Ngành BVTV Hà Nội đi đầu trong việc ứng dụng IPM vào sản xuất rau an toàn
Một trong những thành quả đẩy mạnh mô hình quản lí dịch hại tổng hợp (IPM), ngành BVTV Hà Nội đã nghiên cứu và áp dụng thành công hàng loạt biện pháp phòng trừ sâu bệnh sinh học, qua đó mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân và hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc BVTV.
Bẫy bả chua ngọt
Cách làm này rất phù hợp với chủ trương SX rau an toàn hiện nay do không phải phun xịt thuốc trực tiếp nên cây rau không bị ảnh hưởng, nhiễm thuốc BVTV.
Bên cạnh đó, rất nhiều loại cây trồng có thể áp dụng phương thức bẫy bả chua ngọt phòng trừ sâu khoang như: Rau ngót, rau họ hoa thập tự, đậu đũa, rau muống… Hơn nữa, cách thức làm bả chua ngọt khá đơn giản khi nguyên liệu chủ yếu là mật (đường), dấm, rượu và nước.
Qua đó, giúp giảm số lần phun thuốc BVTV từ 2 - 3 lần so với ruộng nông dân không sử dụng bẫy bả chua ngọt, song vẫn đảm bảo việc phòng trừ sâu khoang. Bảo vệ các loài thiên địch, bảo vệ môi trường và quan trọng là nông sản đảm bảo an toàn, được người nông dân đánh giá cao trong ứng dụng thực tiễn SX.
Theo Trạm BVTV huyện Hoài Đức, qua sự chỉ đạo của Chi cục BVTV Hà Nội, trạm đã triển khai mô hình bẫy bả cua ngọt trên 10 sào rau ngót tại HTXNN Vân Côn.
Sau khi đưa vào sử dụng khoảng 1 tuần, kết quả rất tốt khi mỗi hộp bẫy thu được trung bình 10 - 12 con trưởng hành sâu khoang/bẫy/tuần, cá biệt một số bẫy thu được 15 - 17 con/bẫy/tuần. Qua đó, giúp người nông dân giảm được rất nhiều chi phí thuốc BVTV, nhiều hộ thậm chí không phải phun thuốc lần nào vẫn cho năng suất rau rất cao.
Bẫy Pheromone
Theo Chi cục BVTV Hà Nội, đơn vị đầu mối được Sở NN-PTNT giao quản lý, giám sát, phát triển lĩnh vực rau an toàn của thành phố, việc sử dụng bẫy Pheromone ưu điểm lớn nhất không gây độc hại đối với con người, bảo vệ thiên địch có ích và môi trường sinh thái, song vẫn khống chế tốt quần thể sâu phát sinh, phát triển trên đồng ruộng, giúp giảm số lần sử dụng thuốc BVTV trong vụ mà vẫn đảm bảo hiệu quả phòng trừ.
Có rất nhiều loại cây trồng có thể áp dụng bẫy Pheromone để phòng trừ sâu hại, như su hào, cải bắp, lơ xanh, cải xanh, cải ngọt, đậu cove, đậu trạch, hành hoa, cà chua... trên các đối tượng sâu khoang, sâu tơ, sâu xanh da láng hại hành, sâu đục quả cà chua.
Đặc biệt, lợi ích lớn nhất của bẫy Pheromone bảo vệ các loài thiên địch, bảo vệ môi trường và quan trọng là sản phẩm SX ra đảm bảo an toàn, được nông dân đánh giá cao.
Lưu ý, cơ chế tác dụng của pheromone là phát tán theo không khí, vì vậy để đặt bẫy pheromone có hiệu quả phải đặt đồng loạt trên cả khu đồng rau và có sự tham gia của cộng đồng, không đặt đơn lẻ ở từng ruộng...
Ngâm nước đất trồng
Ngâm nước là biện pháp kỹ thuật luân canh cạn - nước đơn giản, tạo môi trường không thuận lợi, phòng trừ hiệu quả sâu bệnh phát sinh, gây hại cho vụ sau, nhất là bọ nhảy.
Theo báo cáo của Trạm BVTV Đông Anh, sau thời gian làm thực nghiệm, từ kết quả thực tế cho thấy đối với các công thức ngâm nước có số lần phun thuốc BVTV giảm 50% so với công thức đối chứng không ngâm.
Do đó, không những giảm được chi phí trong sản xuất mà còn hạn chế tối đa độc hại đối với môi trường sinh thái. Việc áp dụng việc ngâm nước 10 ngày không những giảm hệ số quay vòng đất, mà còn giảm được chi phí SX, góp phần lớn vào việc giảm độc hại môi trường, bảo vệ thiên địch, hệ sinh thái nông nghiệp được cân bằng và đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng.
Sau khi áp dụng phương pháp ngâm nước đất trồng từ 2 năm nay, bà con nông dân tại các vùng chuyên canh rau màu tại huyện Đông Anh phấn khởi cho biết, kết quả vô cùng khả quan khi biện pháp luân canh này rất đơn giản nhưng làm cho nhộng, trứng, sâu non của các loài sâu hại trong đất bị tiêu diệt. Mặt khác, đã hạn chế được sự gây hại của các loại nấm bệnh nhất là nấm lở cổ rễ gây hại cây con sau gieo trồng.
Đặc biệt, việc ngâm đất trồng trong nước trong vòng 10 ngày còn giúp hạn chế được bệnh héo xanh vi khuẩn (héo rũ), là loại khó phòng trừ, gây hại nhiều cây trồng cạn như cây họ cà, họ bầu bí, họ đậu…). Đồng thời, các tàn dư sau thu hoạch được vùi lấp trong đất, nước sẽ phân giải thành chất hữu cơ nhanh hơn điều kiện để cạn, đất trồng sẽ tơi xốp và giàu hữu cơ hơn, hạn chế các loài cỏ dại hại cây trồng cạn...
Ngoài các mô hình trên, Chi cục BVTV Hà Nội còn triển khai hàng loạt mô hình IPM khác như: Chế phẩm Emina xử lí tàn dư cây trồng; bón phân hữu cơ kết hợp đậu tương cải tạo đất trồng; trồng rau che vòm ni lông…
|