Kinh nghiệm đúc kết 10 năm của 'triệu phú ếch' (05/10/2016)

Hành trình ấy có nhiều khi gập ghềnh, khúc khuỷu nhưng không bao giờ Nguyễn Văn Kết nản chí, buông tay. Năm 2013, anh bỏ hẳn nghề thiết kế, quảng cáo để chuyên sâu về nuôi ếch thịt, ếch giống và nhanh chóng trở nên giàu có…


Ếch bố mẹ được chăm sóc chế độ dinh dưỡng đặc biệt

Anh đúc kết kinh nghiệm chọn con giống bố mẹ như sau: Con đực thân dài, đẹp, không bị dị tật và khỏe mạnh; con cái đẻ khỏe, bụng tròn, đẹp mới được tuyển lựa.

Ngoài ra, để chúng sản sinh ra những thế hệ giống tốt, đáp ứng thị hiếu người nuôi, ếch bố mẹ được chăm sóc với chế độ dinh dưỡng đặc biệt. Lượng thức ăn bổ sung nhiều đạm, vitamin, chất bổ để ếch mẹ phát triển buồng trứng, kích thích trứng chóng già còn ếch bố thì có “tinh binh” dồi dào và sung sức. Vì thế mà đàn ếch của anh mỗi năm sinh sản 10 - 11 lần theo cách hoàn toàn tự nhiên với tỷ lệ trứng nở đạt 90 - 95%. Tùy vào chất lượng con giống mà 3 - 5 năm có thể thải loại ếch bố mẹ.

Theo kinh nghiệm của anh Kết, khi ghì tay vào 2 bên sườn của ếch cái, ếch không nhảy là sắp sinh sản. Để cho tỷ lệ trứng thụ tinh cao, anh bắt nhiều cặp bố mẹ vào trong cùng một bể đẻ. Anh Kết cũng cho biết thêm, buổi chiều đưa ếch lên bể đẻ là hiệu quả nhất. Quá trình sinh sản của ếch sẽ diễn ra từ 1 - 2 giờ và kết thúc là 4 - 5 giờ sáng hôm sau.

Về ếch thịt, nhận thấy thời điểm mùa đông, ếch khan hiếm, giá bán cao nên ngoài cung cấp cho thị trường vào thời điểm chính vụ từ tháng tháng 3 đến tháng 9 âm lịch, anh Kết tìm tòi công nghệ để nuôi ếch vào vụ đông. Với thời tiết lạnh đến khắc nghiệt của miền Bắc, anh đã đầu tư xây dựng 300m2 nhà kính để điều tiết nhiệt độ từ 23 - 27 độ C, trong khi ánh sáng vẫn được cung cấp đầy đủ để ếch sinh trưởng và phát triển tốt.

Mỗi năm trừ chi phí, anh chị thu lãi 600 triệu đồng, một con số đáng mơ ước nhất là trong bối cảnh có nhiều người nuôi ếch bị thất bại vì non yếu kinh nghiệm.

Với kinh nghiệm nuôi ếch 10 năm, anh Kết đã trở thành một bác sĩ thực thụ của loài lưỡng cư này. Anh đúc kết: "Ếch thường mắc dịch bệnh theo mùa. Thời điểm giao mùa tháng 7, tháng 8 âm lịch ếch hay bị đi ngoài, đầy hơi và chướng bụng. Thời tiết sang tháng 9, thời tiết có sương nên ếch bị bệnh chợt mồm, tím đùi và đỏ đùi".

Vì vậy, theo anh, để cho ếch sinh trường tốt, môi trường nước cần được đảm bảo. Bể nuôi được anh thay nước định kỳ 20 ngày/lần, đồng thời sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý nước ô nhiễm. Ngoài ra, cần sử dụng thuốc phòng bệnh cho ếch.

Đáng kể hơn, anh bổ sung tỏi vào thức ăn cho ếch. Với tỷ lệ 100gram tỏi xay nhuyễn, trộn với 7 - 8kg cám viên, ngâm trọng 15 phút rồi cho ếch ăn 3 ngày liên tiếp, một tháng cho ăn 3 - 4 lần giúp cho hệ tiêu hóa của ếch phát triển, phòng chữa tốt các bệnh đường ruột, chướng bụng, đầy hơi. Với thời tiết nắng nóng hay thời điểm giao mùa, anh còn bổ sung vitamin C cho ếch, giúp giải độc gan, tăng sức đề kháng.

Hiện tại, ếch giống và ếch thịt của anh cung cấp cho 13 tỉnh, thành phía Bắc như: Hà Nội, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Phú Thọ… Vợ anh, chị Phạm Thị Ánh chia sẻ: "Tuy không ủng hộ với quyết định của chồng nhưng khi anh bắt tay vào công việc, chị vẫn luôn sát cánh cùng chồng. Đến nay, hai vợ chồng chị cũng bàn nhau mở rộng diện tích nhà kính lên tới 1.000m2 để cung cấp ếch thịt ra thị trường. Cùng với đó, 6.000 cặp ếch bố mẹ trong năm nay sinh sản 4 - 5 triệu ếch giống.

>>> Xem thêm: Nuôi ếch thịt và ếch giống lãi 600 triệu đồng/năm

Theo ĐỖ THÙY MỴ (nongnghiep.vn)
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 143
Tổng truy cập: 39349354