TBR225 lập nên những 'kỳ tích mới' trên đồng ruộng (21/06/2016)

Vài vụ gần đây, cái tên TBR225 nổ như pháo ran trên các phương tiện thông tin đại chúng.


TBR225 là giống được ông Trần Mạnh Báo tâm đắc

Từ huyện Tân Hiệp (Kiên Giang) cho đến vùng “lục khu” khô khát Cao Bằng, đâu đâu cũng ngập tràn lời tán thưởng tại các hội thảo đầu bờ.

Ngày 19/6/2015, Bộ NN-PTNT chính thức công nhận TBR225 là giống lúa quốc gia. Vụ xuân năm nay, lượng lúa giống TBR225 được Thaibinhseed tung ra thị trường đã đủ để rải khắp 35.000ha trên toàn quốc. Một con số khiến bất cứ doanh nghiệp giống cây trồng nào cũng mơ ước. Nếu xét về tốc độ nhân rộng ra SX, ngay cả “người anh” BC15 cũng không thể địch nổi.

Không ai hiểu giống lúa TBR225 bằng chính “cha đẻ” Trần Mạnh Báo, TGĐ TCty CP Giống cây trồng Thái Bình - người có thâm niên hơn 40 năm làm giống cây trồng, cũng là tác giả của 7 giống lúa (trong đó có TBR225).

Vừa rồi, vào xã Phước Quang, huyện Tuy Phước, Bình Định, chính mắt ông đã chứng kiến hộ dân cấy TBR225 đạt năng suất 8,5 tấn lúa khô (thủy phần 13%) trên 1ha và độ sạch đủ tiêu chuẩn để làm giống. Nếu tính theo năng suất thống kê là 10 tấn.

Có vẻ sợ người nghe nghi hoặc, ông Báo còn chêm thêm câu: “Tôi nói có địa chỉ hẳn hoi, trực tiếp đến xem và chụp ảnh chứ không phải nói để lừa dối bà con. Với tôi, nói dối nông dân là có tội với tổ tiên, có tội với bố mẹ”. Thaibinhseed cũng vừa thống kê năng suất lúa TBR225 trên toàn quốc, kết quả dao động từ 6,5 - 7 tấn/ha. Với lúa thuần là khá lý tưởng.

Tại hội nghị tham quan đầu bờ giống lúa TBR225 vừa qua tại xã Gia Hưng, huyện Gia Viễn (Ninh Bình), các nhân viên của Thaibinhseed bưng cả nồi cơm để các đại biểu thưởng thức. Dù đặt mãi tận phía ngoài sân hội trường, hương thơm nhẹ vẫn luồn theo gió len lỏi vào tận sống mũi mọi người. Chất lượng gạo TBR225 được đánh giá tốt hơn BC15, hạt trong, dài, trọng lượng hạt đạt từ 23 - 25gr, cơm có mùi thơm nhẹ và đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.

Sức sống mãnh liệt

Ngoài chất lượng tốt, năng suất cao, Trần Mạnh Báo còn “mê” TBR225 ở khả năng đẻ nhánh vô cùng mãnh liệt. Ai không tin hãy về xã Quỳnh Côi (Quỳnh Phụ, Thái Bình) có mô hình cấy mật độ 12 khóm/m2 vẫn đạt năng suất tới 75 tạ/ha. Và ở Cần Thơ, ông Báo đã chứng kiến thửa ruộng cấy chỉ sau 27 ngày mà có khóm đạt 24 nhánh. Nghĩa là khả năng đẻ nhánh của nó còn vượt cả lúa lai Trung Quốc, bởi bản thân TBR225 mang “dòng máu” của một con lai.

Ông Báo cùng PGS.TS Nguyễn Văn Hoan đã từng làm một thí nghiệm để đánh giá sức chống chịu của giống lúa TBR225 trong điều kiện không có nước tưới bằng cách trồng chúng trong vườn cao su ở Tây Nguyên, sau đó sử dụng máy bơm để tưới mỗi ngày 2 lần như tưới rau. Thế mà, chúng vẫn đẻ nhánh cực kỳ khỏe.

Ở huyện Lệ Thủy, Quảng Bình, một số vùng dân chỉ cấy một vụ xuân, còn vụ mùa nước trên dãy Trường Sơn dồn về gây ngập lụt, không thể cấy được. Sau khi thu hái, bà con để nguyên gốc rạ, bón thêm 2kg đạm/sào làm lúa tái sinh, 45 ngày sau vẫn thu được 1,6 tạ lúa/sào. Chứng tỏ, đây là giống lúa có sức sống cực kỳ mãnh liệt và khó có thể tác giả nào chọn tạo được.

Ông Trần Mạnh Báo khuyến cáo, vụ mùa bà con thâm canh TBR225 bón thừa đạm, gặp mưa lớn vẫn bị nhiễm bạc lá nhẹ. Vùng đất trũng, tốt nhất là cho tất cả phân chuồng, lân, NPK (bón một lần), sau đó bừa và gieo cấy. Nếu làm thế thì ko lo bệnh bạc lá. Và, phải tính toán thời điểm lúa trỗ sau 20/9 thì rất an tâm.

Ông Trần Đình Toàn, PGĐ Sở NN-PTNT Ninh Bình cho hay: “Nếu Gia Viễn là vùng đất khó khăn nhất của Ninh Bình, thì hai xã Gia Hòa và Gia Hưng là khó khăn hơn cả, bởi tầng canh tác quá mỏng và nghèo dinh dưỡng. Lịch sử đất Gia Viễn đã tiếp nhận khoảng 60 - 70 giống lúa mới, trụ lại được đến giờ này chỉ có hai giống. Trước đây là BC15 và bây giờ khẳng định là có cả TBR225. Bằng chứng là xã Gia Hưng đã mở rộng diện tích trồng TBR225 tới 80ha”.

Theo MINH PHÚC (nongnghiep.vn)
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 182
Tổng truy cập: 39333740