Đó là chia sẻ của Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội, ông Nguyễn Duy Hồng trong cuộc trả lời phỏng vấn PV NNVN về những bước triển khai đồng bộ, quyết liệt của ngành nông nghiệp với lĩnh vực rau an toàn (RAT).
Ông Nguyễn Duy Hồng - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội
Sau khi chứng nhận trên 5.000ha vùng đủ điều kiện SX RAT, ngành nông nghiệp Hà Nội đang tập trung mạnh thanh kiểm tra SX, tiêu thụ, giám sát theo chuỗi, ông có thể nói rõ hơn về kế hoạch này?
Vừa qua, xã Vân Nội, huyện Đông Anh - một trong những vùng rau lớn đã tổ chức ký cam kết phối hợp kiểm soát, tiêu thụ RAT. Chi cục BVTV Hà Nội cũng đã thí điểm 11 chuỗi về mặt hàng rau. Trong đó, có một số chuỗi là rau hữu cơ, còn lại là RAT. Riêng huyện Đông Anh, chúng tôi tiến hành xây dựng 19 chuỗi để nâng tổng số lên 30 chuỗi.
Về SX, cơ bản Hà Nội đã đi vào quy củ, quan trọng và cấp bách nhất vẫn là làm thế nào để tháo gỡ khâu tiêu thụ, bởi cửa hàng RAT trên địa bàn Thủ đô hiện vẫn còn ít.
Theo số liệu điều tra của Chi cục, năm 2015 có khoảng 5% lượng RAT được bán tại cửa hàng, siêu thị, sang năm 2016 này tỉ lệ này tăng lên 6,7%, cho thấy tốc độ tăng trưởng quá thấp. Theo tôi, Hà Nội phải có hàng nghìn điểm bán RAT mới đáp ứng được nhu cầu và kỳ vọng của người tiêu dùng.
Vậy công tác vận động, thanh kiểm tra, giám sát trong thời gian tới được Chi cục BVTV Hà Nội triển khai chi tiết như thế nào, thưa ông?
Quan điểm sắp tới chúng tôi sẽ không kiểm soát chung chung. Theo đó, các Trạm BVTV quận, huyện, thị xã sẽ thay mặt Chi cục BVTV Hà Nội cùng với UBND xã, các DN, HTX SX, sơ chế, cửa hàng, cơ sở tiêu thụ tiến hành ký cam kết phối hợp kiểm soát SX, tiêu thụ RAT. Sau đó chúng tôi sẽ lần lượt công bố các chuỗi theo đúng quy định của pháp luật.
Việc làm này giúp được người SX, DN, HTX, song lại không sai luật (tức là xác nhận hay chứng nhận cho sản phẩm an toàn), bởi nếu cơ quan quản lí nhà nước trực tiếp xác nhận sản phẩm an toàn vừa sai luật, vừa không thể đủ nhân lực để kiểm tra, giám sát.
Đặc biệt, trong trường hợp nếu các tổ chức, cá nhân có nhu cầu nhập rau từ vùng ngoài Hà Nội hay hàng nhập khẩu khi có yêu cầu, Chi cục BVTV Hà Nội sẽ phối hợp với Chi BVTV các tỉnh hướng dẫn nông dân nơi cung cấp rau cho DN áp dụng quy trình SX RAT của Hà Nội và tiến hành ghi chép nhật ký sử dụng thuốc BVTV để có thể truy xuất được nguồn gốc đến hộ.
Cùng với việc đẩy mạnh việc quản lí, giám sát theo chuỗi, song cũng không thể lơ là khâu SX?
Với RAT hoàn toàn đúng bởi SX vẫn là gốc rễ của vấn đề. SX an toàn, các công đoạn sau nguy cơ giảm đi gần như cơ bản. Chính vì vậy, Chi cục BVTV Hà Nội trong thời gian tới sẽ quan tâm sát sao tới người sử dụng thuốc và người bán thuốc theo nguyên tắc cơ bản là hướng dẫn, kiểm tra và xử lý vi phạm theo Nghị định số 31/2016/NĐ-CP.
Đầu tiên chúng tôi hướng dẫn các HTX, DN vận động và tổ chức thành các nhóm nông dân tự quản, ghi chép tình hình sử dụng thuốc và quản lý hồ sơ để truy xuất. Tiếp theo chúng tôi tham mưu Sở NN-PTNT hướng dẫn, đôn đốc cấp huyện chỉ đạo cấp xã thực hiện Thông tư số 51/2014/TT-BNNPTNT thông qua việc yêu cầu và tổ chức cho tất cả nông dân vùng rau ký cam kết. Một khi đã cam kết phải thể hiện cụ thể như thế nào? Đó chính là ghi chép tình hình sử dụng thuốc với những cột thông tin cơ bản như loại rau, diện tích, ngày trồng, ngày phun, loại thuốc, liều lượng, ngày thu hoạch.
Chế biến RAT trước khi xuất bán
Sau quá trình vận động sẽ tiến thêm một bước yêu cầu người SX RAT phải ghi chép nhật ký đồng ruộng, yêu cầu cửa hàng, đại lí bán thuốc phải kê đơn để minh bạch thông tin và lực lượng chức năng có thể truy xuất nguồn gốc và cả trách nhiệm trong quá trình thanh kiểm tra sau này. Để cụ thể hóa mục tiêu này chúng tôi sẽ tham mưu với Sở NN-PTNT hướng dẫn việc ghi chép, kê đơn.
Tuy nhiên, theo phản ánh của DN và ngay cả cơ quan chuyên ngành, công tác quản lí RAT hiện gặp nhiều khó khăn do văn bản quy phạm pháp luật không thật sự rõ ràng?
Thực tế đúng như vậy. Hiện nay, chúng ta mới có quy định về RAT và rau VietGAP còn các loại rau khác như rau hữu cơ chưa có quy định nên đây chính là nguyên nhân khiến thị trường cửa hàng rau hữu cơ nhiều hơn cả RAT.
Có một cái khó cho cơ quan quản lí hiện nay là trong Thông tư liên tịch số 34/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT hướng dẫn ghi nhãn hàng hóa đối với thực phẩm, phụ gia thực phẩm và chất hỗ trợ chế biến thực phẩm bao gói sẵn mặt hàng rau không thuộc phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng phải có nhãn. Nhưng nếu không có nhãn không biết nguồn gốc, xuất xứ.
Lúc này, chỉ có thể xử phạt theo Nghị định số178/2013/NĐ-CP, nhưng để áp dụng được chế tài này phải tiến hành phân tích, điều tra vừa mất thời gian và tốn kém, bởi một mẫu rau phân tích vài ba chỉ tiêu đã mất mấy triệu đồng rồi.
Đây là kẽ hở để các DN, siêu thị cửa hàng nhập nhèm, gian dối trong quá kinh doanh mặt hàng RAT có tem nhãn chứng nhận và rau buộc bằng lạt, rơm không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ.
Tuy nhiên, kêu vậy thôi chứ Hà Nội vẫn quyết tâm làm kiểu “mưa dầm thấm lâu”. Qua đó, vừa giúp tăng cường công tác quản lí nhà nước vừa thay đổi cơ bản thói quen, tư duy người SX, DN cũng như các HTX.
Xin cảm ơn ông!