Ông Võ Văn Đào (phải) - Giám đốc HTX Tân Tiến thăm đồng
Ông Nguyễn Văn Trãi, Giám đốc HTX Tân Cường (xã Phú Cường, Tam Nông) đến từng hộ dân vận động tham gia mô hình kinh tế hợp tác, hay đi gõ cửa DN kết nối, tiêu thụ sản phẩm cho HTX nên ông luôn được mọi người tin tưởng.
Anh Phạm Tuấn Hải, xã viên HTX Tân Cường cho biết: “Để tìm một người có tâm huyết như ông Trãi thật sự rất khó. Ông không chỉ là người tận tâm xây dựng HTX mà còn nhạy bén, năng động trong việc tìm kiếm nguồn lực, vận động DN liên kết đưa HTX ngày càng đi lên”.
Một trong những đột phá của HTX giai đoạn 2013 - 2016 là đầu tư kho, lò sấy, nhà máy chế biến gạo với diện tích 11.500m2. Ngoài dự án cạnh tranh nông nghiệp (ACP) do Ngân hàng Thế giới tài trợ (xây dựng lò tháp 40 tấn/mẻ, hai kho chứa 2.000 tấn), HTX còn đầu tư xây dựng 6 lò sấy vỉ ngang, công suất 240 tấn và nhà máy xay xát, chế biến 40.000 tấn/năm.
Trong vụ đông xuân năm ngoái, HTX Tâm Cường là một trong 2 HTX cả nước được Chính phủ giao chỉ tiêu tạm trữ 2.000 tấn quy gạo, giúp ổn định giá lúa cho xã viên.
“Việc thực hiện liên kết với DN tìm đầu ra ổn định, chính là nâng cao hơn nữa lợi nhuận cho người trồng lúa, không gì khác hơn bằng cách rút ngắn khoảng cách từ khâu SX đến khâu tiêu thụ, giảm thất thoát sau thu hoạch”, ông Trãi nói.
Mô hình liên kết, tiêu thụ lúa giữa Cty Lộc Anh và HTX Nông nghệp Tân Tiến (xã Phú Đức, Tam Nông) cũng được nhiều người biết đến.
Ông Võ Văn Đào, GĐ HTX Tân Tiến cho biết, ngay từ những ngày đầu thành lập , HTX đã tính đến giải pháp làm ăn nào hiệu quả nhất để giúp nông dân giảm giá thành, tăng lợi nhuận. Theo đó, ban quản trị HTX đã vận động xã viên cùng thực hiện mô hình cánh đồng SX lúa theo tiêu chuẩn VietGAP, ứng dụng các tiến bộ KHKT vào thâm canh, nhờ đó giá thành SX giảm khoảng 30% chi phí, lợi nhuận của xã viên được nâng lên.
Ông Võ Văn Đào chia sẻ thêm: “Để đạt được kết quả này, trước tiên mình phải thuyết phục xã viên tin tưởng, thống nhất và cam kết với HTX không được “bẻ kèo” khi giá thị trường cao hơn hợp đồng, tình trạng này nhiều năm nay đã không xảy ra".
Để chủ động đầu ra cho cây lúa, cùng với sự hỗ trợ của địa phương, ông Đào đã chủ động liên hệ với nhiều DN ký kết hợp đồng bao tiêu toàn bộ diện tích lúa tại HTX. Với phương án ký kết hợp đồng theo từng vụ, giá bán theo thị trường từng thời điểm. Nhờ phương thức làm ăn uy tín, HTX giao hàng đúng thời gian, chất lượng đảm bảo, từ đó DN tín nhiệm.
Tại thời điểm thu mua lúa, DN mua cao hơn giá lúa thị trường cùng thời điểm từ 100 - 150 đồng/kg, đồng thời hỗ trợ 30 đồng/kg lúa cho HTX. Từ đó, doanh thu của HTX cũng như lợi nhuận của xã viên đều tăng lên.
Mô hình liên kết đã đem lại lợi nhuận trong việc giảm giá thành thu hoạch so với cách làm thủ công truyền thống khoảng 3,5 triệu đồng/ha. Năng suất cao hơn từ 200 - 400 kg/ha do tiết giảm trong quá trình cắt, gặt, thu gom và vận chuyển, giá lúa tăng bình quân khoảng 150 - 200 đồng/kg do chất lượng tốt. Nhờ chất lượng sản phẩm đảm bảo nên việc liên kết, tiêu thụ với DN cũng được thuận lợi hơn. Nhờ bước đi vững chắc, HTX Tân Tiến tạo lập vị thế trong ngành trồng trọt. Đến nay, toàn bộ diện tích của HTX đều được Cty Lộc Anh bao tiêu, giúp nông dân yên tâm SX.