Gần 100% diện tích đất 2 lúa ở Mộc Bắc được phủ kín ngô vụ đông
Ở huyện Duy Tiên (tỉnh Hà Nam), cây ngô vụ đông từng một thời teo tóp và gần như sắp bị xóa sổ đến nơi, thế nhưng vài năm trở lại đây, diện tích ngô đông bỗng nhiên tăng vụt trở lại. “Đầu kéo” cho sự hồi sinh ấy bắt nguồn từ sự bùng nổ của chăn nuôi bò sữa, bò thịt.
Lúa vụ mùa vừa gặt xong hơn một tháng, bây giờ cây ngô đã phủ kín trên đồng đất hai vụ lúa khắp các xã Mộc Bắc, Chuyên Ngoại, Trác Văn… (huyện Duy Tiên). Bà Nguyễn Thị Vang, PGĐ Sở NN-PTNT Hà Nam cho biết vụ đông 2016, chỉ riêng xã Mộc Bắc đã có diện tích ngô trên 160ha, gần như phủ kín 100% diện tích đất hai lúa của xã, chiếm gần 30% tổng số diện tích ngô toàn huyện.
Sự tăng mạnh về diện tích ngô ở xã này chỉ mới nổ ra khoảng từ năm 2014 trở lại đây, khi mà đàn bò thịt, bò sữa ở đây hiện đã tăng lên gần 1.200 con thì nhu cầu thức ăn xanh cho đàn bò ngày càng tăng vọt. Đối với nông dân Mộc Bắc, cây ngô vụ đông đem lại cho họ vô số lợi ích.
Ông Phạm Công Sử, Giám đốc HTX Nông nghiệp xã Mộc Bắc cho biết: Trong tổng số hơn 160ha ngô đông trên đất lúa, diện tích ngô nếp chiếm hơn 70%. Nhờ thị trường ngô nếp ăn tươi ngày càng có giá nên nông dân gần như không phải lo vấn đề tiêu thụ. Ngô nếp chỉ trồng khoảng 80 ngày là đã có thể cho thu hoạch bắp, thương lái tới tận ruộng tranh mua với giá 2 nghìn đồng/bắp, trung bình mỗi sào ngô nếp cho thu nhập từ 2 - 2,5 triệu đồng tiến bán bắp.
Ngô nếp thu hoạch xong bắp, thân và lá vẫn còn xanh, mềm, chính là “đặc sản” mà các trang trại chăn nuôi bò sữa vô cùng ưa thích, mỗi sào được các trang trại bò sữa đặt mua với giá từ 300 - 500 nghìn đồng. Vị chi cả tiền bán bắp và bán thân - lá, một sào ngô nếp cho giá trị trên 3 triệu đồng chỉ trong vòng thời gian chưa đầy 3 tháng. Đối với những gia đình không muốn bán bắp, các trang trại bò sữa tại đây đặt mua nguyên cả ruộng với giá 1.000 đ/kg, tương đương 1,5 - 2 triệu đồng/sào để ủ chua cho bò sữa.
Với hàm lượng dinh dưỡng thuộc nhóm đứng đầu trong các loại cây làm thức ăn xanh cho gia súc, cây ngô vụ đông đang dần khẳng định vị thế không thể thiếu đối với người nuôi bò sữa. Bò sữa mở ra tới đâu, cây ngô mở ra tới đó. Anh Nguyễn Văn Tuyến, thôn Dĩ Phố, một chủ hộ nuôi bò sữa tại xã Mộc Bắc cho biết: Với đàn bò sữa 34 con, vụ đông năm nay, ngoài đất của gia đình, anh phải thuê, mượn thêm ruộng của các hộ dân trong xã với tổng số trên 3 mẫu đất trồng ngô nhưng vẫn chưa thấm tháp vào đâu so với nhu cầu thức ăn cho bò. Vì vậy, anh phải mua thêm trên 30 triệu tiền cây ngô để ủ chua dự trữ.
“Không chỉ dinh dưỡng cao, cây ngô vụ đông phát triển tốt đúng vào giai đoạn mà các diện tích trồng cỏ không mọc được trong 3 tháng mùa đông. Vì vậy nhờ cây ngô mới có thể dự trữ ủ chua cho bò sữa suốt từ tháng 11 - 12 năm trước cho tới tháng 2, tháng 3 năm sau”, anh Tuyến phân tích.
Cũng theo anh Tuyến, trước đây, quy hoạch của xã khi phát triển đàn bò sữa đó là 2ha đất trồng cỏ thì phục vụ cho 30 con bò, tuy nhiên thực tế, hộ nuôi bò nào hiện nay cũng đang tăng đàn rất mạnh, trong khi diện tích cỏ lại rất hạn chế nên nhu cầu dự trữ thức ăn ngô ủ chua cho đàn bò ngày càng lớn. Như gia đình anh hiện chỉ có 1ha đất trồng cỏ, nhưng đàn bò lại tới 34 con nên gần như phải mua hoặc trồng thêm diện tích ngô dự trữ rất lớn.
Trước đây, bò sữa chỉ phát triển mạnh ở Mộc Bắc, tuy nhiên đàn bò đang mở rộng ra tại các xã khác như Trác Văn, Chuyên Ngoại… ngoài ra, các địa phương cũng phát triển đàn bò thịt rất lớn. Vì vậy, nhu cầu cây ngô để phục vụ cho bò sẽ ngày càng gay gắt, cần phải mở rộng thêm.
Vụ đông 2016, tỉnh Vĩnh Phúc có diện tích ngô khá lớn với hơn 9.400ha. Cũng như nhiều nơi, thực tiễn ở Vĩnh Phúc cho thấy ở đâu chăn nuôi phát triển, ở đó cây ngô vụ đông mở rộng theo. Ông Lê Thanh Hải, Giám đốc HTX Đống Cao (xã Văn Tiến, huyện Yên Lạc) cho biết: Chỉ riêng HTX đã 40/140ha ngô đông của xã.
Theo ông Hải, thôn Đống Cao có trên 30 trang trại chăn nuôi lợn nên hộ nào nuôi lợn cũng mượn đất trồng ngô. Trồng ngô không thôi thì lãi ít, nhưng nếu có nhiều đất trồng ngô, đổ vào nuôi lợn thì mỗi thứ lãi thêm một tí. Sở dĩ xã Văn Tiến luôn có diện tích vụ đông rất lớn bởi chăn nuôi lợn ở đây rất nhiều.
|