Tuy nhiên thanh long chưa được quy hoạch là loại cây trồng chủ lực ở địa phương, khi người dân tự phát mở rộng diện tích sẽ gây nhiều khó khăn, bất lợi.
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Cà Mau khuyến cáo, trong thời gian tới, người dân không nên ồ ạt trồng cây thanh long mà chỉ sản xuất tập trung tại một số vùng ngọt hóa, với quy mô khoảng 100 ha, nhưng phải thành lập tổ hợp tác sản xuất để chủ động liên kết với doanh nghiệp giải quyết đầu ra ổn định.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Cà Mau, ước tính trên địa bàn tỉnh có đến hàng trăm ha đất vườn, đất trồng lúa và đất rừng tại các huyện U Minh, Thới Bình, Trần Văn Thời, Cái Nước, Đầm Dơi, Phú Tân… đã được người dân cải tạo trồng thanh long (chủ yếu là thanh long ruột đỏ) để phát triển kinh tế gia đình.
Theo ông Khiết, trồng thanh long chỉ bán được giá trong vài năm đầu khi có ít người trồng, sản lượng không lớn. Hiện nay, cây thanh long đã phát triển ồ ạt ở nhiều nơi trong tỉnh khiến nguồn cung vượt cầu, giá cả giảm mạnh từ 25.000-30.000 đồng/kg xuống chỉ còn 7.000-10.000 đồng/kg.
Nhiều nhà vườn thanh long ở Cà Mau chẳng những gặp khó vì chưa tìm được đầu ra không ổn định cho nông sản mà còn phải đối mặt với tình trạng nhiều diện tích thanh long bị nhiễm bệnh trước nguy cơ phải đốn bỏ.
Ông Nguyễn Thanh Khiết, ấp Tân Hòa, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước, lo lắng, trong số 300 gốc thanh long của gia đình thì có đến khoảng 200 gốc bị nhiễm bệnh, năng suất giảm đến 70%.