Một trang trại nông nghiệp hữu cơ
Dù một vài đơn vị sản xuất nông nghiệp hữu cơ tiên phong như Hoa Viên đã nhận được sự định hướng và giúp đỡ rất tận tình của Sở NN-PTNT Hà Nội, Chi cục BVTV, Chi cục Thú y, địa phương sở tại và các chuyên gia đầu ngành về nông nghiệp, Hiệp hội Hữu cơ Việt Nam nhưng cơ bản vẫn còn nhiều khó khăn.
Thứ nhất là tài chính. Hiện nay hầu hết các doanh nghiệp nông nghiệp đều nhỏ bé, thiếu vốn đầu tư, đặc biệt là vốn đầu tư dài hạn để đầu tư cơ sở hạ tầng trang thiết bị công nghệ hiện đại, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Nguồn vốn chủ yếu của doanh nghiệp là đi vay ngân hàng, chưa tiếp cận được các nguồn vốn hỗ trợ khác.
Do nguồn tài chính hạn hẹp nên doanh nghiệp chỉ có thể đầu tư trên diện tích hạn chế, sản lượng ít, chưa đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Chi phí đầu vào lớn trong khi thu nhập từ sản phẩm hữu cơ còn chưa tương xứng với giá trị thực nên trong sản xuất rau hữu cơ doanh nghiệp vẫn đang phải bù lỗ.
Thứ hai là việc tiêu thụ sản phẩm gặp nhiều khó khăn do nhận thức về lợi ích của đa số người tiêu dùng về sản phẩm hữu cơ còn hạn chế. Mặt khác tâm lý hoài nghi sạch, bẩn lẫn lộn cũng ảnh hưởng không nhỏ.
Thứ ba, nhà nước chưa có chính sách chứng nhận sản phẩm hữu cơ cho thị trường nội địa, dù doanh nghiệp sản hữu hữu cơ tuân thủ tuyệt đối quy trình vẫn chưa được công nhận, ảnh hưởng rất lớn đến phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Thứ tư là, bản thân doanh nghiệp sản xuất hữu cơ không thể kiểm soát chặt chẽ được sản phẩm đến tay người tiêu dùng, việc làm hàng giả, hàng nhái có thể xảy ra gây mất lòng tin ảnh hưởng đến uy tín của những người sản xuất hữu cơ chân chính.
Thứ năm là công tác kiểm tra giám sát chất lượng sản phẩm nông nghiệp của cơ quan quản lý còn nhiều hạn chế nên vẫn có tình trạng các sản phẩm rau quả kém chất lượng được tiêu thụ tại thị trường nên ảnh hưởng đến khả năng tiêu thụ và tâm lý của những doanh nghiệp làm ăn chân chính...
Cuối cùng, việc vận chuyển rau hữu cơ trong nội thành Hà Nội bị hạn chế do quy định cấm, hạn chế xe tải nên doanh nghiệp phải sử dụng các phương tiện thay thế dẫn đến chi phí cao, hiệu quả kinh tế thấp.
Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp hữu cơ tiếp tục đứng vững và mở rộng sản xuất đại diện một số đơn vị đã kiến nghị như sau:
1. Cơ chế chính sách: Nhà nước cần có hệ thống văn bản pháp quy về tiêu chuẩn, quy chuẩn quản lý nhà nước về nông nghiệp hữu cơ từ sản xuất, chế biến, chứng nhận chất lượng sản phẩm hữu cơ. Nhà nước cần có cơ chế bảo lãnh, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay dài hạn với lãi suất thấp để doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ cao trong vấn đề sản xuất hữu cơ; đầu tư cơ sở hạ tầng cho sản xuất và chế biến. Ngoài ra, cần có cơ chế chính sách hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm hữu cơ, hỗ trợ 100% kinh phí tham gia các gian hàng tại hội chợ, hỗ trợ tiền thuê cửa hàng, hỗ trợ trang thiết bị cơ sở hạ tầng thương mại.
2. Hỗ trợ chuyển giao công nghệ: Nhà nước cần hỗ trợ cho doanh nghiệp được tiếp cận với quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ của các nước tiên tiến trên thế giới.
3. Công tác tuyên truyền quảng bá sản phẩm: Nhà nước cần tăng cường công tác tuyên truyền quảng bá để người tiêu dùng hiểu rõ hơn về các sản phẩm sản xuất hữu cơ. Tổ chức PR truyền thông để đưa sản phẩm chất lượng đến với người tiêu dùng một cách hiệu quả nhất.
4. Quản lý giám sát: Công tác thanh tra kiểm tra chất lượng sản phẩm nông nghiệp cần được thực hiện một cách nghiêm ngặt, có cơ chế thưởng phạt minh bạch rõ ràng để khích lệ các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Xử lý nghiêm minh các đơn vị cá nhân làm hàng nhái hàng giả để đảm bảo công bằng cho các doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
5. Đào tạo nâng cao năng lực, trình độ, nhận thức cho các doanh nghiệp sản xuất hữu cơ.