Hà Nội đã có cả nghìn ha rau thu nhập 1 tỷ đồng/năm (18/11/2016)

Trong tổng diện tích canh tác rau 12.000ha, phân bố ở 22 quận, huyện, thị xã với trên 40 loại, có tới 10% diện tích rau an toàn của Hà Nội cho thu nhập 1 tỷ đồng/ha/năm.


Lãnh đạo Sở NN-PTNT Hà Nội trao bằng khen, giấy khen cho tập thể, cá nhân xuất sắc sản xuất rau an toàn

Báo cáo tại hội nghị “Tổng kết đề án sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Hà Nội giai đoạn 2009 - 2016” tổ chức ngày 17/11 cho thấy, Hà Nội hiện là một trong những địa phương có vùng rau được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm lớn nhất toàn quốc với 5.000ha. Trong 300 - 1.000 mẫu rau phân tích hàng năm, chỉ 1% số tự sản xuất kiểm nghiệm vượt giới hạn tối đa dư lượng thuốc BVTV.

Để đạt được kết quả nổi bật trên, Chi cục BVTV Hà Nội đã nhận thức và xác định rõ nhiệm vụ được Sở NN-PTNT, UBND TP giao chủ trì thực hiện đề án "Sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Hà Nội giai đoạn 2009 - 2016" và phê duyệt Định hướng quy hoạch mạng lưới sản xuất rau an toàn trên địa bàn Hà Nội đến năm 2020".

Kết quả, các địa phương đã lập 37 dự án xây dựng cơ sở hạ tầng vùng rau an toàn tập trung với diện tích 2.080,9ha, có 16 dự án được đầu tư và đưa vào sử dụng. Trong đó, 10 dự án của thành phố, 6 dự án QSEAP vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Đến cuối năm 2015 diện tích cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm trong sản xuất đạt 5.100ha, trong đó có 224ha rau VietGAP và trên 40ha rau hữu cơ.

Là đơn vị trực tiếp được giao quản lý mảng sản xuất rau an toàn, Chi cục BVTV Hà Nội đã tham mưu cho Sở NN-PTNT ban hành 30 quy trình kỹ thuật sản xuất rau an toàn và 10 quy trình rau hữu cơ, hiện đã được áp dụng đồng bộ, sâu rộng tại các vùng rau.

Chi cục BVTV cũng tổ chức 987 lớp huấn luyện nông dân về IPM rau cho 29.610 nông dân; 990 lớp tập huấn ngắn hạn về an toàn thực phẩm trong sản xuất rau an toàn cho 49.500 người; Thực hiện 385 thử nghiệm chuyển giao tiến bộ kỹ thuật không sử dụng thuốc BVTV, gồm che phủ ni lông, nhà lưới trồng rau trái vụ triển khai tại 116 xã, nhân rộng với diện tích 1.150,2ha. Hà Nội đã xây dựng 8 cơ sở sơ chế rau an toàn gắn với vùng sản xuất tập trung công suất 3 - 7 tấn/ngày; 64 cơ sở sơ chế nhỏ của các HTX, doanh nghiệp công suất 200 - 1.000 kg/ngày.

Để truy xuất nguồn gốc, năm 2011 Hà Nội thí điểm gắn tem, nhãn nhận diện rau an toàn bán buôn (Văn Đức), năm 2012 nhân rộng gắn tem, nhãn nhận diện rau an toàn bán lẻ ra các vùng Duyên Hà, Thanh Đa, Tráng Việt... đến năm 2014 có 40 cơ sở dán tem nhận diện, mỗi cơ sở được cấp 1 mã số, sản phẩm dán tem được đưa đi tiêu thụ rộng rãi ở Hà Nội và các tỉnh được doanh nghiệp và người tiêu dùng đánh giá cao.


Hà Nội quyết tâm mở rộng diện tích rau an toàn

Trong các vùng rau của Hà Nội, những diện tích che phủ ni lông, nhà lưới trái vụ hiệu quả kinh tế đạt 1 tỷ đồng/ha/năm, có diện tích đạt 2 tỷ đồng/ha/năm (Yên Viên), tổng giá trị sản xuất đạt trên 1.200 tỷ đồng/năm, cao hơn sản xuất rau thường từ 10 - 20%.

Từ kết quả thí điểm gắn nhãn, tem nhận diện rau an toàn, Chi cục BVTV Hà Nội lập hồ sơ đăng ký “Nhãn hiệu chứng nhận rau an toàn Hà Nội” và đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận.

Theo số liệu điều tra của Chi cục BVTV Hà Nội, hiện các siêu thị chiếm khoảng 1,5% sản lượng rau an toàn; cửa hàng phân phối bán lẻ chiếm 1,5%; giao theo hợp đồng (nhà hàng, bếp ăn tập thể...) chiếm 1,8%; Thương lái thu gom đem đi tiêu thụ chiếm 12,6%; người sản xuất tự bán tại các chợ dân sinh chiếm 26,8% và bán buôn tại các chợ đầu mối chiếm 55,8%.

Từ các hoạt động của đề án đã tác động tích cực, làm thay đổi tập quán canh tác và sử dụng thuốc BVTV của nông dân. Kết quả điều tra cho thấy, tỷ lệ sử dụng thuốc thảo mộc, sinh học khoảng 60%, giảm 30% số lần sử dụng thuốc. Chi phí sử dụng thuốc BVTV giảm 50%, tuân thủ thời gian cách ly khi thu hái sản phẩm. Đặc biệt, lượng thuốc BVTV sử dụng trên các cây trồng của Hà Nội năm 2014 (trong đó có rau) là 360 tấn chỉ bằng 0,3% so với toàn quốc là 116.582 tấn.

Trong thời gian tới, Chi cục BVTV Hà Nội tập trung giảm diện tích, mức độ hại của sinh vật gây hại, giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trên rau. Kiểm soát dư lượng thuốc BVTV dưới ngưỡng quy định cho 95% diện tích sản xuất rau, quả, chè. Duy trì 5.100ha rau đạt 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ha/năm, phát triển 3.000 - 4.000ha rau chứng nhận đủ điều kiện an toàn đạt 500 triệu đồng/ha/năm, kiểm soát 50 chuỗi cung cấp rau an toàn, đảm bảo 100% truy xuất nguồn gốc xuất xứ và an toàn thực phẩm.

Chi cục BVTV Hà Nội kiến nghị thành phố đầu tư xây dựng hạ tầng xã hội như chợ đầu mối, chợ dân sinh, bố trí điểm bán hàng rau an toàn. Bộ Công thương trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định về kiểm soát nguồn gốc xuất xứ rau lưu thông, thương mại trên thị trường.

Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương, Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành chính sách đặc thù cho Hà Nội hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp phát triển hệ thống cửa hàng, điểm bán lẻ rau an toàn.

 

Theo TRIỆU LONG - NGUYÊN HUÂN (nongnghiep.vn)
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 176
Tổng truy cập: 39349354