Cam VietGAP Văn Chấn ngày càng có nhiều nhà vườn hưởng ứng (03/01/2017)

Để thay đổi tập quán canh tác, hướng tới nền sản xuất an toàn giúp cam Văn Chấn vươn tới những thị trường lớn, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Yên Bái đã xây dựng mô hình cam VietGAP…


Cán bộ Chi cục QLCLNLS và TS trao đổi với ông Nguyễn Minh Nhiệm (phải) về canh tác cam theo tiêu chuẩn VietGAP

Huyện Văn Chấn hiện có 1.300ha cam, quýt các loại. Đây là vùng cây ăn quả tập trung lớn nhất tỉnh Yên Bái. Để thay đổi tập quán canh tác, hướng tới nền sản xuất an toàn giúp cam Văn Chấn vươn tới những thị trường lớn, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Yên Bái đã xây dựng mô hình cam VietGAP…

Vùng cam Văn Chấn được hình thành gần 20 năm nay, bắt đầu từ thị trấn Nông trường Trần Phú rồi lan ra các xã xung quanh. Điều không ngờ là cây cam lại phù hợp với vùng đất được mệnh danh là “thủ phủ” của cây chè Văn Chấn, giá cam gấp 3 - 4 lần giá chè. Điều đó đã khuyến khích người dân phát triển cây cam một cách mạnh mẽ, từ một vài hộ trồng nhỏ lẻ đã lan rộng ra các xã xung quanh.

Đến nay 9 xã vùng ngoài: Nghĩa Tâm, Minh An, Thượng Bằng La, Cát Thịnh, Chấn Thịnh, Tân Thịnh, Đại Lịch, Bình Thuận và thị trấn nông trường Trần Phú đều trồng cam. Với tổng diện tích 1.300ha, trong đó có 800ha cho thu hoạch, năng suất 12 - 15 tấn/ha, nhiều hộ năng suất đạt trên 20 tấn/ha, sản lượng 8.000 tấn, doanh thu trên 200 tỷ đồng. Nhờ trồng cam mà nhiều hộ đã thoát khỏi đói nghèo trở thành tỷ phú, thu nhập bình quân từ vườn cam từ 500 - 800 triệu/năm.


Cam VietGAP quả sai và mọng

Thị trấn nông trường Trần Phú từ “thủ phủ” của cây chè, nay trở thành “thủ phủ” của cây cam với 495ha, không một mảnh đất nào trống, cây cam đang lấn át cây chè. Tiếp đến là xã Thượng Bằng La với khoảng 400ha, tại đây đã xuất hiện những làng tỷ phú cam, thu nhập mỗi năm từ 500 - 800 triệu không còn quá khó đối với họ.

Để giúp vùng cam Văn Chấn hướng tới thị trường lớn bằng sản phẩm cam an toàn, năm 2015 Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Yên Bái đã chọn thôn Thiên Tuế để xây dựng mô hình cam VietGAP.

Ông Nguyễn Minh Nhiệm, trưởng nhóm Tổ hợp tác chuyên canh cam Thiên Tuế cho hay: "Khi Chi cục quản lý chất lượng đặt vấn đề xây dựng mô hình cam VietGAP, quả thật chúng tôi rất băn khoăn, chưa hiểu VietGAP như thế nào. Sau khi được giải thích quy trình sản xuất cam VietGAP là sử dụng các loại thuốc BVTV trong danh mục, thời gian cách ly, sử dụng các loại phân bón… thì chúng tôi nhận thấy mình có thể làm được. Đây là cơ hội để chúng tôi tiếp cận với những tiến bộ KHKT, sản xuất ra những sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng…".


Giới thiệu cam Văn Chấn với khách hàng

Thôn Thiên Tuế có 90 hộ trồng cam, tổng diện tích 150ha, số hộ tham gia Tổ hợp tác chuyên canh cam Thiên Tuế có 26 thành viên, đang canh tác 65ha cam sành, cam Vinh, cam chanh, cam Canh, quýt chum, quýt sen, quýt Thái… trong đó chủ yếu là cam sành và cam Canh chiếm 3/5 diện tích. Diện tích cho thu hoạch trên 28ha, tổng sản lượng của tổ đạt 420 - 450 tấn/năm, nhiều nhất là cam sành 240 tấn, cam canh 120 tấn. Tổng thu nhập năm 2014 là 6 tỷ đồng, năm 2015 là 7 tỷ, dự kiến năm 2016 khoảng 7,5 tỷ.

Nhiều thành viên trong Tổ hợp tác có diện tích cam lớn, như các gia đình các ông Trần Ngọc Bích 7ha, Vũ Đức Oản 2,5ha, Vũ Như In 3,5ha…, thu nhập của các hộ này từ 800 triệu đồng đến 1,2 tỷ đồng mỗi năm.

Năm 2015 có 5 hộ tham gia trồng cam VietGAP, đó là gia đình các ông: Nguyễn Minh Nhiệm, Vũ Đức Oản, Vũ Như In, Đỗ Văn Thắng, Bùi Quốc Thịnh, diện tích 6,4ha. Tuy nhiên, theo ông Nhiệm: "Chúng tôi đăng ký canh tác cam VietGAP chỉ có 6,4ha, nhưng thực tế đang canh tác trên 10ha. Cùng một đồi cam, không thể phân chia chỗ này canh tác theo VietGAP, chỗ kia canh tác theo phương pháp truyền thống. Nếu như thế sẽ bất lợi, sâu bệnh phát triển ảnh hưởng tới chất lượng quả. Ví như gia đình ông Vũ Như In có diện tích cam 3,5ha, trong khi đó diện tích đăng ký VietGAP chỉ 1ha. Vậy ông phải đưa toàn bộ diện tích cam của gia đình sản xuất VietGAP...".


Quầy hàng cam VietGAP trong ngày Văn Chấn đón nhận nhãn hiệu “Cam Văn Chấn”

Ông Nhiệm cho hay, sản xuất cam VietGAP không quá khó như ban đầu ông nghĩ, đó là tuân thủ quy trình canh tác từ khâu làm đất, bón phân hữu cơ hoai mục, sử dụng thuốc BVTV có trong danh mục, không mua thuốc trôi nổi và sử dụng tràn lan, thời gian cách ly từ 14 ngày trở lên. Ngoài ra dùng bả sinh học để diệt các loại côn trùng gây hại, tỉa cành để tăng ánh sáng cho quả, khiến cho màu quả đẹp hơn… Đó là những yêu cầu các hộ sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP tuân thủ nghiêm ngặt.

Thăm vườn cam VietGAP của các gia đình ở đây, chúng tôi thấy quả cam mọng, màu sắc không rực rỡ như vườn cam lạm dụng thuốc BVTV, nhất là ăn đậm và ngon hơn các loại cam khác.

Một số siêu thị ở Hà Nội, Hải Phòng và các thành phố lớn đã đặt mua cam VietGAP của Tổ hợp tác chuyên canh cam Thiên Tuế phục vụ khách hàng từ nay đến Tết, với yêu cầu cung cấp đầy đủ giấy tờ và chứng nhận của cơ quan có thẩm quyền.

Ông Nguyễn Thế Sự, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Yên Bái:

"Chúng tôi xây dựng mô hình sản suất cam theo tiêu chuẩn VietGAP ở vùng cam Văn Chấn, ban đầu chỉ có 5 hộ tham gia. Nhưng “tấm vé” VietGAP đã giúp cho sản phẩm của họ đi xa, đến được các thị trường lớn, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng ngày một khắt khe.

Để đảm bảo an toàn của sản phẩm, thì người trồng cam không thể canh tác theo lối lạm dụng thuốc BVTV, mà phải sản xuất theo yêu cầu của người tiêu dùng. Chắc chắn trong những năm tới sẽ có nhiều hộ tham gia sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Chỉ có vậy vùng cam Văn Chấn mới phát triển và tồn tại…

Theo THÁI SINH (nongnghiep.vn)
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 144
Tổng truy cập: 39349354