Gỡ rối an toàn thực phẩm từ đâu? (23/09/2016)

Nạn thực phẩm không an toàn vẫn cứ ngày một lan rộng, giống như mối tơ vò, càng gỡ càng rối. Theo cách nhìn của người viết bài, muốn gỡ búi tơ này thì trước hết cần phân biệt rạch ròi từ sản xuất đến bàn ăn, thực phẩm đã trải qua mấy công đoạn.

Chưa bao giờ vấn đề an toàn thực phẩm được người tiêu dùng quan tâm như ngày nay. Thực trạng thực phẩm bẩn trên thị trường mà cơ quan chức năng phát hiện đang khiến cho không ít người tiêu dùng hoang mang, đồng nghĩa với việc thực phẩm sạch cũng bị ảnh hưởng…

Bây giờ người nội trợ nào cũng than phiền, ra chợ hay vào siêu thị, dù hàng hóa đầy ắp, nhưng không biết mua cái gì, ăn thứ gì để không bị ngộ độc? Những người sẵn tiền thì gửi mua hàng từ nước ngoài về dùng. Còn người khác có gốc gác ở nhà quê thì tìm mua sản phẩm từ quê lên.

Tại sao có tình trạng như vậy? Thiếu hàng nên dùng hàng bẩn vẫn yên tâm là mặt trái của bao cấp. Còn thừa hàng mà phải dùng hàng bẩn lại là mặt trái của kinh tế thị trường. Lĩnh vực này đã mấy năm nay, nhà nước tốn nhiều công sức để ngăn chặn. Nhưng ngăn đầu này thì phình đầu kia, chặn đầu này thì bung phía đầu khác. Và nạn thực phẩm không an toàn vẫn cứ ngày một lan rộng, giống như mối tơ vò, càng gỡ càng rối.

Vậy có phương pháp nào để gỡ rối búi tơ này? Theo cách nhìn của người viết bài thì trước hết cần phân biệt rạch ròi từ sản xuất đến bàn ăn thì thực phẩm đã trải qua mấy công đoạn. Những công đoạn ấy do đơn vị nào, bộ nào quản lý, cần được xác lập rõ và phải chịu trách nhiệm trước người tiêu dùng. Đồng thời cần áp dụng chế tài đủ mạnh mới răn đe được kẻ cố ý làm liều, vô lương tâm do trục lợi mà nhắm mắt để gây tội ác.

Lương thực, thực phẩm có mặt trong nước không chỉ do người bản địa sản xuất rồi phân phối mà còn do hàng chục, hàng trăm ngàn tấn được tải từ nhiều ngả tụ về, kể cả bằng con đường chính ngạch và nhập lậu. Trước hết, ta có thể chia nguồn hàng lương thực, thực phẩm lưu thông hàng ngày ở trong nước ra các công đoạn:

1- Công đoạn do người trong nước hoặc các công ty liên doanh với nước ngoài nhưng được sản xuất ở Việt Nam mà có, bao gồm hàng trồng trọt, thủy sản chăn nuôi. Các loại mặt hàng này thuộc phần quản lý của Bộ NN-PNTN, thì bộ phải có quy trình quản lý từ khâu sản xuất cho đến sản phẩm thu hoạch, sẵn sàng phân phối để tiêu thụ. Cần làm rõ quy trình sản xuất có bị vi phạm không và quản lý dư lượng các chất cấm đã dùng trong sản xuất có vượt ngưỡng cho phép không?

Muốn làm được như vậy thì phải dần dần đưa người sản xuất nông, lâm, ngư, chăn nuôi vào khuôn khổ sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Công đọan này cánh tay của Bộ NN-PTNT cũng không đủ dài để với tận các cơ sở sản xuất mà phải phân công các sở, các ngành, chính quyền cơ sở quản lý. Cứ sản phẩm nào kiểm tra không đạt chuẩn là phạt nặng và loại ra khỏi hệ thống phân phối trên thị trường.

Như vậy đến đây thì đã biết sản phẩm nào của ai an toàn, của ai chưa an toàn. Những người sản xuất đã được chứng nhận là an toàn rồi thì sẽ không bị mang tội ở các công đoạn sau nữa. Lâu nay công đoạn này làm chưa tốt nên đã làm cho người sản xuất ra sản phẩm an toàn cũng mang tiếng xấu là bất công.

2- Công đoạn từ sản phẩm đã thu hoạch cho đến bàn ăn chính là công đoạn vô cùng phức tạp được coi là "lập lờ đánh lận con đen". Công đoạn này, các phân khúc nào được phân cho bộ nào thì bộ đó chịu trách nhiệm. Có công đoạn thuộc Bộ Công thương, có công đoạn thuộc Bộ Y tế, cần phải phân định rạch ròi, không thể cứ ngộ độc thức ăn là quy về cho Bộ NN-PTNT. Phân khúc này có thể bao gồm:

a/ Người có sản phẩm tự đem ra phân phối trên thị trường, nếu kiểm tra thấy không an toàn, các dư lượng tối thiểu vượt mức cho phép thì bị phạt như những người phân phối khác.

b/ Những tiểu thương thu gom hàng muốn sản phẩm được bán sớm hay bảo quản lâu hơn mà dùng chất kích thích, chất kìm hãm, kiểm tra thấy là chất cấm hay chất được phép dùng nhưng vượt mức dư lượng cho phép cũng chịu phạt theo luật định.

c/ Những chủ vựa chế biến trước khi xuất bán trong nước hay xuất khẩu cũng cần chứng minh chất lượng sản phẩm mới được cho phép lưu thông phân phối, nếu vi phạm cũng phải bị phạt theo luật.

3- Hàng nhập khẩu: Khâu này càng vô cùng phức tạp nhất lá kẻ nhập lậu, nhập hàng ôi, hàng kém chất lượng giá rẻ nhưng cho nên lợi nhuận khủng thì Bộ Công thương chịu trách nhiệm.

4- Ngộ độc thức ăn diễn ra ở các bếp ăn tập thể, các nhà hàng khách sạn các quán cóc. Hiện tượng này có khi do hàng bẩn gây ra, nhưng cũng có khi hàng hóa ban đầu vẫn bảo đảm chất lượng, nhưng do người bán để thiu, ươn, do thiếu phương tiện bảo quản, hoặc sử dụng lại đồ ăn thừa đã nhiễm khuẩn để bán cho khách hàng mà gây ra cũng cần phân định rạch ròi và phân khúc này Bộ Y tế sẽ có trách nhiệm.

Bên cạnh đó, cơ quan chuyên môn cũng phải nâng cao tuyên truyền, giáo dục cho mọi người có ý thức làm thực phẩm sạch, kết hợp với chế tài và chống cả tham nhũng (do người có chức trách kiểm tra có thể nhận tiền của người vi phạm để bỏ qua) thì vấn nạn thực phẩm bẩn mới vãn hồi.

5- Cần có biện pháp mạnh, trừng trị nghiêm khắc đối với kẻ cố ý phá hoại, gây nhiễu làm mất lòng tin của người tiêu dùng qua việc tung tin đồn thất thiệt như ăn bưởi bị ung thư; gạo giả, trứng giả, trái cây giả... mới trấn an được người tiêu dùng.

 GS MAI VĂN QUYỀN

Theo (nongnghiep.vn)
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 144
Tổng truy cập: 39349354