Liên kết sản xuất vụ đông (21/10/2016)

Vụ đông năm nay tỉnh Bắc Giang không đặt nặng mục tiêu diện tích mà cốt lõi là chất lượng và hiệu quả kinh tế cây trồng. Trong đó chú trọng khuyến khích tổ chức, cá nhân thuê mượn ruộng, liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Đầu ra ổn định, tạo việc làm tại chỗ

Dịp này, sau khi thu hoạch xong trà lúa vàng trĩu bông, những cánh đồng ở thôn Huyện, xã Tiến Dũng (Yên Dũng) được kế ngay bằng luống rau. Điểm nổi bật là khu đồng liền khoảnh, rộng mênh mông có hệ thống kênh tưới ăm ắp nước, đường nội đồng bao quanh. Tìm hiểu được biết, đây chính là diện tích trồng rau của bốn hộ trong thôn.


Cán bộ kỹ thuật của Cty Hưng Việt hướng dẫn người dân thôn Huyện chăm sóc rau

Dẫn khách thăm xứ đồng trồng bắp cải, súp lơ đang lên mơn mởn, anh Nguyễn Quang Thanh, người trồng rau chia sẻ: "Xác định chỉ có liên kết với doanh nghiệp (DN) thì đầu ra cho nông sản mới ổn định nên chúng tôi đã ký kết hợp đồng với Cty TNHH MTV Hưng Việt (Hải Dương) để thuận đầu ra.

Trước đó, từ giữa năm chúng tôi đã bàn bạc, làm thủ tục thuê 11 ha đất của người dân trong 10 năm với mức 1 triệu đồng/năm để trồng rau an toàn và mở rộng lên 30ha thời gian tới. Toàn bộ sản phẩm khi thu hoạch được Cty cân tại ruộng với mức 3 nghìn đồng/cây, nếu giá tăng thì điều chỉnh theo thị trường".

Được biết, Cty Hưng Việt là một trong những DN lớn về sơ chế đóng gói cung cấp rau củ quả cho thị trường trong nước và xuất khẩu, bình quân thu mua khoảng 30 tấn/ngày. Để sản phẩm đáp ứng nhu cầu khách hàng, phía Cty cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn, giám sát nông dân trong quá trình trồng, chăm sóc.

Không chỉ thuê đất, nhóm hộ này còn tạo việc làm cho chính những người dân cho thuê ruộng. Theo đó, trên cánh đồng thường xuyên có khoảng 25 - 30 người chăm sóc rau, cao điểm lên đến 80 người với tiền công từ 130 - 150 nghìn đồng/ngày, tùy theo công việc.

Bà Nguyễn Thị Chính, thôn Huyện cho biết: “Các con đều đi làm ăn xa, việc đồng áng chỉ mình tôi gánh vác nên khá vất vả, nhất là trong vụ đông. Vì vậy gia đình tôi cho thuê 3 sào ruộng. Ngoài khoản thu từ phí thuê ruộng hàng năm, tôi còn có thu nhập từ việc làm thêm cho họ”.

Tại các xã: Danh Thắng, Lương Phong (Hiệp Hòa), Hương Lạc (Lạng Giang), Bảo Sơn (Lục Nam)một số cá nhân lại mượn ruộng của người dân trong vụ đông để liên kết với doanh nghiệp trồng khoai tây chế biến Atlantic. Hiện nông dân đang xuống giống cho cây trồng.

Cần cơ chế đồng bộ

Theo Sở NN-PTNT Bắc Giang, mấy năm gần đây, toàn tỉnh có hàng chục mô hình thuê, mượn đất với quy mô từ vài ha đến hàng chục ha để liên kết với DN sản xuất vụ đông. Ngoài mô hình trên còn có các DN liên kết sản xuất cà chua bi, dưa bao tử, ngô ngọt, tập trung tại các huyện Tân Yên, Yên Thế, Lục Nam.


Làm đất trồng khoai tây chế biến tại xã Danh Thắng (Hiệp Hòa)

Theo kế hoạch, vụ đông năm 2016, Bắc Giang gieo trồng 25 nghìn ha rau màu gồm các cây trồng chính như: Khoai tây, lạc, rau chế biến các loại, phấn đấu bình quân đạt 60 triệu đồng/ha.

Cách làm này giúp nông dân tiếp cận với tiến bộ kỹ thuật, đầu ra ổn định thông qua hợp đồng, tránh bị tư thương ép giá, khó tiêu thụ. Vào vụ thu hoạch, DN đứng ra thu mua nông sản cho bà con tại đầu bờ, người dân chỉ lo sản xuất không còn phải lo tìm đầu ra cho sản phẩm.

Ông Vũ Đình Phượng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bắc Giang đánh giá: “Thu nhập từ sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ lẻ thấp, trong khi chi phí đầu vào ngày càng tăng khiến nông dân bỏ đất trống trong vụ đông ngày càng nhiều. Trước thực tế này, quan điểm của ngành không nặng về kế hoạch số lượng mà quan trọng là hiệu quả, giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích. Do đó, nhân rộng các mô hình liên kết có sự tham gia của DN trên cánh đồng lớn là hướng đi được ngành khuyến khích ưu tiên nhân rộng”.

Tại một số huyện, thành phố cũng bước đầu có cơ chế cho công tác tổ chức vùng, liên kết. Điển hình, huyện Yên Dũng hỗ trợ nông dân 150 nghìn đồng/sào; cấp chứng nhận vùng sản xuất VietGAP cho vùng trồng rau an toàn; tạo điều kiện cho DN tiếp cận người dân, HTX để tổ chức canh tác. Huyện Hiệp Hòa hỗ trợ 1,5 triệu đồng/ha cho vùng sản xuất tập trung.

Tuy nhiên để phát triển mô hình này, nhiều ý kiến cho rằng cần có cơ chế, chính sách cụ thể về ưu đãi thuế, hỗ trợ mặt bằng, đào tạo nhân lực để các DN, cá nhân tích tụ ruộng đất yên tâm sản xuất.

Bởi lẽ, thực tế nhiều DN lo ngại sau khi bỏ vốn thiết kế, xây dựng hạ tầng khá lớn, trồng trọt chưa có lãi đã đến hạn trả đất, khó thu hồi kinh phí đầu tư; tạo điều kiện cho các HTX sản xuất, tiêu thụ nông sản xúc tiến thương mại, tham gia hội chợ, tìm kiếm và mở rộng thị trường.

Cùng với đó, các DN bảo đảm sử dụng đúng mục đích diện tích đã thuê, mượn; đồng thời xây dựng phương án kinh doanh hiệu quả.

 

Theo TRỊNH LAN (nongnghiep.vn)
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 135
Tổng truy cập: 39349354