Bón phân cho cây thanh long (27/07/2016)

Cây thanh long chịu hạn tốt nên được trồng ở những vùng nóng và cần ánh sáng trực tiếp. Thanh long chủ yếu được trồng tập trung ở vùng cát nóng Bình Thuận.


Cần bón đầy đủ trung, vi lượng để canh tác thanh long bền vững

Do biến đổi khí hậu, trái đất nóng dần, miền Bắc nóng hơn và rét giảm dần nên cây thanh long đang được trồng tại các tỉnh phía Bắc.

Từ thực tiễn thâm canh thanh long của một số chủ vườn tại Thái Bình cho thấy bộ rễ cây phát triển khá mạnh, lan rộng nhưng không ăn sâu. Do vậy, có thể trồng trên nhiều loại đất, song yêu cầu đất tơi xốp và luôn đủ ẩm.

Để canh tác thanh long bền vững cần đầy đủ chất hữu cơ trong đất và bổ sung thêm phân vô cơ. Chọn các loại phân vô cơ có đầy đủ các chất đạm, lân, kali và trung, vi lượng cho phù hợp. Ngoài các chất đa lượng (NPK), cây cần một số nguyên tố trung lượng với lượng vừa phải như canxi, ma giê, lưu huỳnh. Đặc biệt thanh long cần các chất vi lượng như kẽm, sắt, mangan, bo, molyden với lượng rất ít nhưng giữ vai trò quan trọng.

Ở nước ta,giống thanh long ruột trắng được trồng khá phổ biến hơn thanh long ruột đỏ và thanh long ruột tím. Mỗi giống thanh long có đặc tính sinh trưởng và năng suất khác nhau, nhưng đều có nhu cầu các chất dinh dưỡng trong từng thời kỳ sinh trưởng:

- Giai đoạn kiến thiết cơ bản, cây 1 - 2 năm tuổi cần nhiều đạm (N) để phát triển thân, cành; lân (P) cao để phát triển bộ rễ, nhiều chồi; kali (K) giúp cho cây cứng cáp, chống chịu sâu bệnh, vôi (Ca) giúp rễ khỏe và thân cứng. Các chất trung, vi lượng vừa đủ giúp cho cây phát triển cân đối. Cùng với phân hữu cơ, nên chọn phân bón đa yếu tố NPK Văn Điển có đầy đủ các chất đa trung vi lương, phù hợp cho cây giai đoạn này là NPK 5:10:3 bón lót khi trồng và NPK 12:8:12 bón thúc, khoảng 2 - 3 tháng bón 1 lần.

Ở giai đoạn kinh doanh, cây cho trái ổn định và đi vào khai thác, cây cần kali cao, đạm khá, lân vừa đủ, trung vi lượng thích hợp nhằm nuôi trái to đẹp, năng suất cao, chất lượng tốt, mẫu mã đẹp. Phân bón có đầy đủ các chất  trung, vi lương phù hợp cho cây giai đoạn này là phân đa yếu tố NPK 12:12:17 hoặc NPK 12:8:12, bón theo lứa hoa.

Do không chịu rét nên các tháng mùa đông thanh long sinh trưởng chậm và không ra hoa, vì vậy ở miền Bắc không thể cho ra hoa trái vụ. Hàng năm, cây chỉ tập trung ra hoa từ tháng 5 đến tháng 8, liên tiếp cho ra trung bình 4 - 6 lứa hoa.

Theo anh Đinh Tiến Mạnh, chủ vườn thanh long ruột tím tại xã Thụy Duyên, Thái Thụy, Thái Bình thì thanh long rất cần phân bò ủ mục bón vào mùa khô hàng năm; phân NPK bón thúc nên bón làm nhiều lần, thời kỳ thanh long ra hoa bón 2 lần mỗi tháng.

Theo NGUYỄN TIẾN CHINH (nongnghiep.vn)
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 181
Tổng truy cập: 39349354