Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Trần Công Chánh trao bằng khen cho các điển hình nông dân SXKD giỏi
Báo cáo tại hội nghị, ông Châu Minh Tiến, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hậu Giang cho biết, qua phát động đăng ký thi đua, đến nay toàn tỉnh có 50.194/138.404 hộ nông dân đạt danh hiệu SXKD giỏi các cấp (chiếm 36,24% số hộ nông dân trong tỉnh). Trong đó, có trên 4.038 hộ đạt cấp tỉnh và 130 hộ đạt cấp trung ương. Số hộ có mô hình thu nhập từ 100 triệu đồng/ha/năm trở lên là 35.807 hộ.
Theo ông Tiến, thời gian qua, phong trào nông dân SXKD giỏi đã tác động đến chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản suất, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, tăng thu nhập, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong tỉnh. Nhiều mô hình đạt hiệu quả cao như: trồng lúa áp dụng IPM, 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, cánh đồng lớn theo VietGAP… sản xuất lúa kết hợp với với cung cấp dịch vụ nông nghiệp đạt 500 – 750 triệu/hộ.
Sản xuất rau màu cho thu nhập gấp 7-8 lần so với trồng lúa, như trồng dưa hầu sử dụng màng phủ nông nghiệp, trồng rau ăn lá thu nhập 200 – 300 triệu/hộ, với diện tích chỉ 3.000 – 6.000 m2/hộ. Trồng mía giống mới, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, cho năng suất và chữ đường cao, nhiều hộ đạt hơn 200 tấn mía cây/ha, thu nhập trên 100 triệu đồng/ha.
Kinh tế vườn, với các loại cây đặc sản như: bưởi, cam mật, cam sành, quýt, xoài… cho thu nhập từ 200 – 400 triệu đồng/ha. Chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản như: nuôi cua đi và ba ba, nuôi cá đồng đạt hàng trăm triệu mỗi ha...
Các mặt hàng nông sản đặc sản được nông dân tỉnh Hậu Giang mang đến trưng bày tại hội nghị
Ông Trần Công Chánh, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang đánh giá phong trào nông dân SXKD giỏi đã đi vào thực chất, ngày càng xuất hiện nhiều nhân tố mới, mô hình mới, góp phần phát triển các mặt hàng nông sản đặc sản của tỉnh, được khách hàng trong và ngoài nước đến tìm hiểu và ký kết đặt hàng.
Ông Chánh chỉ đạo Hội Nông dân, ngành nông nghiệp phải tập trung giúp nông dân ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, liên kết làm ăn lớn, sản xuất hàng hóa đáp ứng tốt nhu cầu thị trường cả trong và ngoài nước. Vì đây là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương và thiệt thòi nhất khi hội nhập kinh tế quốc tế.