Diện mạo mới ngành nông nghiệp, hứa hẹn tương lai tươi sáng (03/01/2017)

Xét trên phương diện xuất khẩu, 2016 không phải là năm thành công lớn với ngành nông nghiệp. Nhưng nhìn dưới góc độ doanh nghiệp, đặc biệt là triển vọng sắp tới, cho thấy một tương lai tươi sáng...

Xét trên phương diện xuất khẩu, 2016 không phải là năm thành công lớn với ngành nông nghiệp. Nhưng nhìn dưới góc độ doanh nghiệp, đặc biệt là triển vọng sắp tới, cho thấy một tương lai tươi sáng khi có nhiều "đại gia" đã mạnh dạn rót tiền đầu tư vào nông nghiệp. Đây là luồng gió mới dự báo năm 2017 khả quan hơn.

Sự vào cuộc của những tập đoàn

Người làm nông nghiệp bây giờ không chỉ là những anh hai lúa, bác cựu chiến binh hay cô bác nông dân thật thà, chất phác... Thêm vào "bức tranh" truyền thống đó là bóng dáng của rất nhiều vị doanh nhân lớn, ông chủ tập đoàn có địa vị, học thức, uy tín cao trong xã hội.


Ảnh: Nguyên Huân

Không bỗng dưng mà tân "tư lệnh" ngành nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường khi mới nhận nhiệm vụ ngay lập tức tổ chức hàng loạt hội nghị, hội thảo, diễn đàn xúc tiến đầu tư để gặp gỡ, trao đổi, kêu gọi các doanh nghiệp bỏ tiền vào nông nghiệp.

Đầu tiên phải kể đến Tập đoàn Vingroup, với khoản cam kết đầu tư 4.000 tỷ đồng cho lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Là tập đoàn kinh doanh phân khúc bất động sản cao cấp tốp đầu, việc Vingroup sẵn sàng bỏ ra tới 4.000 tỷ đồng để sản xuất ra những mớ rau sạch có giá vài nghìn đồng là niềm vui, sự hy vọng của nền nông nghiệp.

Sự kiện Vingroup đi làm nông với những sản phẩm rau sạch, và sắp tới là nuôi lợn mang thương hiệu nông sản VinEco không chỉ tạo ra một diện mạo hoàn toàn mới cho mớ rau, ngọn cỏ mà đó còn là động lực to lớn khích lệ nhiều doanh nghiệp khác có trách nhiệm hơn với nông nghiệp và sâu xa hơn đó là người nông dân và cả khu vực nông thôn.

Tiếp đến là Tập đoàn Masan, được mệnh danh ông vua bán lẻ của Việt Nam với tiềm lực tài chính hùng hậu chỉ sau vài thương vụ mua bán, sáp nhập hiện đã trở thành “ông lớn” trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi về chế biến thực phẩm. Trước khi làm chăn nuôi, Masan đã rót cả ngàn tỷ để mua lại một thương hiệu cà phê nổi tiếng là Vinacafe.


Ảnh: Nguyên Huân

Sự vào cuộc của Masan, khiến rất nhiều doanh nghiệp có tiếng, có tầm trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi và chế biến thực phẩm phải thay đổi chiến lược kinh doanh để hoạt động hiệu quả hơn, phục vụ tốt hơn nếu không muốn bị mất đi thị phần cũng như bị bỏ lại quá xa phía sau.

Rồi Tập đoàn Hòa Phát với thị phần thép và nội thất số 1 Việt Nam, trong năm 2016 cũng kịp ghi tên mình trong danh sách các "ông lớn" đổ tiền vào nông nghiệp khi đầu tư cả chục triệu USD xây các nhà máy thức ăn chăn nuôi và trại lợn giống cụ kỵ nhập ngoại từ những quốc gia nuôi lợn hàng đầu thế giới.

Cùng với CP, Dabaco, Thái Dương, Hùng Vương..., chắc chắn trong thời gian tới, người chăn nuôi trong nước được hưởng lợi rất nhiều bởi sẽ có cơ hội lựa chọn những giống lợn chất lượng cao, các sản phẩm thức ăn chăn nuôi tốt nhất trong bối cảnh cạnh tranh ngày một khốc liệt hơn.

Nhắc tới các “ông lớn” tham gia vào nông nghiệp không thể bỏ qua GTNFOODS, tiền thân là Cty CP Đầu tư và Sản xuất Thống Nhất với ngành nghề chính là sản xuất, chế biến tre công nghiệp, xây dựng hạ tầng... Trong hai năm 2015 và 2016, GTNFOODS âm thầm mua lại TCty Chè Việt Nam (Vinatea) và TCty Chăn nuôi Việt Nam (Vilico).


Trồng chè theo hướng VietGAP

Không chỉ thu hút các doanh nghiệp sản xuất, thời gian qua ngành nông nghiệp còn lôi kéo được sự tham gia vô cùng tích cực của các doanh nghiệp chứng khoán, quỹ đầu tư nước ngoài như Cty CP Chứng khoán Sài Gòn SSI, Cty CP Tập đoàn PAN, Cty CP Tập đoàn FLC…

Ngay sau đó, doanh nghiệp quyết định đổi tên thành GTNFOODS cùng với sự cải tổ mạnh mẽ, chọn định hướng phát triển trọng tâm trong thời gian tới không gì khác là nông nghiệp với 3 mặt hàng chủ lực là trồng và chế biến chè, chăn nuôi và sản xuất sữa, sản xuất tre công nghiệp.

Điểm sáng cổ phần hóa

Gần đây nhất là việc đấu giá thành công cổ phần của Cty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk). Có lẽ đây là doanh nghiệp nông nghiệp sau cổ phần hóa hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả ấn tượng bậc nhất khi doanh thu, lợi nhuận năm sau luôn hơn năm trước gấp nhiều lần.

Bằng chứng là năm 2005, khi bán 11,4% cổ phần của Vinamilk nhà nước chỉ thu được 572 tỷ đồng, trong khi đợt thoái vốn vừa mới diễn ra cách đây chưa lâu chỉ bán đi 9% cổ phần, nhà nước đã thu về tới 18.800 tỷ đồng tính theo giá khởi điểm. Mức giá trên tương ứng với giá trị của Vinamilk đạt xấp xỉ 209.000 tỷ đồng, gấp 40 lần so với tháng 2/2005.

Theo ước tính của các công ty chứng khoán lớn, năm 2016, Vinamilk đạt khoảng 47.000 tỷ doanh thu và 10.000 tỷ lợi nhuận sau thuế, gấp 12 lần và 20 lần so với doanh thu và lợi nhuận của năm 2005.

Một doanh nghiệp cũng có mức tăng trưởng vô cùng ấn tượng sau cổ phần hóa là Cty CP Giống cây trồng Trung ương (Vinaseed) với doanh thu tăng 20 lần, lợi nhuận tăng 40 lần, tổng tài sản tăng 22 lần, vốn chủ sở hữu tăng cả chục lần sau khi cổ phần hoá từ năm 2003 đến năm 2015. Hiện tại, đây là doanh nghiệp giống cây trồng số 1 tại Việt Nam.

Không đâu xa, hai doanh nghiệp lớn của nhà nước hoat động khá trì trệ nhiều năm qua là Vinatea và Vilico sau khi cổ phần hóa, được GTNFOODS đầu tư, cải tổ ngay lập tức làm ăn có hiệu quả rõ nét. Rất nhiều doanh nghiệp, công ty con làm ăn thua lỗ triền miên tại hai tổng công ty này đã bắt đầu báo lãi.

Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch HĐQT Vinatea Lại Cao Lê cho biết, toàn bộ số chè tồn kho do khủng hoảng năm 2014 và 2015 hiện đã được đơn vị cơ bản tiêu thụ hết. Bên cạnh đó, đơn vị đã ký kết được rất nhiều đơn hàng xuất khẩu cho các năm tiếp theo.

Vừa qua, GTNFOODS tổ chức một loạt sự kiện ra mắt bộ nhận diện thương hiệu và sản phẩm chè mang tầm quy mô quốc tế. Với quy trình chăm sóc, thu hái, chế biến, bảo quản, đóng gói hoàn toàn mới, GTNFOODS đang đưa chè của Việt Nam đến với những thị trường cao cấp hơn.

Có một điểm chung dễ nhận thấy khi GTNFOODS sở hữu Vinatea và Vilico là bộ máy được rút gọn, tinh giản tối đa. Bên cạnh đó, người trẻ được tin tưởng và trao cơ hội. Hiện tại, hầu hết lãnh đạo của công ty mẹ và các công ty thành viên của Vinatea, Vilico đều thuộc thế hệ 7x và 8x, điều ít khi xảy ra khi còn là doanh nghiệp nhà nước.

Một số chuyên gia nông nghiệp cho rằng, ngành nông nghiệp có dấu hiệu chững lại trong năm vừa qua một phần do bất thuận của thời tiết, thiên tai, nhưng sâu xa đó chính là cái ngưỡng của mô hình nông nghiệp do nông dân quản lí, mô hình doanh nghiệp nhà nước chi phối.

Về lâu dài, chúng ta không thể lấy giá rẻ để cạnh tranh trên thị trường quốc tế mà phải dùng chất lượng sản phẩm làm đối trọng. Trong khi đó, điểm yếu lớn nhất của doanh nghiệp nông dân và doanh nghiệp nhà nước hiện nay chính là mô hình quản trị, bộ máy vận hành lỗi thời, quy mô vừa và nhỏ hoạt động tương đối hiệu quả, song phát triển lên quy mô lớn ngay lập tức gặp “trục trặc kỹ thuật”, đổ vỡ hệ thống.

Do đó, nhìn ở góc độ phát triển lâu dài, bền vững, ngành nông nghiệp hứa hẹn tương lai vô cùng tươi sáng bởi không chỉ thu hút được dòng tiền lớn, những tiến bộ khoa học công nghệ hiện đại mà còn được thừa hưởng những mô hình quản trị doanh nghiệp ưu việt nhất.

Bởi không gì khác, chính quản trị mới là điều kiện cần và đủ để doanh nghiệp Việt vươn tới đẳng cấp toàn cầu.

Bởi không gì khác, chính quản trị mới là điều kiện cần và đủ để doanh nghiệp Việt vươn tới đẳng cấp toàn cầu.

Việc cổ phần hóa các doanh nghiệp nông nghiệp thời gian qua được các chuyên gia đánh giá mang lại hiệu quả vô cùng tích cực cho nền kinh tế.

Đầu tiên là sự minh bạch thông tin, điều quan trọng hàng đầu và bắt buộc với các doanh nghiệp khi niêm yết trên sàn chứng khoán.

Điểm tích cực thứ hai chính là yêu cầu, đòi hỏi việc quản trị vận hành doanh nghiệp luôn đạt ở cấp độ cao nhất do sức ép từ phía các cổ đông, trong đó có rất nhiều cổ đông nước ngoài...

 

Theo NGUYÊN HUÂN (nongnghiep.vn)
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 193
Tổng truy cập: 38564074