nhờ đó mà thương hiệu cam sành Hàm Yên đã được thị trường chấp nhận, giá cam cũng được nâng lên.
Trong ngôi nhà khang trang vừa được đầu tư xây dựng hơn 900 triệu đồng, chị Nguyễn Thị Huệ (thôn Mường, xã Phù Lưu, huyện Hàm Yên) cho biết, trước đây gia đình chị cũng thuộc diện khó khăn, nhờ nguồn vốn vay của ngân hàng, sự hỗ trợ của dự án, gia đình chị đã mở rộng phát triển cây cam.
Đặc biệt nhờ áp dụng quy trình sản xuất VietGap, đến nay, hơn 1.800 gốc cam nhà chị cho thu hoạch khoảng trên 160 tấn quả/năm, sau khi trừ chi phí mỗi năm cũng thu về hơn 1 tỷ đồng.
Vùng chè VietGap làng Bát (Xã Tân Thành, huyện Hàm Yên)
Qua việc tham gia vào phát triển chuỗi giá trị lạc, ông Ma Văn Lịch (thôn Nà Giàng, xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa) cho biết, gia đình ông đã trồng lạc nhiều năm, nhờ mô hình khuyến nông mà ông đã được sử dụng giống lạc L14. Đây là giống dễ trồng, dễ chăm sóc. Lạc cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng ngô, lúa hay mía đã đành nhưng lạc L14 lại cho giá trị cao hơn hẳn những giống lạc mà ông từng sản xuất.
Ông Nguyễn Đại Thành (Giám đốc Trung tâm khuyến nông tỉnh Tuyên Quang) cho biết, qua sự hỗ trợ của Dự án, những cánh đồng lạc đã tăng nhanh về năng suất, giá trị sản lượng.
Nhiều hợp đồng bao tiêu lớn được xây dựng mang lại niềm tin đầu tư cho người dân. Khẳng định lạc là cây sản xuất quan trọng trong cơ cấu cây trồng của địa phương, thuộc nhóm cây trồng chủ lực của tái cơ cấu nông nghiệp và cây hàng hóa tập trung, tỉnh Tuyên Quang đã xây dựng kế hoạch phát triển chuỗi giá trị lạc trong giai đoạn 2016 - 2020.
Hỗ trợ phát triển chuỗi giá trị cá đặc sản, Dự án đã tạo ra những thành công trong nghiên cứu sản xuất giống cá quý hiếm, đặc sản là cơ sở để thủy sản Tuyên Quang hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Theo đó, đến năm 2020, Tuyên Quang đặt chỉ tiêu có tổng diện tích nuôi trồng thủy sản đạt trên 12.200 ha. Có trên 1400 lồng cá với 50 % là cá quý hiếm, đặc sản. Để thực hiện đạt kết quả nói trên, ngành nông nghiệp Tuyên Quang cũng xây dựng hệ thống cư chế chính sách để hỗ trợ cho người nuôi trồng thủy sản trên địa bàn.
Phát triển bền vững
Các chuỗi giá trị trâu, dong riềng, chè và chuỗi keo cũng góp phần lớn để Dự án xứng đáng là điểm sáng trong hỗ trợ nông nghiệp nông dân và nông thôn Tuyên Quang. Với đối tượng chính là người nghèo, đồng bào vùng sâu vùng xa, dân tộc thiểu số, dự án đã xác định, lập kế hoạch hành động đối với 8 chuỗi giá trị nói trên.
Mô hình nuôi cá chiên lồng trên sông Lô, thuộc địa bàn xã Thái Hòa, huyện Hàm Yên
Bằng phương thức thay đổi tư duy của người dân từ việc "trồng và nuôi những gì mình có" sang "trồng và nuôi những gì thị trường cần", dự án đã thu hút sự tham gia của gần 60.000 hộ, trong đó có trên 40.000 hộ là đồng bào dân tộc thiểu số. Kết quả, nhiều hộ đã thay đổi tư duy phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, trở thành hộ khá, giàu.
Ông Đặng Tuấn Anh, Phó Giám đốc Ban điều phối Dự án Hỗ trợ nông nghiệp, nông dân và nông thôn tỉnh Tuyên Quang khẳng định, Dự án triển khai trên địa bàn 64 xã, các chuỗi giá trị hàng hóa vì người nghèo đã và đang thu hút được sự tham gia của đông đảo người dân nông thôn, người dân tộc thiểu số, đặc biệt là người nghèo.
Bà con đã thành lập tổ hợp tác để nâng cao khả năng cạnh tranh, sản phẩm sản xuất ra đã đảm bảo tiêu chuẩn đáp ứng được nhu cầu thị trường, qua đó, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập. Dự án đã và đang góp phần quan trọng cùng các cấp, ngành liên quan của tỉnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội.
Điều quan trọng, việc xác lập các chuỗi trên cơ sở khoa học, làm thay đổi tư duy của người dân nên chắc chắn sẽ là động lực để sự phát triển đảm bảo tính ổn định, bền vững.