Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh chỉ đạo hội nghị
Mới đây, Bộ NN-PTNT phối hợp cùng UBND tỉnh Phú Thọ tổ chức hội nghị "Thúc đẩy phát triển sản xuất chè an toàn" với sự tham gia của đồng đảo doanh nghiệp, nhà khoa học..; nhằm tái cơ cấu cấu ngành hàng đầy tiềm năng này.
Nhà máy phải gắn vùng nguyên liệu
Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), tính đến hết năm 2015, diện tích chè nước ta đạt khoảng trên 123.000ha, tăng 4.400ha so với năm 2011 (diện tích chè kinh doanh 115.000ha). Các giống mới hiện chiếm trên 50% diện tích. Năng suất bình quân xấp xỉ 86 tạ búp tươi/ha, tăng 8,9% so với năm 2011. Ước tính sản lượng chè búp tươi năm 2015 đạt trên 1 triệu tấn.
Ông Trần Công Lệ, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Cty CP Chè Hà Tĩnh cho hay, nếu không có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, doanh nghiệp đã phá sản do vấn nạn tranh chấp vùng nguyên liệu. Trong quá khứ, đã từng có doanh nghiệp kiện tỉnh Hà Tĩnh khắp nơi vì không cấp phép cho họ xây dựng nhà máy chế biến chè.
Tuy nhiên, nhờ vận dụng luật tiêu chuẩn - quy chuẩn kỹ thuật yêu cầu các nhà máy chế biến phải có vùng nguyên liệu, trong khi cơ bản diện tích chè tại Hà Tĩnh đã có doanh nghiệp quản lí nên tỉnh cương quyết không cấp thêm giấy phép. Từ đó, Cty CP Chè Hà Tĩnh có điều kiện đầu tư, hỗ trợ người dân SX. Hiện đời sống công nhân của Cty tốt hơn nhiều vùng SX chè đen khác.
Đồng tình với quan điểm nhà máy phải có vùng nguyên liệu, ông Đặng Ngọc Đại, Cty CP Đầu tư phát triển chè Tam Đường cho biết, lãnh đạo tỉnh Lai Châu rất coi trọng cây chè nên tổ chức họp tất cả các doanh nghiệp chè trên địa bàn tỉnh phân chia vùng nguyên liệu rạch ròi. Sau khi phân chia rồi, nếu doanh nghiệp nào vi phạm tỉnh sẽ xử lí rất nặng. Do đó, bản thân Cty chè Tam Đường yên tâm khi thuê chuyên gia, đầu tư tiến bộ kỹ thuật vào SX. Nhờ vậy, chỉ sau một năm (2015 - 2016), vẫn diện tích 5.000ha (3.700ha kinh doanh), song sản lượng chè tăng đột biến, từ 4.500 lên 5.500 tấn.
Là cơ sở chế biến chè đang phải cạnh tranh khốc liệt với các cơ sở chè mini, ông Chu Xuân Ái, GĐ Cty TNHH Phát triển công nghệ & thương mại Tôn Vinh cho biết, bản thân doanh nghiệp của ông đã từng đầu tư cho nông dân rất nhiều lần, song khi giá chè ngoài thị trường đắt thì họ phá vỡ hợp đồng bán ra ngoài. Những lúc như vậy, doanh nghiệp chỉ còn biết đứng nhìn mà không làm được gì...
Được biết, có doanh nghiệp vì quá bức xúc sau khi đầu tư không biết bao nhiêu tiền bạc, công sức nhưng người dân phá vỡ hợp đồng bán chè ra ngoài, họ quyết định khởi kiện tòa án dân sự. Song theo quy trình, gần ba năm tòa mới xử lý xong vụ án nên phương án kiện tụng không ăn thua.
Ảnh: Nguyên Huân
Gốc rễ của vấn đề vẫn phải gắn vùng nguyên liệu với nhà máy chế biến. Do đó, các doanh nghiệp tha thiết kiến nghị các địa phương phải cương quyết không cấp phép mới cho các doanh nghiệp chế biến chè nếu họ không chứng minh được vùng nguyên liệu.
Mô hình tổ phun thuốc BVTV
Từ thực tế thành công của mình, rất nhiều doanh nghiệp chè cho rằng, riêng khâu thuốc BVTV phải quản lí thật chặt từ hoạt động cấp phép tới SX, kinh doanh. Mặc dù đã rút gọn hoạt chất từ hơn 200 xuống còn 100 như hiện nay, song các doanh nghiệp chè vẫn đề nghị đại diện lãnh đạo Cục BVTV có mặt tại hội nghị tiếp tục rà soát rút gọn tiếp, chỉ còn khoảng 10 hoạt chất càng tốt.
Là doanh nghiệp khá thành công trong việc thiết lập mô hình hợp tác với người nông dân, ông Lê Quang Chuyền, Phó TGĐ Cty CP Chè Mỹ Lâm chia sẻ, Cty cùng bà con thống nhất định giá từng đồi chè vào đầu năm.
Sau đó, mọi dịch vụ từ làm cỏ, thu hái, cắt tỉa, đặc biệt là phun thuốc BVTV đều do người của Cty thực hiện và Cty trả lương thông qua các tổ đội SX. Các hộ khoán chủ yếu thực hiện công đoạn làm cỏ, xới lấp đất sau bón phân, phun nước, trồng cây hàng rào, cây bóng mát, giám sát, nghiệm thu cho các tổ dịch vụ.
Nương chè của Cty CP Chè Mỹ Lâm
Bên cạnh đó, mọi vật tư về phân bón, thuốc BVTV, máy móc, bao bì… đều do phía Cty hỗ trợ 100%. Qua đó, hộ khoán sẽ nhận lương tháng theo lứa hái trên cơ sở phân loại sản lượng vườn chè (A, B, C) hàng năm x diện tích x hệ số giống chè và mức độ hoàn thành công việc được phân công trong tháng.
Sau khi áp dụng mô hình này, thu nhập của người trồng chè tại Mỹ Lâm tăng 30 - 40%; giảm 25% chi phí hái; 40% chi phí thuốc BVTV; năng suất vườn chè tăng thêm 10% trong năm đầu tiên; giá bán búp tươi tăng tối thiểu 10%. Năm đầu tiên Cty thí điểm 2 đội trên cơ sở 90 hộ tự nguyện tham gia, năm tới có trên 200 hộ nữa và dự kiến năm 2018 sẽ áp dụng mô hình này cho toàn bộ trên 400ha chè do Cty quản lí.
Ghi nhận những ý kiến đóng góp của doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh, Trưởng Ban Chỉ đạo Phát triển chè bền vững đề nghị các đơn vị có liên quan nghiên cứu các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành để có những kiến nghị phù hợp nhằm siết chặt lại hoạt động SX của các doanh nghiệp chế biến chè. Xây dựng quy trình canh tác chè chuẩn từ khâu giống tới chế biến. Tăng cường công tác quản lí nhà nước ở các mặt, đặc biệt là vật tư thuốc BVTV, cần thiết có thể khuyến cáo sử dụng một số loại thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học...
+ Ông Nguyễn Hữu Tài, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam: “Chúng ta đã có một loạt sai lầm với ngành chè trong thập niên qua. Đầu tiên quản lí nhà nước cấp phép cho doanh nghiệp chế biến chè nhưng không yêu cầu vùng nguyên liệu đi kèm. Thứ hai là quá chú trọng vào giải pháp kỹ thuật mà bỏ quên quan hệ SX. Phải tổ chức lại SX thông qua hợp tác xã, tổ hợp tác có doanh nghiệp đồng hành, chứ chỉ có mấy nông dân làm với nhau sẽ không phát triển được”.
+ Theo PGS.TS Nguyễn Văn Toàn, Viện trưởng Viện KHKT Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc, chè là điển hình của cây trồng phải SX theo chuỗi. Qua đó, phải có bộ giống phù hợp cho từng mục đích chế biến, phù hợp để cơ giới hóa hái bằng máy, làm đất, làm cỏ. Đặc biệt, phải khôi phục lại bài bản mô hình quản lí dịch hại tổng hợp (IPM) cho ngành chè càng sớm càng tốt.
|