Cần phát triển cá lồng thành chương trình quan trọng cho vùng trung du, miền núi phía Bắc
Chưa tương xứng với tiềm năng
Ngày 23/9, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở NN-PTNT Tuyên Quang tổ chức diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp chuyên đề "Thực trạng và giải pháp phát triển nuôi cá lồng bền vững trên sông, hồ vùng trung du miền núi phía Bắc".
Tham dự diễn đàn có đại diện Tổng cục Thủy sản, Sở NN-PTNT 6 tỉnh trung du miền núi phía Bắc, các hộ nuôi các lồng trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.
Theo thống kê của Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản) thì khu vực trung du, miền núi phía Bắc có tiềm năng phát triển nuôi cá lồng trên các sông, hồ chứa, hồ thủy điện rất lớn. Năm 2015, các tỉnh trong vùng đã nuôi được 5.800 lồng, sản lượng đạt gần 7.700 tấn. Đến tháng 8/2016, phát triển khoảng 8.760 lồng, sản lượng ước đạt gần 17.500 tấn, trong đó, các loại cá chính được nuôi là cá chiên, cá lăng, cá tầm, cá trắm, cá chép, rô phi... Hòa Bình, Phú Thọ là những địa phương phát triển nuôi cá lồng tốt nhất.
Với lợi thế có hệ thống sông ngòi, hồ chứa dày đặc, thế nhưng hiện tại do quy mô nuôi chưa được đầu tư tương xứng, việc áp dụng khoa học công nghệ còn hạn chế nên chưa phát huy hết tiềm năng và nguồn lực của vùng.
Hòa Bình là tỉnh phát triển nuôi cá lồng tốt nhất khu vực miền núi phía Bắc với 3.800 lồng cá các loại, sản lượng thu hoạch ước đạt 3.700 tấn (9/2016). Nhưng nếu nhìn vào tiềm năng là địa phương có hệ thống sông ngòi dày đặc với 5 con sông chảy qua sông Đà, sông Bôi, sông Bưởi, sông Lãng và sông Bùi với chiều dài lên tới 393km, đặc biệt có hồ chứa thủy điện sông Đà thì kết quả trên còn khá khiêm tốn.
Theo bà Nguyễn Thị Vĩnh An, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Tuyên Quang hiện tỉnh này có trên 11.000ha nuôi trồng thủy sản, trong đó diện tích nuôi ở hồ thủy điện đạt 8.000ha, có trên 2.000ha nuôi ở ao hồ, 770ha nuôi ở hồ thủy lợi. Hiện số lượng lồng nuôi cá trên địa bàn tỉnh là 1.393 lồng, trong đó có 358 lồng nuôi cá đặc sản có giá trị kinh tế cao. Một số loài cá bản địa quý hiếm có giá trị kinh tế cao đã được nghiên cứu, thuần hóa và nuôi thương phẩm như cá chiên, cá lăng, cá bỗng, cá rầm xanh, cá anh vũ… góp phần thay đổi cơ cấu giống loài thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, giải quyết việc làm cho lao động vùng nông thôn”.
Ông Kim Văn Tiêu, PGĐ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho rằng, mặc dù, chưa tạo thành sản phẩm hàng hóa tập trung xuất khẩu nhưng nuôi cá lồng ở các tỉnh khu vực các tỉnh miền núi, trung du phía Bắc đã mang lại hiệu quả xã hội lớn. Mô hình nuôi cá lồng đã cung cấp sản phẩm tại chỗ, tăng thu nhập, giải quyết việc làm cho một bộ phận dân cư, cải thiện đời sống cho đồng bào miền núi còn nhiều khó khăn. Qua đó, góp phần bảo vệ an ninh biên giới, tạo chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng tích cực góp phần thực hiện thành công đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Cần tạo các chuỗi liên kết
Tại diễn đàn, bên cạnh việc nêu ra một số khó khăn, tồn tại trong nuôi cá lồng các đại biểu cũng thảo luận đưa ra nhiều giải pháp nhằm khắc phục tình trạng trên trong đó có việc tạo các chuỗi liên kết.
Theo TS Lê Thanh Lựu, Trưởng ban hợp tác Quốc tế - thông tin Hội Nghề cá Việt Nam thì để nuôi cá lồng phát triển bền vững cần tạo ra chuỗi giá trị nuôi bao gồm các nhà cung cấp vật tư thiết bị, con giống, thức ăn, nhà thu mua.
Các nhà nuôi cá lồng ven hồ cần tổ chức thành hợp tác xã để mở rộng quy mô nuôi. Việc tổ chức sản xuất tiêu thụ theo chuỗi đang là xu thế phát triển, chỉ có tổ chức sản xuất như vậy mới tạo ra được sản phẩm có chất lượng cao, giảm được rủi ro, chi phí sản xuất thấp hơn và khả năng cạnh tranh cao hơn.
Tỉnh Phú Thọ hiện có 5 HTX nuôi trồng thủy sản (412 lồng) và 4 doanh nghiệp (có 144 lồng) nuôi cá lồng đã được thành lập, bên cạnh đó nhiều hộ nuôi cá lồng trong các huyện cũng đã liên kết với nhau để thành lập các tổ hợp tác nuôi cá lồng. Thay vì chăn nuôi manh mún nhỏ lẻ thì chuỗi liên kết tạo ra đầu mối chung nhất, qua đó các hợp tác xã, tổ hợp tác đã nâng cao tiềm năng kinh tế, dễ dàng hơn trong triển khai chính sách hỗ trợ. Ngoài ra, việc liên kết với nhau trong sản xuất tạo điều kiện thuận lợi cho việc chia sẻ kinh nghiệm. Việc phòng, chữa bệnh cho cá cũng được thực hiện đồng loạt nâng cao hiệu quả sản xuất.
Đồng tình với ý kiến trên, ông Nguyễn Văn Bình, Giám đốc HTX Nuôi cá đặc sản Thái Hòa, huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) cho biết, để giúp các hộ nuôi cá lồng phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, từ năm 2015 HTX đã được thành lập. Hiện có 16 hộ tham gia nuôi cá lồng với khoảng 100 lồng, trong đó, nhiều hộ có 7 - 8 lồng cá mỗi năm cho thu nhật từ 250 - 300 triệu đồng. Các xã viên được đảm bảo quyền lợi trong việc cung ứng nguồn vốn, con giống, thức ăn đồng thời được tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi chăn sóc và phòng trị các bệnh thường gặp cho cá.
Kiến nghị tại hội thảo được các cơ quan chuyên môn quản lý Nhà nước cũng như hộ gia đình, tập thể chăn nuôi cá lồng tán thành cao là Hội Nghề cá Việt Nam kiến nghị, cần đưa chương trình phát triển bền vững nuôi cá lồng bè trong hồ, sông suối của khu vực trung du, miền núi phía Bắc thành một chương trình quan trọng cho cả vùng, đồng thời thử nghiệm mô hình chuỗi giá trị cá lồng cho đồng bào tái định cư khi xây dựng hồ chứa.
|