Hoạt động xúc tiến thương mại nông nghiệp tại hội thảo
Về lĩnh vực trồng trọt Hà Nội đã hình thành 157 cánh đầu mẫu lớn, vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao tại 14 huyện ngoại thành, 170ha cây ăn quả VietGAP, trên 80ha chè VietGAP, 5.000ha rau an toàn.
Về lĩnh vực chăn nuôi đã hình thành rõ nét các vùng chăn nuôi trọng điểm gồm 76 xã chăn nuôi trọng điểm và 3.232 trại quy mô lớn ngoài khu dân cư. Thành phố cũng đã xây dựng được 11 chuỗi liên kết sản phẩm rau an toàn, 21 chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi, tổng sản lượng sản xuất và tiêu thụ đạt hàng nghìn tấn rau, 4,5 nghìn tấn thịt lợn, 3,1 nghìn tấn thịt gia cầm, 140 triệu quả trứng gia cầm, 29 nghìn tấn sữa tươi. Xây dựng và phát triển được 27 nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, sản phẩm chế biến.
Tuy nhiên, mặt hạn chế là việc liên kết giữa các cơ sở sản xuất nông sản thực phẩm an toàn với nhau rất yếu, chủ yếu theo hình thức mạnh ai người đó làm nên khó khăn trong quá trình kết nối với doanh nghiệp phân phối và tính cạnh tranh thấp. Chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa cơ sở sản xuất với doanh nghiệp phân phối nông sản nên một lượng lớn nông sản thực phẩm an toàn vẫn được tiêu thụ qua các kênh truyền thống, giá bán thấp và bấp bênh.
Công tác xây dựng nhãn hiệu sản phẩm mặc dù đã có nhiều kết quả nhưng việc duy trì và phát triển hạn chế. Một số cơ sở sản xuất và doanh nghiệp phân phối vẫn chạy theo những lợi ích trước mắt và bỏ quên vấn đề an toàn cho người sử dụng thông qua việc không nghiêm ngặt quy trình sản xuất và trà trộn sản phẩm kém chất lượng vào tiêu thụ...
Tại hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Huỳnh, Giám đốc Cty CP Nấm Việt cho biết, sản phẩm nấm kim châm của DN vẫn chưa vào được hệ thống siêu thị dù đã có chứng nhận VietGAP do các siêu thị chỉ nhập từ Hàn Quốc, Nhật Bản về bán, do người tiêu dùng không tin tưởng Việt Nam có thể sản xuất được loại nấm này.
Ở phía ngược lại, ông Nguyễn Văn Kỳ, Giám đốc HTXNN Phú Xuân (Phú Xuyên, Hà Nội) thông tin rằng đơn vị sản xuất hàng ngàn tấn rau an toàn mỗi năm nhưng cũng chỉ bán cho mối quen chứ chưa vào được siêu thị bởi ở đâu cũng yêu cầu VietGAP mà HTX không biết đăng ký ra sao, cần những yêu cầu như thế nào.
Ảnh: TH
Theo ước tính, lượng nông sản thực phẩm có chứng nhận, rõ nguồn gốc xuất xứ mới chỉ chiếm khoảng 20%. Các chợ đầu mối chứ không phải hệ thống siêu thị, nhà hàng vẫn đang đóng vai trò là khâu điều phối chính sản phẩm đến thị trường tiêu thụ. Liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản an toàn vì thế khá lỏng lẻo.
Để giải quyết tình trạng này tận gốc, Trung tâm Xúc tiến Thương mại nông nghiệp Hà Nội kiến nghị một loạt: Cần có cơ chế chính sách đủ mạnh hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn nhằm thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát đảm bảo an toàn từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ nông sản thực phẩm, đồng thời có biện pháp xử lý nghiêm đối với các cơ sở sản xuất sản phẩm kém chất lượng.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá các sản phẩm tốt, các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp uy tín tới người tiêu dùng. Hỗ trợ các cơ sản xuất xây dựng cơ sở hạ tầng cho sơ chế, chế biến và bảo quản nông sản đồng thời hỗ trợ cơ sở hạ tầng thương mại cho các điểm tiêu thụ...