Nuôi bò sữa ở huyện Hóc Môn (Ảnh: Thanh Sơn)
Hiệu quả chưa cao
Theo Sở NN-PTNT TP.HCM, đến hết tháng 9/2016, trên địa bàn TP đang có 93.819 con bò sữa, trong đó bò cái vắt sữa là 46.956 con. Sản lượng bò tươi ước đạt 201.600 tấn.
Là địa phương có đàn bò sữa lớn nhất cả nước, nhưng nhìn chung chất lượng đàn bò sữa của TP.HCM cũng như hiệu quả chăn nuôi bò sữa chưa đạt như mong muốn. Điều này thể hiện khá rõ qua một vài số liệu sau: Trong giai đoạn 2011 - 2015, đàn bò sữa TP.HCM tăng bình quân về tổng đàn 1,3%, nhưng năng suất sữa chỉ tăng bình quân 0,8%; đến năm 2015, năng suất sữa bình quân mới đạt 5.657kg/con/năm; giá thành sản xuất sữa tươi còn khá cao, bình quân 10.690đ/kg…
Quy mô chăn nuôi bò sữa bình quân của một số nước và TP.HCM: Úc 223 con/hộ, Mỹ 186 con/hộ, Israel 155 con/hộ, Canada 120 con/hộ, Thái Lan 30 con/hộ. TP.HCM bình quân 11,23 con/hộ. Năm 2015, TP.HCM có 4.245 hộ nuôi dưới 8 con/hộ (tổng đàn 19.334 con, chiếm 20% tổng đàn bò sữa TP). Trong đó có 2.705 hộ có quy mô dưới 5 con/hộ, tổng đàn 8.588 con.
|
Với những hạn chế như trên, bò sữa TP.HCM sẽ khó đứng vững trong bối cảnh nước ta tham gia TPP và AEC, mà trong đó mặt hàng sữa và sản phẩm từ sữa được đánh giá chịu tác động mạnh nhất trong ngành chăn nuôi.
Bên cạnh đó, sự thay đổi trong chính sách thu mua của một số công ty lớn cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển của đàn bò sữa TP.
Loại bò năng suất thấp, giảm hộ nhỏ lẻ
Chính vì vậy, trong giai đoạn 2016 - 2020, TP.HCM chủ trương không tăng đàn bò sữa (chỉ giữ ổn định ở 100.000 con), tập trung nâng cao năng suất, chất lượng, giảm giá thành sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế cho nông dân.
Trong đó, có những giải pháp đáng chú ý sẽ tác động mạnh tới tư duy nuôi bò sữa của nhiều nông dân hiện nay, như đẩy mạnh loại thải bò sữa năng suất thấp và giảm hộ nuôi quy mô nhỏ.
Về loại thải bò sữa năng suất thấp, ngành nông nghiệp TP.HCM và chính quyền các huyện có nuôi bò sữa đang tích cực khuyến khích nông dân mạnh dạn loại thải những con bò sữa năng suất thấp (dưới 17/kg/ngày trở xuống), bò phối nhiều lần không đậu thai, bò già...
Theo ông Huỳnh Tấn Phát, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM, hiện nay, nhiều hộ nuôi bò sữa đang gặp khó khăn về giá thu mua sữa tươi.
Giá bò cái tơ vì thế đã giảm mạnh từ 35 - 40 triệu đ/con trước đây xuống còn hơn 20 triệu đ/con. Do đó, nhiều hộ cũng đang mạnh dạn loại thải những con bò sữa năng suất không cao, chỉ giữ lại những con cho sữa tốt.
Còn về việc giảm mạnh hộ nuôi quy mô nhỏ, ngoài yếu tố gia tăng hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi bò sữa, còn nhằm đáp ứng định hướng phát triển vùng nguyên liệu của Cty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk).
Vào tháng 5 năm nay, Vinamilk đã có văn bản gửi các hộ chăn nuôi bò sữa, thông báo rằng từ năm 2017, Cty này chỉ ký hợp đồng với những hộ có quy mô đàn bò sữa tối thiểu 5 con trở lên; năm 2018 chỉ ký với hộ trên 8 con; năm 2019 trên 12 con; năm 2020 trên 15 con.
Chính quyền các huyện Củ Chi, Hóc Môn… đang làm việc những hộ nuôi bò sữa dưới 5 con/hộ, để vận động họ liên kết với nhau thành những tổ hợp tác, qua đó có thể ký được hợp đồng bán sữa cho các công ty. Nhiều hộ nuôi quy mô nhỏ lẻ khác cũng đang được khuyến khích chuyển sang chăn nuôi bò thịt.
Một số mục tiêu phát triển bò sữa TP.HCM đến 2020:
Năng suất sữa bình quân đạt 7.700kg/con/năm (tương đương 21 kg/con/ngày); chất lượng sữa có hàm lượng chất béo 3,5 - 4%, protein sữa 3 - 3,5%, vật chất khô 12 - 13,5%, số lượng tế bào somatic 600.000 - 700.000 tế bào/ml.
Đàn giống bò sữa đạt trọng lượng bê sơ sinh 30 kg/con; trọng lượng lúc cai sữa 95 kg/con; tuổi phối giống lần đầu 15 - 16 tháng; tuổi đẻ lứa đầu 24 - 25 tháng; khoảng cách 2 lứa đẻ 400 - 425 ngày; số liều phối giống cho con đậu thai 2,5 - 3 liều/con.
Áp dụng các tiêu chí thực hành chăn nuôi tốt (VietGAHP) trong chăn nuôi bò sữa tại nông hộ; tỷ lệ cơ giới hóa, hiện đại hóa trong chăn nuôi bò sữa đạt 50 - 60%; tỷ lệ sử dụng thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh (TMR) lên 45 - 50%.
(Nguồn: Đề án nâng cao chất lượng đàn bò sữa trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2016 - 2020).
|