Hiện thực hóa giấc mơ đại điền để sản xuất chuỗi lúa gạo sạch công nghệ cao (21/10/2016)

Khởi nghiệp sau 20 năm, Cty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ) đang hiện thực hóa giấc mơ đại điền.

Cơ giới hóa đồng bộ tất cả các khâu SX lúa. Mô hình này trở thành bước ngoặt trong SX lúa gạo theo chuỗi giá trị, kiểm soát chất lượng đạt tiêu chuẩn gạo sạch với thương hiệu gạo Trung An.

Cơ giới hóa 100%

Khởi nghiệp năm 1996, Cty TNHH Trung An chuyên SX kinh doanh lúa gạo từ qui mô nhỏ đi lên. Đến năm 2005, khi chủ trương mở ra cho DN tư nhân đủ điều kiện xuất khẩu (XK), Trung An mở rộng thị trường tiêu thụ và nhanh chóng trở thành một trong những DN có sản lượng XK gạo lớn ở ĐBSCL.


Cty Trung An cơ giới hóa khâu cấy lúa trên CĐL Hòn Đất (Ảnh: HĐ)

Đặc biệt, sau 5 năm liền tham gia chương trình liên kết nông dân SX trên cánh đồng lớn (CĐL) thành công, năm 2015 đánh dấu bước chuyển tiếp giai đoạn mới đầu tư trực tiếp vào lĩnh vực nông nghiệp, đổi tên gọi mới - Cty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An.

Từ Cần Thơ chúng tôi mất gần nửa ngày đường hết đi xe ô tô theo quốc lộ 91, chuyển sang đi vỏ lãi chạy theo các con kênh Tám Ngàn thẳng tắp nối qua kênh T5 vùng Tứ Giác Long Xuyên. Đến CĐL Trung An rộng 760 ha nằm giữa đồng sâu tại xã Bình Giang, huyện Hòn Đất, một khung trời mới đồng ruộng bao la.

Trung An vừa hoàn thiện đầu tư hạ tầng, xây dựng xong nhà điều hành SX, hệ thống trạm bơm điện và chỉnh trang đồng ruộng, phân thành mỗi ô thửa rộng 3-4 ha được giới hạn bởi các bờ bao và kênh nội đồng ngang dọc.

Năm nay vẫn không có lũ nên xem như vắng mùa nước nổi, nông dân Hòn Đất vào vụ gieo cấy lúa ĐX sớm.

Trong khi Trung An bố trí SX phân ra từng khu vực với các ô thửa nối tiếp liên hoàn theo từng giai đoạn: Từ đồng lúa còn xanh nối tiếp đồng lúa đang làm đòng trổ bông đến đồng lúa đang thu hoạch vừa xong… Máy cày, máy cấy, máy gặt chạy xuôi ngược như con thoi trên đồng.


Cty Trung An cơ giới hóa khâu thu hoạch trên CĐL Hòn Đất (Ảnh: HĐ)

Ông Phạm Hữu Sáu – Quản lý CĐL Hòn Đất của Cty Trung An cho rằng: Muốn SX qui mô lớn trên CĐL phải có máy móc thay sức người và chỉ có cơ giới hóa, chuyển đổi cách làm mới để chinh phục đất phèn nặng vùng này.

Hồi trước đây đất này từng trồng mía. Cây mía giỏi chịu khô cằn, phèn chua vậy mà khó phát triển, không hiệu quả. Từ khi chuyển sang trồng lúa, đưa cơ giới hóa vào tất cả các khâu SX đã kích được năng suất vượt lên, kiểm soát chất lượng đảm bảo sạch, an toàn.

Nhìn rõ lợi ích

Trải qua 17 tháng mở đất, Trung An hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng và trang bị đủ các loại máy móc cơ giới từ khâu làm đất đến thu hoạch với tổng vốn đầu tư hơn 90 tỷ đồng. Trong đó tính riêng chi phí dựng tường rào đan kín bằng tôm fibro xi măng chạy dài trên 13 km bao quanh CĐL, Trung An đã tốn kinh phí 1,2 tỷ đồng.

Chỉ riêng việc dựng tường rào cái lợi trước mắt thấy rõ. Ông Sáu kể: "Vùng đất này chuột sinh sôi kinh khủng. Trồng lúa trên CĐL không diệt được chuột coi như thua. Chúng tôi đối phó nạn “giặc chuột” bằng cách dựng tường rào ngăn chuột, bắt chuột. Trên CĐL Hòn Đất này nếu chỉ sau mỗi vụ lúa bị chuột cắn phá làm thiệt hại 10%. Tính năng suất bình quân trên 5 tấn/ha đã giảm được thất thoát 250 tấn/vụ.

Hoặc như riêng việc chuyển sang dùng máy cấy thay cho khâu gieo sạ để lúa dễ chăm sóc, ít sâu bệnh. Lượng giống gieo sạ giảm từ 110-120 kg/ha xuống còn 50-60 kg/ha. Hiệu năng hoạt động của 4 máy cấy, công suất cấy 4 ha/máy/ngày. Trong khi nhân công cấy lúa 1 công/người/ngày phải cần tới 10 nhân công/ha chi phí trên 4 triệu đồng/ha. Đó là chưa nói đến khó huy động được thợ cấy và chậm tiến độ xuống giống đồng loạt rất nhiều…”.

Quả là chỉ còn cách đầu tư cơ giới hóa mới có thể SX lúa lớn, thực hiện quản lý qui trình SX có kiểm soát, hạn chế tối đa sử dụng phân bón, thuốc BVTV. Thực tế sau 2 vụ lúa HT và TĐ vừa qua, CĐL Trung An đạt năng suất bình quân trên 5,6-6 tấn/ha. Trong khi nhân sự vận hành trên CĐL của Trung An chỉ có 63 lao động làm việc thường xuyên, trong đó có 4 kỹ sư nông nghiệp, lương bình quân 5-12 triệu đồng/người/tháng.

Bài toán chuỗi SX gạo sạch

Vì sao từ một DN chuyên kinh doanh XK lúa gạo Trung An đầu tư mạnh vào nông nghiệp? Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Cty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, lý giải: Năm 2011 Trung An đã bắt tay liên kết với nông dân SX lúa trên CĐL và mở rộng đến nay gần 7.000 ha SX lúa theo tiêu chuẩn sạch VietGAP.


Cty Trung An giới thiệu sản phẩm gạo sạch an toàn (Ảnh: HĐ)

Từ mô hình CĐL thành công, tôi nghĩ nông nghiệp Việt Nam phải có sự đầu tư bài bản để thực sự nâng cao giá trị. Vừa qua nhà nước chủ trương quyết tâm tái cấu trúc ngành nông nghiệp, khuyến khích DN và ưu đãi đầu tư. Đó là định hướng lớn, còn vấn đề chính DN phải tự làm. Trung An nhận thấy đã đến lúc hội tụ đủ điều kiện nên bắt tay xây dựng CĐL tại Hòn Đất bằng cách thuê đất dài hạn (50 năm) và bỏ vốn đầu tư.

Trung An đang áp dụng 100% cơ giới hóa các khâu SX trên CĐL là nhằm thực hiện qui trình SX lúa gạo được kiểm soát chất lượng chặt chẽ, nhất là lúa nguyên liệu ngay từ khâu đầu vào. Ông Bình phân tích: “Sau 5 năm đầu tham XK gạo trực tiếp, nhận diện thị trường tôi nghĩ cần phải SX gạo sạch, xây dựng thương hiệu mang tên Trung An.

Tôi quan niệm nếu có sự can thiệp từ nguồn vốn đầu tư vào nông nghiệp, thoát cách làm theo kiểu truyền thống, đầu tư công nghệ cao để nâng cao giá trị nông phẩm. Nghĩa là chấp nhận đầu tư lớn với công nghệ tiên tiến là biết tính toán để hạ giá thành SX”.

Qua kiểm chứng cơ giới hóa SX lúa trên CĐL tại Hòn Đất năng suất lúa vụ ĐX vừa qua cao hơn ruộng lúa đối chứng bên ngoài 2 tấn/ha. Vụ ĐX sắp tới có khả năng tăng lên 8 tấn/ha. So sánh chi phí SX của nông dân bên ngoài 23 triệu đồng/ha, nếu áp dụng cơ giới hóa đồng bộ tại CĐL Trung An chi phí chỉ 16 triệu đồng/ha.

Mức chênh lệch 7 triệu đồng/ha tính ra hơn 1 tấn lúa/ha. Nếu tính 2 vụ trong năm cộng thêm lợi nhuận trồng lúa đạt được khoảng 30 triệu đồng/ha, SX lúa đại điền trên 1.000 ha, lãi gộp từ trồng lúa khoảng 30 tỷ đồng, tương đương 1,5 triệu USD. Trung An dự tính trong 5 năm sẽ thu hồi vốn dự án CĐL ở Hòn Đất, nhưng SX đạt hiệu quả khả quan thế này thời gian thu hồi vốn có thể sớm hơn.

Trên đà tiến triển SX lúa trên CĐL, ông Bình nhận định: “SX nông nghiệp trên CĐL là xu hướng tất yếu để thực hiện cơ giới hóa đồng ruộng. Nếu nhà nước chủ trương tích tụ ruộng đất, điều đó quá tốt cho DN để có thể tỏa sức đầu tư SX qui mô lớn từ A đến Z”.

Cty Trung An hiện có 6 khu nhà kho diện tích 60.000m2, sức chứa đạt 90.000 tấn gạo. Các khu nhà kho đều có trang bị, lắp đặt đầy đủ máy sấy lúa, xay xát, lau bóng, tách màu, đóng gói gạo với công nghệ tiên tiến. Năng lực SX lúa 400.000 tấn/năm, chế biến 1.000 tấn gạo/ngày; năng lực chế biến 24.000 tấn gạo/tháng và cung cấp ra thị trường 300.000 tấn gạo/năm.

Để hoàn thiện chuỗi SX lúa gạo, Cty Trung An đang đầu tư trên 3 triệu USD xây dựng hệ thống 10 silo (30.000 tấn) trữ lúa để giữ mùi thơm cho hạt gạo; đồng thời trong 3 năm tới Trung An có kế hoạch mở rộng liên kết SX lúa trên CĐL để đạt 100% lúa nguyên liệu chất lượng cao.

 

Theo HỮU ĐỨC (nongnghiep.vn)
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 138
Tổng truy cập: 39349354