Các nhà khoa học xuống tận ruộng hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân
Mô hình tài trợ 100% giống lúa, phân bón cho 65 hộ tham gia (mỗi tỉnh chọn đại diện nông dân có diện tích canh tác 5 công). Cuối năm, chương trình thi tổng kết sẽ bình chọn các mô hình tiêu biểu đi tham quan, học tập kinh nghiệm trồng lúa ở nước ngoài. Hiện các mô hình trình diễn đang trong giai đoạn lúa từ 32 -35 ngày tuổi, sinh trưởng tốt.
Vừa qua, các nhà khoa học cùng Trung tâm Khuyến nông của 13 tỉnh, thành ĐBSCL có chuyến thăm các mô hình, hướng dẫn trực tiếp cho nông dân đo độ mặn, phèn để nhận biết thời điểm bón phân cân đối. Đây cũng là cách giúp bà con giảm thiểu việc sử dụng thừa phân đạm, cũng như giảm số lần phun thuốc BVTV trong thời gian 40 ngày sau sạ...
Anh Đồng Văn Tiệp ở ấp 3, xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ (Hậu Giang) là một trong những nông dân tiêu biểu được chọn thí điểm mô hình canh tác lúa thông minh cho biết, áp dụng mô hình đã giảm được lượng giống sạ xuống còn 8 kg/công (cách làm truyền thống sạ tới 20 - 25 kg/công).
Hiện tại cây lúa khỏe, nở bụi tốt, số chồi nảy nở nhiều, chi phí ban đầu giảm khoảng 250.000 - 300.000 đồng/ha. Sử dụng loại phân chuyên dùng Đầu Trâu giải độc mặn – phèn thúc cây ra rễ, bộ rễ cây phát triển mạnh, tăng khả năng chống chịu, trước khi sạ bón lót 250 - 300 kg/ha. Đến thời điểm này mô hình thí điểm trên ruộng của tôi vẫn chưa xử lý thuốc BVTV.
Còn ông Nguyễn Hồng Phương ở xã Long Thạnh, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) có 5 công sạ 40 kg giống, đến nay trà lúa đã được 35 ngày tuổi. Ông Phương cho biết, từ khi áp dụng mô hình trước tiên giảm được dịch hại sâu bệnh so với các thửa ruộng xung quanh, giống lúa OM 9921 đến thời điểm hiện tại chưa phải sử dụng thuốc trừ sâu, có bệnh đạo ôn nhưng không đáng kể.
Mô hình đã giúp nhiều nông dân ở ĐBSCL giảm được lượng giống gieo sạ, giảm chi phí đầu vào, được các nhà khoa học hướng dẫn từ việc làm đất, chọn giống, sử dụng phân bón, thuốc BVTV hợp lý...
GS-TS Mai Văn Quyền, nguyên Phó Viện trưởng Viện KHKT nông nghiệp miền Nam cho biết, qua khảo sát trên mô hình thí điểm của nhiều hộ trước khi gieo sạ đất bị nhiễm phèn, cây lúa có hiện tượng rễ có phèn nhẹ nên không trắng đẹp bằng những vùng khác. Nhưng nhìn chung cũng khá đạt yêu cầu của mô hình. Nếu bón phân chuyên dùng Đầu Trâu mặn - phèn giúp rễ trắng, khỏe, hút dinh dưỡng.
“Để cây lúa trong mô hình phát triển tốt trong giai đoạn làm đòng, cũng như trổ trong thời gian tới, bà con cần bón phân đầy đủ lượng theo khuyến cáo. Đồng thời nắm vững kỹ thuật đo độ mặn, phèn để nhận biết thời điểm bón các loại NPK cân đối. Đây cũng là cách giúp nông dân giảm thiểu việc sử dụng thừa phân đạm gây nhiễm độc cho đất và ảnh hưởng môi trường, nhằm để đạt năng suất tốt nhất”, GS-TS Mai Văn Quyền nói.
Theo khuyến cáo TS Hồ Văn Chiến, nguyên GĐ Trung tâm BVTV phía Nam, vụ HT 2016 ĐBSCL gieo sạ hơn 1,7 triệu ha bắt đầu đã thu hoạch, một số vùng có đê bao an toàn như An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ… đã bắt tay xuống giống vụ TĐ. Qua sự theo dõi của Trung tâm BVTV phía Nam cho thấy bệnh đạo ôn là mối nguy cơ nhất khi lúa trong giai đoạn lúa đẻ nhánh đến làm đòng.
Qua khảo sát, ngoài vấn đề giống nhiễm, còn do bà con sạ dày và bón thừa đạm dẫn đến bệnh đạo ôn tấn công. Ngoài ra trong thời gian vừa qua tình hình khô hạn, mặn diễn ra phức tạp kéo dài, khi mưa xuống bà con vội làm đất, khi đó đất bị ngộ độc hữu cơ và lúc bón phân gặp mưa ít, nước chưa thấm sâu. Khi cây nảy chồi thì bị đạo ôn, ngộ độc hữu cơ gây thối rễ. Lúa bị đạo ôn rất khó phòng trị do cây không hấp thụ được kali, lân… Lúa ngộ độc hữu cơ kèm với bệnh đạo ôn thì rất khó phòng trị.
Ngoài ra, khi cây lúa bị đạo ôn thì điều kiện tiên quyết là phun đúng thuốc, đúng liều lượng nước, đúng thời gian, chú ý béc phun…