Quy hoạch thủy lợi phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp (29/09/2016)

Rà soát của Viện Quy hoạch Thủy lợi (Tổng cục Thủy lợi, Bộ NN-PTNT) về các đối tượng cây trồng chủ lực của khu vực Nam Trung bộ cho thấy, các vùng trồng lúa giống, lúa chất lượng cao được duy trì...


Nhiều hồ chứa ở các tỉnh Nam Trung bộ cần được sửa chữa, nâng cấp và xây mới

* Chủ động cấp nước cho cây trồng chủ lực

“Đẩy mạnh trên diện rộng các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn chủ lực như mía, cây ăn quả, rau... vùng duyên hải Nam Trung bộ; phát triển hạ tầng thủy lợi phục vụ vùng thâm canh nuôi trồng thủy sản, đối tượng nuôi chủ lực gồm tôm sú, tôm thẻ chân trắng” là những nội dung được nêu trong trong đề án Tái cơ cấu ngành thủy lợi.

Tập trung vào 6 đối tượng chính

Rà soát của Viện Quy hoạch Thủy lợi (Tổng cục Thủy lợi, Bộ NN-PTNT) về các đối tượng cây trồng chủ lực của khu vực Nam Trung bộ cho thấy, các vùng trồng lúa giống, lúa chất lượng cao được duy trì và phát triển tập trung các vùng hạ lưu các công trình thủy lợi lớn như Phú Ninh, Thạch Nham, Đồng Cam, Tân An - Đập Đá, Đá Bàn...

Cây lâu năm, đặc biệt là mía phát triển mạnh ở các vùng nguyên liệu (Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa). Đối với cây ăn quả, xoài là cây trồng thế mạnh của vùng, tập trung ở Cam Ranh, Cam Lâm (Khánh Hòa). Cây tiêu Tiên Phước (Quảng Nam) có giá trị kinh tế rất cao, gấp 2 - 3 lần. Tỏi là cây trồng đặc sản của Lý Sơn (Quảng Ngãi) và Ninh Hòa (Khánh Hòa). Còn nuôi trồng thủy sản tập trung ở hầu hết các vùng ven biển trong vùng.

Tuy nhiên, việc cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp tại khu vực Nam Trung bộ đang gặp trở ngại. Hiện nay, hầu hết các trục tiêu trong vùng bị vùi lấp, khả năng tiêu thoát kém, diện tích bị ngập úng trong vùng khoảng 41.400ha. Các năm hạn lớn trong vùng, diện tích cây trồng bị hạn hán dao động từ 5.000 - 15.000ha (đặc biệt là các tỉnh phía Nam). Xâm nhập mặn sâu vào nội địa ở hầu hết các sông. Sự suy giảm dòng chảy kiệt trên các lưu vực sông khiến việc cấp nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt bị ảnh hưởng.

Chất lượng thảm phủ thực vật ở khu vực Nam Trung bộ ngày càng kém. Trong khi đó, các sông lại ngắn, dốc lũ tập trung nhanh nên không tiêu thoát kịp. Hệ thống tiêu chưa được đầu tư nạo vét kịp thời, thậm chí, một số vùng còn chưa có hệ thống tiêu và không có các hồ chứa lớn có khả năng cắt lũ. Quy trình vận hành liên hồ chứa đã được phê duyệt, tuy nhiên một số công trình chưa xây hoàn thành.

Địa phương cần gì?

Tại Quảng Nam, vùng sản xuất lúa chất lượng cao ổn định với diện tích 2.150ha (ở các huyện Núi Thành, Tam Kỳ, Phú Ninh, Thăng Bình, Duy Xuyên) và hơn 1.000ha vùng sản xuất lúa giống tại các huyện Phú Ninh, Đại Lộc, Điện Bàn và Duy Xuyên. Diện tích trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP trên địa bàn tỉnh là 350ha và khoảng 18.000ha ngô, lạc tập trung.

Để chủ động tạo nguồn nước tưới cho các diện tích trên, giải pháp thủy lợi được đưa ra là sửa chữa, nâng cấp 11 công trình như hồ Phú Ninh, Khe Tân (WB7), Vĩnh Trinh, trạm bơm 19/5, Thái Xuân, Phú Lộc... đảm bảo cấp nước cho gần 33ha lúa và các cây trồng khác. Đồng thời, xây mới 5 công trình như hồ Suối Thỏ, hồ Suối Trảy tạo nguồn cấp nước cho 155ha, trong đó có 15ha tiêu Tiên Phước. Hồ Lộc Đại Nam, hồ Đồng Bò, hồ Trường Đồng tạo nguồn cấp nước cho hơn 2.000ha, trong đó có vùng rau màu tập trung khoảng 405ha.

Theo quy hoạch của tỉnh Quảng Nam, diện tích nuôi trồng thủy sản khoảng 1.700ha, chủ yếu nuôi tôm thẻ chân trắng và tôm sú, tập trung chủ yếu ở các huyện Núi Thành (1.150ha), Thăng Bình (179ha) và Tứ Kỳ (144ha), ven sông Tam Kỳ, Trường Giang. Sau khi hồ Xuân Thái được nâng cấp sẽ tạo ngồn cấp cho 300ha huyện Núi Thành. Hồ Phú Ninh sau khi nâng cấp sẽ tạo nguồn cấp cho 425ha huyện Núi Thành, Tam Kỳ, Thăng Bình (xây bể chứa, bơm nước lên ao nuôi, nước cần qua xử lý), xây dựng hồ Trường Đồng để tạo nguồn cấp cho 600ha nuôi trồng thủy sản huyện Núi Thành.

Để chủ động tạo nguồn cấp nước chp gầm 8.600ha lúa giống và lúa chất lượng cao; 1.800ha rau an toàn VietGAP và hàng ngàn ha cây công nghiệp lâu năm, tỉnh Bình Định đưa ra giải pháp là sửa chữa, nâng cấp 3 công trình, hệ thống gồm hồ Phú Hà, hồ Hội Sơn, hệ thống Tân An - Đập Đá đảm bảo cấp cho 14.994ha cây trồng.

Bên cạnh đó, địa phương này cũng đề xuất xây dựng mới 5 công trình gồm hồ Đồng Mít, hồ Đá Mài, đập Nước Dinh, đập Truông Gia Vấn, đập Phú Phong, kênh chuyển nước Hội Sơn - Hội Khánh tạo nguồn cấp nước cho 1.782ha phục vụ trồng trọt.

Còn đối với nuôi trồng thủy sản, theo quy hoạch diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh khoảng 2.400ha, tập trung chủ yếu ở vùng nam Bình Định (1.600ha). Sau khi nâng cấp hồ Tân An - Đập Đá, nguồn nước sẽ được hỗ trợ từ hệ thống kênh Văn Phong tạo nguồn cấp cho 1.100ha, kéo dài kênh đập Cây Ké cấp nước cho 415ha. Đồng thời, khi xây dựng hồ Phú Dõng sẽ tạo nguồn cấp nước cho 177ha.

Tại Quảng Ngãi, diện tích trồng tỏi đặc sản tại huyện Lý Sơn luôn ổn định khoảng 300ha. Diện tích trồng mía khoảng 5.200ha, tập trung chủ yếu ở các huyện Đức Phổ, Mộ Đức, Nghĩa Hành, Tư Nghĩa, Ba Tơ, Sơn Hà. Cây công nghiệp hằng năm (chủ yếu là lạc và ngô) có diện tích khoảng 8.200ha. Tỉnh Quảng Ngãi đang đề nghị nâng cấp, sửa chữa 17 công trình như Thạch Nham, Núi Ngang, Liệt Sơn, Sông Giang, Di Lăng... đảm bảo cấp nước cho hơn 37.000ha, trong đó 2.500ha lúa chất lượng cao, 180ha lúa giống, gần 3.400ha rau an toàn và gần 2.400ha mía và các cây trồng khác.

Theo quy hoạch của tỉnh Quảng Ngãi, diện tích nuôi trồng thủy sản nước lợ có diện tích khoảng 800ha, tập trung tại các huyện ven biển. Sau khi nâng cấp, sửa chữa đập Thạch Nham sẽ đảm nhiệm cấp nước cho 200ha nuôi trồng thủy sản của huyện Mộ Đức. Tỉnh cũng đề xuất xây dựng 2 trạm bơm lấy nguồn từ sông Thoa, sông Trường, kênh hồ Diên Trường cấp nước cho 110ha huyện Đức Phổ.

Theo rà soát của Viện Quy hoạch Thủy lợi, đối với việc cấp nước phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp vùng Nam Trung bộ giai đoạn 2016 - 2025: Cần nâng cấp, sửa chữa 24 công trình đảm bảo cấp nước cho 86.222ha với tổng kinh phí 1.877 tỷ đồng; xây dựng mới 26 công trình đảm bảo cấp nước cho 9.341ha với tổng kinh phí 8.001 tỷ đồng; nạo vét 15 trục tiêu với kinh phí khoảng 261 tỷ đồng, tổng kinh phí đầu tư cho giai đoạn này là 10.414 tỷ đồng.

 

Theo ĐỒNG THÁI (nongnghiep.vn)
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 124
Tổng truy cập: 39349354