Nấm trong nhà lạnh
Gia đình ông Ngô Đình Hải ở thôn Đạo Ngạn 2, xã Quang Châu, huyện Việt Yên là hộ trồng nấm theo công nghệ hiện đại đầu tiên của tỉnh. Trên diện tích hơn 2,5 nghìn m2, cơ sở có 10 nhà lạnh với những giá cấy nấm; kho chứa nguyên liệu, phòng nhân giống cùng các phương tiện khử trùng bảo đảm vệ sinh dịch bệnh. Trong phòng lạnh, các cây nấm mập mạp, mọc ra tua tủa.
Sản xuất nấm, tiềm năng lớn
Đang cẩn thận cắt từng cây nấm đóng vào túi ni lông, chị Nguyễn Thị Thơ, người làm thuê tại đây cho biết: “Chúng tôi chuẩn bị hàng để giao cho khách ở Hà Nội vào sáng mai. Bình quân mỗi ngày cung cấp khoảng 30 - 50kg nấm đùi gà, kim châm, ngọc châm với giá bán buôn 80 nghìn đồng/kg”.
Trước đây, gia đình ông Hải chỉ trồng một số loại thông thường như mộc nhĩ, nấm sò, nấm rơm và nấm mỡ. Tuy nhiên, những giống này chỉ trồng được theo mùa nên có thời điểm nhà xưởng bỏ trống, rất lãng phí. Do đó, năm 2014, ông đầu tư hơn 3 tỷ đồng xây dựng nhà xưởng với những trang thiết bị hiện đại, duy trì các loại nấm thông thường và trồng thêm giống mới.
Ông Hải nói: “Trồng nấm trong nhà lạnh chi phí cao, nếu sản xuất thất bại sẽ thiệt hại lớn. Yếu tố kỹ thuật có vai trò quan trọng nên trước khi triển khai, tôi sang một số trang trại trồng nấm nổi tiếng của Trung Quốc, Hàn Quốc để học hỏi kinh nghiệm; thuê kỹ sư chỉ đạo, giám sát quá trình nhân giống, chăm sóc”.
Bởi vậy, cơ sở đã sản xuất thành công nấm cao cấp quanh năm mà trước đó chưa nơi nào trong tỉnh làm được; doanh thu bình quân đạt hơn 1 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho 8 lao động tvới mức lương từ 3,5 - 5 triệu đồng/người/tháng.
Ưu tiên phát triển sản phẩm cao cấp
Hiện nay có hàng trăm hộ trồng nấm thu nhập cao, tập trung tại các huyện Lạng Giang, Sơn Động, Yên Dũng, Việt Yên. Vì thế, đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2015 - 2020 của Bắc Giang xác định, nấm là một trong những sản phẩm nông sản chủ lực, phấn đấu đạt sản lượng 10 nghìn tấn nấm tươi vào năm 2020, tăng gấp đôi so với năm 2015; giá trị thu nhập đạt hơn 250 tỷ đồng.
Tạo tiền đề thực hiện nhiệm vụ này, tháng 6 năm nay, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã phê duyệt đề án Hỗ trợ phát triển sản xuất và tiêu thụ nấm gắn với ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2016 - 2020 với tổng kinh phí thực hiện hơn 27 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách tỉnh hỗ trợ hơn 30% còn lại là đối ứng của người dân.
Ông Vũ Trí Đồng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Bắc Giang cho biết: “Khác với những năm trước, đề án giai đoạn này tập trung vào nhân rộng mô hình ứng dụng công nghệ sản xuất nấm cao cấp quy mô công nghiệp như kim châm, ngân châm, đùi gà, linh chi. Đề án ưu tiên hỗ trợ tổ chức, cá nhân làm nhà lưới, nhà màn, nhà lạnh; kho bảo quản; xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại; máy đóng gói nhãn mác để truy xuất nguồn gốc sản phẩm”.
Thực hiện đề án, đến nay Sở NN-PTNT Bắc Giang đã tổ chức đoàn cán bộ học tập kinh nghiệm mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng); mở 7 lớp tập huấn kỹ thuật trồng nấm ăn, nấm dược liệu cho hơn 200 học viên tại các huyện Tân Yên, Lạng Giang. Sở giao cho đơn vị trực thuộc triển khai các nội dung theo đúng lộ trình, kế hoạch.
Cùng đó, một số huyện trọng điểm đã có cơ chế khuyến khích người dân phát triển nấm. Tại Lạng Giang, trong năm nay, huyện đầu tư 200 triệu đồng để cấp bao bì, in nhãn mác phục vụ tiêu thụ nấm cho hơn 200 hộ thuộc các xã: Tiên Lục, Tân Dĩnh, Nghĩa Hưng, Mỹ Hà, Phi Mô, Tân Thanh; giai đoạn 2017 - 2020 hỗ trợ quảng bá sản phẩm, tham quan học tập kinh nghiệm, phòng trừ dịch hại ở nấm.
Tại huyện Sơn Động, đơn vị chuyên môn đang làm thủ tục đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể nấm ăn, nấm dược liệu Sơn Động; UBND huyện cân đối ngân sách, trợ giá một phần giống, nguyên liệu đầu vào giúp bà con mở rộng diện tích.
Bằng các giải pháp trên, Bắc Giang phấn đấu đến năm 2020, sản phẩm nấm cao cấp chiếm hơn 70% tổng sản lượng nấm toàn tỉnh.
Cùng với ông Hải, từ năm 2015 đến nay, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Giang) đầu tư trang thiết bị sản xuất nấm đùi gà, nấm chân dài, bình quân khoảng 8 tấn nguyên liệu mỗi lứa.
Theo ông Đào Trọng Nghĩa, Phó Giám đốc Trung tâm, các loại nấm cao cấp được sản xuất từ những nguyên liệu thông thường như mùn cưa, rơm rạ, bông phế thải song đòi hỏi nghiêm ngặt về điều kiện nhiệt độ, thao tác thực hiện nên chỉ cần sơ sểnh nhỏ có thể thất thu cả mẻ nấm.
Vì vậy, bắt buộc phải trồng trong nhà lạnh, duy trì nhiệt độ ổn định từ 12 - 15 độ C để nấm sinh sôi, đồng thời khắc phục tình trạng sản xuất theo mùa vụ, có sản phẩm cung cấp, đáp ứng nhu cầu thị trường quanh năm.
|