Vườn thanh long của ông Tuấn
Tiếp chúng tôi, ông Tuấn cho hay ông trồng thanh long từ tháng 8/2014 với diện tích ban đầu 2,2 mẫu, bao gồm cả giống thanh long ruột đỏ và ruột trắng. Đến tháng 5/2015, ông tiếp tục đầu tư mở rộng thêm 5 mẫu thanh long ruột đỏ, sắp cho thu hoạch.
Đến nay lứa thanh long đầu đã cho thu hoạch 1,5 tấn/mẫu, bán từ 20.000 -25.000 đồng/kg (ruột đỏ) và 14.000 đồng/kg (ruột trắng).
Ông Tuấn cho biết, khi có ý định trồng thanh long, ông đã vào Bình Thuận, Ninh Thuận để khảo sát giống và học hỏi kinh nghiệm. Sau đó ông quyết định mua giống ở huyện Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận. "Thanh long là loại cây ăn quả được trồng nhiều ở vùng có nhiệt độ nóng. Vì thế đem giống về Phúc Thọ trồng để cây đạt năng suất cao không phải dễ dàng. Lúc mới trồng tôi không vội vàng tưới nước, mà cắm gốc trên mặt cát, nếu cắm sâu xuống sẽ hỏng.
Khi gốc xuất hiện mầm là lúc cây ra rễ, sau đó đánh ra trụ trồng. Mỗi góc của trụ buộc 2 cây, 4 góc là 6 cây và 1 cây cột vào cạnh. Sau khi trưởng thành mỗi cây sẽ cho 30 tàu ứng với 30 quả. Như vậy 1 trụ sẽ cho 200 quả thay vì trồng 5 cây một trụ như ở những nơi khác”, ông chia sẻ.
Trong 2 năm đầu, ông bón phân đạm để tập trung nuôi cây, khi cây bắt đầu ra quả thì giảm đạm và tăng kali. Vì thời tiết miền Bắc khác trong Nam nên ông linh hoạt trong khâu chăm sóc. Để tránh cho cây bị nấm, trước mùa mưa ông phun thuốc phòng bệnh.
Được biết trước đây vợ chồng ông Tuấn từng xuất khẩu lao động sang Nhật Bản. Nhận thấy cách làm mô hình ở nước bạn có nhiều ưu việt, sau khi về nước, vợ chồng ông đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng để xây dựng mô hình trang trại, sản xuất hàng hóa tập trung. Ông Tuấn thuê 6 nhân công làm việc thường xuyên, có thời điểm thuê hơn 10 người.
Ngoài việc trồng thanh long ông Tuấn còn trồng đinh lăng, ớt, bí, mướp đắng, chanh tứ thời… để tận dụng diện tích đất sản xuất và tạo thêm nguồn thu nhập. Chia sẻ dự định trong tương lai, ông nói sẽ đầu tư nuôi 40 con bò sinh sản, đồng thời xây dựng thương hiệu thanh long xứ Đoài.