Những con số cho thấy một bức tranh 'khủng khiếp' về an toàn thực phẩm ở Quảng Nam (02/06/2016)

Tại địa bàn tỉnh Quảng Nam, gần đây nhất, cơ quan chức năng đã phát hiện và tiêu hủy 400kg măng có chứa chất vàng ô tại chợ Nam Phước, huyện Duy Xuyên khiến người tiêu dùng tỏ ra lo lắng. Trong vài năm trở lại đây, Quảng Nam đã xảy ra hàng chục vụ ngộ độc thực phẩm...


Nhiều cơ sở giết mổ chưa được cấp giấy chứng nhận vệ sinh thú y và ATTP

Vừa qua, UBND tỉnh Quảng Nam đã tiến hành họp bàn với các Sở, ngành, địa phương về việc tăng cường kiểm soát VSATTP trên địa bàn tỉnh. Báo cáo tại buổi làm việc những con số mà cơ quan chức năng đưa ra khiến nhiều đại biểu giật mình.

Những con số đáng sợ

Tại địa bàn tỉnh Quảng Nam, gần đây nhất, cơ quan chức năng đã phát hiện và tiêu hủy 400kg măng có chứa chất vàng ô tại chợ Nam Phước, huyện Duy Xuyên khiến người tiêu dùng tỏ ra lo lắng về tình trạng mất ATVSTP. Trong vài năm trở lại đây, Quảng Nam đã xảy ra hàng chục vụ ngộ độc thực phẩm làm gần 300 người ngộ độc. Trong đó, phần lớn trường hợp ngộ độc là do sử dụng các sản phẩm nông, lâm, thủy sản bị nhiễm độc làm thực phẩm.

Theo Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Quảng Nam, kết quả giám định chất lượng VSATTP trên địa bàn tỉnh thời gian qua cho thấy nhiều cơ sở giết mổ, sản phẩm thủy sản, rau quả chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP, nhiều mẫu thịt lợn nhiễm vi sinh vật vượt mức giới hạn cho phép.

Cụ thể tất cả cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh được kiểm tra thì hầu hết chưa đủ điều kiện vệ sinh thú y và ATTP.


Gia cầm giết mổ không đảm bảo VSATTP

Chỉ có 16/147 cơ sở giết mổ được cấp giấy chứng nhận vệ sinh thú y (chiếm 10,88%) và 4/147 cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP trong giết mổ (chiếm 2,27%).

Kết quả giám định 195 mẫu thịt heo chưa phát hiện chất tạo nạc, chất kích thích tăng trưởng trong sản phẩm thịt. Tuy nhiên đã có 48/195 mẫu thịt nhiễm vi sinh vật vượt mức giới hạn cho phép (chiếm 24,6%); có khoảng 10% mẫu chả có sử dụng các chất cấm như hàn the.

Về sản phẩm thủy sản, tiến hành kiểm tra 135 mẫu tại các chợ và cơ sở thu mua, chế biến thì có 11 mẫu nhiễm vi sinh vật gây bệnh; 3 mẫu nhiễm Chloramphenicol và 3 mẫu nhiễm kim loại nặng (Cadimi).

Về rau củ quả, gửi đi kiểm tra, kết quả phân tích cho thấy 7/329 mẫu phát hiện dư lượng các hoạt chất thuốc BVTV, trong đó 3 mẫu vượt giới hạn, 1 mẫu phát hiện có dư lượng kim loại nặng Cd vượt quá ngưỡng theo quy định, Ngoài ra 49 mẫu rau quả nhiễm vi sinh vật; 3 mẫu rau có hàm lượng nitrat; 5/26 mẫu nhiễm chất cấm Auramine (vàng ô).


Nhiều mẫu rau nhiễm vi sinh vật

Về quy trình SXNN chỉ có 34/13.605ha rau trồng theo tiêu chuẩn VietGAP (chiếm 0,25%); 11/5.600ha nuôi trồng thủy sản áp dụng VietGAP (chiếm 2,27%).

Ông Trần Bốn, Chi cục phó Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Quảng Nam chia sẻ: Ở cấp tỉnh hiện nay còn nhiều thiếu thốn về cơ sở vật chất kỹ thuật. Còn ở cấp huyện và xã chưa có cán bộ chuyên trách công tác quản lý chất lượng và ATTP sản phẩm nông, lâm, thủy sản nên khó khăn trong việc nâng cao hiệu quả kiểm soát thực phẩm, hàng hóa.

Chi cục VSATTP tỉnh Quảng Nam cho biết: Toàn tỉnh hiện có hơn 18.000 cơ sở SX, sơ chế, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Nhân “Tháng hành động vì chất lượng VSATTP” vừa qua, toàn tỉnh đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 5.061 cơ sở thực phẩm. Qua đó phát hiện 802 cơ sở vi phạm, chiếm tỷ lệ 15,87% so với số cơ sở được kiểm tra. Các cơ sở được kiểm tra vi phạm các nội dung chủ yếu như: Chất lượng sản phẩm thực phẩm, điều kiện về con người, điều kiện về trang thiết bị, dụng cụ, quy định về sử dụng chất cấm, thuốc kháng sinh trong chăn nuôi, thuốc BVTV…

Theo ông Bốn, đơn vị ông mới được thành lập nên vẫn còn thiếu về nhân lực để quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản. Ví như Phòng Pháp chế, theo biên chế thì có 3 cán bộ chuyên trách nhưng đến nay chỉ có ông và 2 cán bộ ở phòng khác kiêm nhiệm.

Xây dựng chuỗi thực phẩm

Ông Ngô Tấn, PGĐ Sở NN-PTNT Quảng Nam, thẳng thắn thừa nhận tình trạng ATVSTP chưa được kiểm soát tốt. Trước thực trạng đó, Sở này đã và đang triển khai xây dựng chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn gồm thịt lợn, gà, tôm, trứng gà, nước mắm trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Cụ thể, Sở đã triển khai thực hiện chuỗi thịt lợn tại huyện Thăng Bình; lựa chọn 15 hộ chăn nuôi có quy mô đàn từ 30 con/lứa trở lên tại các xã Bình Chánh, Bình Phú, Bình Định Nam của huyện Thăng Bình tham gia chương trình kiểm soát chuỗi sản phẩm thịt lợn.

Việc thực hiện theo chuỗi sản phẩm thịt lợn được thực hiện chặt chẽ từ khâu chọn con giống, điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật, công tác tiêm phòng và kiểm soát dịch bệnh, nguồn nước dùng trong chăn nuôi…

Theo kế hoạch, trong giữa tháng 7 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam sẽ có sản phẩm thịt lợn an toàn được kiểm soát theo chuỗi.

Ngoài ra, về các mặt hàng thực phẩm khác như rau, thịt gà, trứng gà, tôm, Sở NN-PTNT cũng đã xây dựng phương án và trình UBND tỉnh phê duyệt vào cuối tháng 5.

Cơ quan chuyên trách nông nghiệp này cũng đề nghị chính quyền tỉnh Quảng Nam chỉ đạo các địa phương triển khai xây dựng chuỗi thí điểm và mở các quầy kinh doanh tại các chợ trọng điểm như Tam Kỳ, Thăng Bình, Duy Xuyên, Điện Bàn, Hội An.


Cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam kiểm tra các mẫu măng bán trên địa bàn

Riêng đối với chuỗi thịt lợn đã thực hiện tại huyện Thăng Bình, sau khi tổng kết, đánh giá sẽ tiến hành nhân rộng ra cho toàn huyện và triển khai tại các huyện còn lại trên địa bàn tỉnh.

Tại buổi làm việc, ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho hay: Những con số trên cho thấy một bức tranh khủng khiếp về ATTP. Thực phẩm không an toàn tràn lan ngoài yếu tố chạy theo lợi nhuận của người SX, ở đây còn bộc lộ lỗ hổng trong cách thức quản lý nhà nước.

Theo ông Thanh, để nâng cao năng lực quản lý chất lượng, ATTP, thời gian tới đầu tư trang thiết bị hỗ trợ, từng bước hiện đại. Đặc biệt kiện toàn lại đội ngũ nhân lực và có thể xã hội hóa một số đơn vị sự nghiệp.

“Việc đầu tư phải đến nơi đến chốn để công tác quản lý mang lại hiệu quả, tạo được hiệu ứng. Từ đó sẽ chuyển đổi hành vi của người SX và người tiêu dùng. Nông nghiệp và y tế là hai ngành dọc chủ lực, phối hợp triển khai đồng bộ, quyết liệt từ tỉnh đến cơ sở.

Đối với các chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn (gồm thịt heo, tôm, rau củ quả, thịt gà, trứng gà và nước mắm), đến năm 2017 phải mở rộng sang các chuỗi sản phẩm khác, có thể là cá nước ngọt và thịt bò”, ông Thanh nói.

Theo SÔNG LA (nongnghiep.vn)
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 199
Tổng truy cập: 39333740