Khoa học công nghệ là đầu kéo tích tụ đất đai (29/10/2016)

GS.TS Nguyễn Văn Tuất (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) cho rằng, tích tụ chỉ bền vững và thành công khi đưa được KH-CN vào SX...


GS.TS Nguyễn Văn Tuất

Thực tiễn cho thấy, nhiều mô hình tích tụ thời gian qua gặp khó khăn bế tắc có nguyên nhân lớn do chưa có bàn tay đồng hành của KH-CN.

GS Tuất nêu quan điểm, trong bối cảnh thực trạng đất đai của Việt Nam hiện nay, tích tụ đất đai không nên hiểu một cách cơ học là tập hợp đất đai quy mô lớn về sở hữu hay sử dụng của một số ít người, mà cần hiểu linh hoạt là “tích tụ SX”.

Nghĩa là tập hợp nhiều hộ dân lại bằng hình thức khác nhau để cùng SX một số chủng loại sản phẩm có giá trị và lợi nhuận cao hơn, đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Để làm được điều này, ngoài các yếu tố về tổ chức SX, phải đưa được KH-CN vào các vùng hàng hóa lớn.

KH-CN tạo điều kiện cho tích tụ

Xét theo quan điểm “tích tụ SX” của giáo sư, nhìn tổng thể trên phạm vi cả nước, dù chưa nhiều nhưng hiện chúng ta cũng đã hình thành được một số vùng hàng hóa lớn, tiêu biểu ở phía Bắc phải kể tới vùng vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang), vùng cam Cao Phong (Hòa Bình), một số vùng cà phê, nhãn tại Sơn La… Ông có thể nói kỹ xem yếu tố nào giúp hình thành nên được những vùng SX hàng hóa này, nhất là vai trò của KH-CN?

Ngoài điều kiện tự nhiên về khí hậu, thổ nhưỡng, chủng loại sản phẩm đánh trúng nhu cầu thị trường, sự quyết liệt và quan tâm của chính quyền, nhất là ngành nông nghiệp ở các địa phương là điều tôi cho là yếu tố khá cơ bản.

Thực tế, nơi nào ngành nông nghiệp và chính quyền quan tâm xây dựng vùng SX hàng hóa thì đều thành công. Trong đó, có sự liên kết khá chặt chẽ giữa chính quyền với ngành nông nghiệp, nhất là với khoa học. Yếu tố thứ hai đóng vai trò rất quan trọng, đó là hầu hết các vùng SX hàng hóa lớn đã hình thành hiện nay đều có hàm lượng KH-CN rất cao.

Vùng cam Cao Phong khó mà lớn mạnh như bây giờ nếu như không có bàn tay của các nhà khoa học. Khi mới hình thành trước đây, hầu hết người dân chỉ trồng cam Xã Đoài, vỏ dày, rất nhiều hạt, ít nước, mẫu mã xấu, không rải vụ được. Kể từ khi chúng ta kịp thời nghiên cứu ra giống cam V2 thay thế, diện tích vùng cam ở đây đã bung ra rất rộng, hiện đã thành một vùng hàng hóa tập trung thật sự.

Cam V2 ít hạt, mỏng vỏ, nước nhiều, mẫu mã rất đẹp, chất lượng ngọt thơm, lại rải vụ tới tận tháng 3 năm sau.

Nhờ có chất lượng sản phẩm tốt, cam Cao Phong được thị trường rất ưa chuộng, nhờ đó đã kéo được diện tích tăng lên, nông dân ngày càng có lãi và càng có vốn đầu tư mở rộng để hình thành nên diện tích lớn như hiện nay. Là cây có múi khó tính, nhiều dịch bệnh, nếu không có các chế phẩm sinh học an toàn để phòng trừ, vùng cam này có nguy cơ tàn lụi từ lâu.


Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh kiểm tra thực tế vùng cam Cao Phong (Hòa Bình)

Hiện nay, nhiều đơn vị khoa học và DN đã và đang xúc tiến SX ra các chế phẩm sinh học và các loại phân bón chỉ dành riêng cho cây cam tại Cao Phong… Một số vùng cam tại miền núi phía Bắc sở dĩ không bung ra được đều là do không khống chế được dịch bệnh, chất lượng còn thấp.

Một ví dụ nữa là vải thiều Lục Ngạn, sở dĩ hiện nay nó bung được ra diện tích lớn, tập trung thành vùng hàng hóa lớn có vai trò đồng bộ của KH-CN.

Trước đây, “kẻ thù” của vải Lục Ngạn là sâu đục cuống, về canh tác thì người dân gần như không biết gì về kỹ thuật khống chế lộc đông, lộc ra rất nhiều lứa, quả rất bé, không đồng đều…

Nhờ bàn tay của nhiều nhà khoa học trong ngành nông nghiệp nghiên cứu, đến nay, cùng với nhiều giải pháp canh tác, áp dụng SX theo VietGAP, chúng ta đã khống chế được sâu đục quả lẫn các bệnh như thán thư, sương mai bằng các biện pháp sinh học. Nhờ đó đã giúp mẫu mã, chất lượng vải được cải thiện rất tốt, kiểm soát được dư lượng BVTV.

Mới đây, công nghệ bảo quản vải sau thu hoạch bằng các dây chuyền và chế phẩm cũng tạo điều kiện rất tốt để kéo dài thời gian lưu thông.

Nếu không có KH-CN để khống chế dịch hại, kiểm soát dư lượng thuốc BVTV, cải thiện sơ chế bảo quản…, chúng ta làm sao có thể XK được vải thiều sang cả các thị trường khó tính như Mỹ, Úc…, uy tín của vải thiều Lục Ngạn làm sao chiếm lại lòng tin được ở thị trường nội địa?

Tại Sơn La, từ chỗ cho không ai thu hoạch, đến nay, nhờ biện pháp ghép cải tạo được đưa vào, cây nhãn đã lên ngôi giúp nông dân làm giàu. Vùng nhãn Sông Mã (Sơn La) từ chỗ manh mún, rời rạc, đến nay nhờ có thu nhập cao hơn mà nông dân đã chú trọng cải tạo thành vùng tập trung hàng hóa lớn…

Tóm lại, nói vậy để thấy chỉ khi đưa được KH-CN đi trước một bước vào SX, giúp sản phẩm nông sản có chất lượng tốt hơn, năng suất cao hơn, giá thành hạ hơn và lợi nhuận nông dân tăng lên, tất yếu vùng SX sẽ được mở rộng thành một vùng hàng hóa lớn. Hay nói cách khác, KH-CN giống như liều thuốc kích thích, tạo động lực và đầu kéo cho tích tụ SX.

Hỗ trợ, đầu tư KH-CN cho các vùng tích tụ

Ông nói KH-CN là đầu kéo, động lực cho tích tụ SX, nhưng đó là kiểu “tích tụ thụ động” diễn tiến một cách tự nhiên. Thực tiễn, đang có nhiều nông dân, doanh nghiệp đứng ra chủ động tích tụ bằng nhiều hình thức khác nhau như thuê đất, liên kết SX giữa DN và nông dân, thành lập HTX… Với những hình thức “tích tụ chủ động” này, cần có chính sách gì về KH-CN?

Thời gian qua, nhiều mô hình tích tụ lớn, tập trung đã diễn ra nhiều nơi như Hà Nam, Vĩnh Phúc… Tuy nhiên qua theo dõi, tôi thấy sau khi tập hợp được đất đai rồi, các mô hình này hiện cũng đang gặp rất nhiều khó khăn bế tắc, mà mấu chốt của sự bế tắc này theo tôi là do chưa có bàn tay đồng hành của KH-CN.


KH-CN đóng vai trò là đầu kéo cho tích tụ

Một là đối tượng tích tụ không có sự giúp sức, tư vấn của các nhà khoa học về thị trường. Họ gom đất rồi nhưng không được ai tư vấn xem sẽ trồng loại cây gì, chủng loại phẩm cấp nào, bán ở đâu và bán cho ai. Thứ hai, họ chưa có các nhà khoa học tư vấn xem đối với loại cây trồng ấy thì trồng thế nào, giống gì, canh tác thế nào để có năng suất, chất lượng tốt nhất, giá thành hạ nhất, kiểm soát các rủi ro về dịch bệnh, thiên tai ra sao…? Bởi vậy sau khi có đất, họ vẫn lại loay hoay với cách thức SX như nông dân bình thường, thậm chí không đủ trả tiền thuê đất.

Như vậy, kể cả đối với các đối tượng “tích tụ chủ động” đi nữa, thì KH-CN vẫn phải đi trước một bước, chỉ khi anh nắm trong tay về công nghệ rồi, mới có thể triển khai tích tụ, nghĩa là phải có bước chuẩn bị cho tích tụ, chứ không phải thích là tích tụ. Do tiềm lực của các đối tượng tích tụ hiện nay đa số còn yếu, vì vậy Nhà nước cần phải có chính sách hỗ trợ (cả về vốn, đầu tư cơ bản và nhân lực) để lôi kéo các lực lượng nhà khoa học vào cuộc để hỗ trợ cho các đối tượng tích tụ.

Xin cảm ơn giáo sư!

Hiện nay, nhiều địa phương đã có các chính sách hỗ trợ về hạ tầng, tiền thuê đất cho người tích tụ, tuy nhiên chưa thực sự chú trọng tới điều quan trọng nhất là KH-CN.

Để hình thành được các vùng tích tụ SX lớn, Nhà nước, địa phương, thậm chí cả bản thân các thành phần tham gia tích tụ phải hỗ trợ để các nhà khoa học vào giúp sức, nghiên cứu xem họ còn thiếu cái gì, chưa rõ điều gì để tháo gỡ.

Hiện nay các tỉnh đều có các chương trình vốn dành cho nông nghiệp công nghệ cao, hoàn toàn có thể dùng nguồn lực này hỗ trợ cho khoa học để họ giúp sức cho các mô hình tích tụ ruộng đất.

Bên cạnh đó, các chương trình, dự án về nông nghiệp của Trung ương, các dự án chương trình khuyến nông cũng nên tập trung về các điểm tích tụ để tăng cường sự hỗ trợ cho họ. Các chương trình dự án phải có sự nối pha, phối hợp với nhau. - GS.TS Nguyễn Văn Tuất.

 

Theo LÊ BỀN (nongnghiep.vn)
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 131
Tổng truy cập: 39349354