Làng thủy sản nước ngọt thu 150 triệu đồng/ha/năm (27/09/2016)

Được Nhà nước xây dựng hạ tầng nuôi trồng thủy sản, những nông dân từng quanh năm chỉ biết đến cấy lúa, trồng màu ở xã Xuân Phú, huyện Yên Dũng (Bắc Giang) đã chuyển sang nuôi thả cá. Thủy sản đang sinh sôi, phát triển tốt, hứa hẹn bội thu.


Chuyển đổi ruộng trũng sang nuôi cá, hiệu quả cao

Một cá bằng bốn lúa

“Làng" thủy sản Xuân Phú nổi bật bởi màu xanh của cây trái, cây bóng mát, lấp ló những căn nhà lợp tôn, mái ngói đỏ tươi. Đường giao thông đổ bê tông phẳng lì, sạch sẽ chạy đến từng ao nuôi.

Đang cặm cụi đưa chiếc liềm xén đám cỏ xanh rờn bên bờ ao lấp lánh ánh bạc, thấy có khách, ông Hoàng Văn Hưng ở thôn Xuân Trung niềm nở: “Tôi đang cắt cỏ cho cá ăn. Do chưa có điều kiện chăn nuôi công nghiệp nên buổi sáng cá được ăn cỏ, thóc đến buổi chiều mới rắc cám ăn thẳng”.

Nói rồi, ông Hưng ôm bó cỏ, rau muống lẳng mạnh xuống nước. Đàn cá trắm, cá chép viền vàng nổi lên đớp mồi rào rào, quẫy đạp sôi động một góc ao. Đây là lứa cá thứ hai được thả từ tháng 3 dương lịch, dự kiến sẽ thu vào tháng 10. Năm ngoái, với 0,5ha mặt nước cho hơn 2,5 tấn cá, bình quân bán 40 nghìn đồng/kg, ông Hưng đạt doanh thu khoảng 100 triệu đồng.

Ông tâm sự: “Làm ruộng may mắn vào năm mưa thuận, gió hòa thì cao nhất được mấy tạ thóc, lãi lời chẳng đáng là bao nên khi có khoản thu từ lứa cá đầu tôi cảm giác như trong mơ vậy. Nhờ đó, gia đình tôi thuận lợi tái nuôi thả những lứa tiếp theo”.

Để tạo bóng mát, xung quanh bờ, ông trồng cỏ, chuối tây vừa có thêm đồng ra, đồng vào, vừa làm nơi cho cá trú ngụ trong những ngày nắng nóng. Hiện đã có hơn 50 cây chuối trổ buồng, sắp được thu hoạch quả.

Rời hộ ông Hưng, chúng tôi đến ao nuôi cá của gia đình ông Hoàng Văn Cung ở cùng thôn. Bên ao rộng gần nửa hec-ta là căn nhà vuông vắn, ngăn nắp với đầy đủ tiện nghi. Ông Cung không giấu niềm vui khi nói về việc làm ăn thuận lợi. Là người nhanh nhạy nên khi Nhà nước có chủ trương đầu tư xây dựng hạ tầng vùng nuôi cá tập trung, ông Cung mạnh dạn chuyển đổi và mua ruộng của những hộ neo người để đầu tư ao nuôi cá giống, cá thương phẩm.

Ngay khi được chủ đầu tư bàn giao ao nuôi cá, ngoài hạ tầng sẵn có, ông bỏ thêm kinh phí kè bờ bao bằng bê tông. Cùng đó, tuân thủ quy trình xử lý ao nuôi; mua giống ở cơ sở uy tín về thả. Giai đoạn cá đủ kích cỡ, ông bán một phần cho hộ nuôi cá tại địa bàn và vùng phụ cận làm giống, giữ lại một lượng nhất định phù hợp với diện tích ao để nuôi thành thương phẩm. Từ cuối năm 2014 đến nay, ông Cung xuất bán bốn lứa cá giống, cá thương phẩm, trừ chi phí thu lãi hơn 40 triệu đồng/lứa.

Háo hức khi chuyển sang nghề mới, ngoài hộ ông Cung, ông Hưng nhiều hộ trong xã đã khẩn trương xử lý môi trường nước, nuôi thả cá ngay khi được giao ao. Đến nay có khoảng 25 hộ đã thả cá tại vùng tập trung, đạt 50% tổng số hộ thuộc dự án. Hiện đàn cá đều sinh trưởng, phát triển tốt, dự kiến mang lại nguồn thu lớn cho người dân. Nếu thời tiết thuận lợi, mỗi ha mặt nước dự kiến thu được khoảng 8 - 10 tấn cá thương phẩm, giá bán khoảng 20 nghìn đồng/kg, tương đương hơn 150 triệu đồng/ha/năm, cao gấp hơn 4 lần so với cấy lúa.

Diện mạo mới

Khu nuôi cá tập trung rộng 34ha thuộc diện tích đất canh tác của 3 thôn là Xuân Trung, Xuân Thượng, Xuân Đông với tổng kinh phí đầu tư hơn 30 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương và ngân sách huyện.

Theo đó, vùng có hệ thống kênh tưới, tiêu bao quanh các ao hình bàn cờ, rất tiện khi điều tiết nước, nhất là không còn tình trạng nước tù đọng, giúp cá lớn nhanh. Với quy hoạch trên, trong trận mưa bão vừa qua, việc tiêu thoát nước cho khu vực này khá thuận lợi, ao không bị tràn bờ.

Trò chuyện với ông Phan Thế Hoa, Chủ tịch UBND xã Xuân Phú được biết, để có được diện mạo mới cho sản xuất thủy sản, xã, các thôn đã phải nỗ lực rất nhiều. Dù là đồng trũng, năng suất lúa bấp bênh song nhiều hộ khi biết chuyển đổi sang nuôi cá vẫn còn nghi ngại. Nhìn rõ hiệu quả lâu dài, xã quyết tâm làm với nhiều giải pháp đặt ra theo phương châm vướng đâu gỡ đó; thành lập ban chỉ đạo, các tiểu ban để giải phóng mặt bằng. Cử cán bộ xã họp bàn với người dân và giải đáp những vướng mắc. Không quản ngày nghỉ hay đêm tối, cứ có dịp cán bộ, đảng viên, trưởng các đoàn thể lại tuyên truyền đến người dân về ý nghĩa của dự án.

Ông Hoa giãi bày: “Nhiều cuộc họp dân không thành, một số thành viên trong ban chỉ đạo có tâm lý chán nản. Tuy nhiên, xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng nên phải sớm hoàn thành. Sau nhiều cố gắng, cuối cùng dự án cũng nhận được sự đồng thuận của người dân. Hiện nay, thấy hiệu quả, một số hộ đang đề nghị xã cho chuyển đổi mục đích sang nuôi cá”.

Kết cấu hạ tầng được hoàn thiện là điều kiện thuận lợi cho người dân đầu tư nuôi cá thâm canh, tăng thu nhập. Xã phấn đấu năng suất cá tại vùng nuôi tập trung đạt 8 - 10 tấn/ha/năm, cao gấp đôi so với nuôi thông thường. Để đạt mục tiêu này, xã thành lập HTX Dịch vụ tổng hợp và chăn nuôi thủy sản Tam Xuân. Thông qua đó, các hộ hỗ trợ nhau về giống, vốn, tiêu thụ sản phẩm.

Chia tay làng thủy sản khi mặt trời “treo” trên đỉnh đầu, những ao cá vắng bóng người chăm sóc đang hấp thụ ánh nắng tạo nên những chiếc gương khổng lồ màu trắng bạc, trong tôi thầm vui khi dĩ vãng về một vùng đất trũng thấp, úng ngập đã không còn; thay vào đó là một vùng đất trù phú đang hiện hữu từng ngày.

 

Theo TRỊNH LAN (nongnghiep.vn)
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 125
Tổng truy cập: 39349354