Những 'bệ phóng' của ngành chăn nuôi 2016 (02/01/2017)

Được đánh giá là lĩnh vực chịu nhiều tác động bất lợi khi Việt Nam gia nhập các hiệp định thương mại, tuy nhiên năm 2016, chăn nuôi là ngành vẫn tiếp tục giữ được đà tăng trưởng ấn tượng...

Được đánh giá là lĩnh vực chịu nhiều tác động bất lợi khi Việt Nam gia nhập các hiệp định thương mại, tuy nhiên năm 2016, chăn nuôi là ngành vẫn tiếp tục giữ được đà tăng trưởng ấn tượng với mức tăng dự báo trên 5,6%. Không chỉ vững vàng trước sóng gió, chăn nuôi Việt Nam đang sẵn sàng tâm thế vươn ra thị trường quốc tế.

Trao đổi với NNVN, ông Hoàng Thanh Vân (ảnh), Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) đã điểm lại những điểm sáng có tính chất bệ đỡ giúp ngành chăn nuôi tiếp tục vươn lên mạnh mẽ trong năm 2016.

Nhảy vọt chất lượng giống lợn

2016 là năm đã ghi nhận những sự chuyển biến nhảy vọt về cơ cấu đàn vật nuôi thuộc tất cả các đối tượng gia súc, gia cầm theo hướng SX hàng hóa và giá trị gia tăng cao, theo đúng những định hướng và đề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi đã bước đầu triển khai.

Đối với chăn nuôi lợn, thành công trước hết phải kể tới công tác quản lí, nâng cao chất lượng đàn giống. Cụ thể về đàn lợn đực giống, nối tiếp chương trình quản lí lợn đực giống đã triển khai từ năm 2015, đến cuối 2016, hầu hết các tỉnh đã tiến hành cơ bản xong việc đánh số, đeo thẻ tai cho lợn đực giống, loại thải những con không đạt yêu cầu.

Chất lượng đàn lợn đực theo đó đã tăng lên rõ rệt, giảm mạnh số lợn đực nhảy trực tiếp, số lượng lợn nái thụ tinh nhân tạo theo đó cũng đã tăng rất mạnh (theo đánh giá năm 2016 đã tăng khoảng 20% lượng lợn nái thụ tinh nhân tạo). Đây là một con số rất lớn giúp tăng được chất lượng đàn lợn giống trong nước.


Năm 2016, chất lượng giống vật nuôi đã có những đột phá vượt bậc, nhất là giống lợn

Bên cạnh đó, số lượng lợn giống chất lượng cao NK trong năm 2016 đã tăng đột biến. Theo thống kê tới cuối tháng 12/2016, cả nước đã NK về khoảng 8.000 con lợn cụ kỵ và ông bà, tăng tới 270% so với số lượng trung bình hàng năm (trung bình chỉ xoay quanh khoảng 3.000 con/năm).

Trong đó, các giống lợn NK về đều là cụ kỵ, ông bà có chất lượng rất cao, chủ yếu từ các nước có nền chăn nuôi lợn tiên tiến nhất trên thế giới hiện nay như Đan Mạch, Mỹ, Canada, một phần của Úc và Thái Lan. Nhờ cải thiện được lợn giống, năm 2016 mặc dù tổng đàn nái cả nước nhìn chung tăng không nhiều, tuy nhiên số lượng lợn sinh sản tăng rõ rệt, đặc biệt số lợn con sinh ra/lứa theo đánh giá trong năm 2016 đã tăng thêm xấp xỉ 2 con/nái. Nếu tính bình quân cả nước hiện dao động khoảng 3,8 - 4,2 triệu lợn nái, với mỗi nái tăng thêm khoảng 1,7 con/nái/năm, cả nước đã tăng thêm 7 triệu lợn con.

Trong đó, một số DN đã có nái cao sản đạt trung bình 30 con/nái/năm (so với mức cao nhất 28 con/năm của năm 2015). Với sự gia tăng và cải thiện đàn giống, theo đánh giá của cơ quan thống kê, năm 2016 cả nước đã tăng được khoảng 5% tổng đàn lợn, sản lượng tăng khoảng 6%.

Đột phá cơ cấu, chất lượng bò thịt, gia cầm

Về đàn bò, nếu như năm 2015, cả nước còn NK tới gần 300 nghìn con bò thịt nguyên con từ Úc và các nước thì năm 2016, con số này đã giảm rất mạnh. Thay vào đó, nhiều DN đã bắt đầu NK các giống bò đực chất lượng cao về nước để trực tiếp cải tạo năng suất, chất lượng đàn bò thịt trong nước.

Theo thống kê đến hết 2016, các DN đã NK về nước 35 con bò đực giống, với các giống bò thịt chất lượng tốt hàng đầu thế giới như BBB, Red Angus, Droughtmaster, Brahman. Hiện một số con bò đực giống NK về đã cho thu hoạch tinh dịch, đưa ra thị trường và được người chăn nuôi đón nhận, đánh giá rất cao.

Năm 2016, thống kê cho thấy cả nước cũng đã NK khoảng trên 2 triệu liều tinh, trong đó chủ lực là tinh bò sữa, tinh phân li giới tính và tinh bò thịt chất lượng cao từ các nước phát triển. Điều này cho thấy công tác cải tạo, nâng cao tầm vóc và chất lượng đàn bò thịt trong năm 2016 đã và đang có những đột phá mới, được nhiều địa phương quan tâm và dành các chính sách hỗ trợ, nhất là hỗ trợ tinh dịch chất lượng cao theo Quyết định 50/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ cho chăn nuôi nông hộ.

Chăn nuôi gia cầm năm 2016 tiếp tục giữ đà tăng trưởng khá, với mức tăng tổng đàn khoảng 5,5% (tương đương khoảng 350 - 360 triệu con gia cầm thường xuyên có mặt, trong đó chủ lực là gà, vịt từ 85 - 90 triệu con). Nhìn chung, đàn gia cầm vẫn đang có xu hướng tăng mạnh qua hàng năm và chưa thấy có dấu hiệu dừng lại.


Năm 2016, gà lông màu tiếp tục áp đảo thị trường gia cầm Việt Nam

Điều đặc biệt, đó là đã và đang có sự chuyển dịch cơ cấu rất mạnh từ gà lông trắng sang gà lông màu, năm 2015 tăng 18,7% và năm 2016 tiếp tục tăng 15% đàn gà lông màu, đưa tổng đàn gà lông màu cả nước chiếm xấp xỉ 70% (thay cho tỉ lệ trước đây là 60% lông trắng và 40% lông màu).

Điều này phản ánh nhu cầu tiêu dùng trong nước hiện nay gà lông màu đang ngày càng chiếm ưu thế, không những thế, giá gà lông màu lúc nào cũng cao hơn từ 1,7 đến 2 lần, thậm chí cao gấp 3 lần so với gà lông trắng.

Một điểm đổi mới rõ rệt nhất trong chăn nuôi gia cầm 2016 của gà lông màu, đó là hầu hết nguồn giống đều đã được chủ động nghiên cứu, SX tới 90%, với rất nhiều các DN trong nước tự nghiên cứu SX như Cty Dabaco, Minh Dư, Phùng Dầu Sơn… Một số tập đoàn nước ngoài như Japfa Comfeed, C.P trước đây từng là trùm nuôi gà lông trắng thì nay cũng đang chuyển sang nuôi gà lông màu.

Đánh sập chất cấm

Cùng với tình hình dịch bệnh được khống chế, giá các sản phẩm chăn nuôi khá ổn định, năm 2016, việc cơ quan chức năng triệt để ngăn chặn được chất cấm và bước đầu đưa kháng sinh vào khuôn khổ quản lí được xem là bệ đỡ giúp ngành chăn nuôi tiếp tục duy trì được sự phát triển theo hướng bền vững.

Tiếp tục cuộc “tuyên chiến” với chất cấm trong chăn nuôi đã được triển khai từ năm 2015, năm 2016, Cục Chăn nuôi phối hợp với Thanh tra Bộ NN-PTNT và với C49 (Bộ Công an) đã tiếp tục duy trì mạch tấn công mạnh mẽ, tập trung vào hàng loạt cuộc thanh tra, kiểm tra đột xuất, kết hợp với điều tra, trinh sát của cơ quan công an.

Riêng Cục Chăn nuôi đã chủ trì 13 cuộc thanh kiểm tra, trong đó có những vụ đột xuất, xử phạt mạnh tay với nhiều tỉ đồng tiền phạt. Đến cuối năm 2016, tình hình chất cấm trong chăn nuôi có thể nói đã được ngăn chặn, nhiều điểm nóng trước đây không còn phát hiện.


Ngành chăn nuôi đang chuẩn bị những điều kiện để sẵn sàng XK các sản phẩm chăn nuôi sang một số thị trường trong năm 2017; trong ảnh là hoạt động chế biến thịt gà tại Cty C.P Việt Nam

Đối với kháng sinh trong chăn nuôi, năm 2016, Cục Chăn nuôi đã tham mưu, trình Bộ NN-PTNT ký Thông tư 06/2016/TT-BNNPTNT ban hành danh mục, hàm lượng kháng sinh được phép sử dụng trong thức ăn chăn nuôi (TĂCN).

Theo đó, đã rút được số lượng các loại kháng sinh được phép sử dụng trong TĂCN từ 42 loại xuống chỉ còn 15 loại, giảm cả về số lượng các loại kháng sinh kích thích sinh trưởng lẫn hàm lượng tối đa cho phép trong TĂCN (trung bình giảm 50% về hàm lượng so với trước đây). Đối với kháng sinh phòng trị bệnh, trước đây vẫn cho phép đưa vào TĂCN để phòng trị bệnh gia súc gia cầm, và hầu hết các nhà máy TĂCN trước đây đều cho vào TĂCN. Tuy nhiên tới đây, cũng sẽ tiến tới cấm việc đưa các loại kháng sinh phòng trị bệnh vào TĂCN.

Với động thái này, ngành chăn nuôi đã và đang bước đầu cụ thể hóa mục tiêu dần tiến tới một nền chăn nuôi sạch, an toàn. Dĩ nhiên là trong giai đoạn chuyển tiếp từ một nền chăn nuôi bị động, lệ thuộc vào kháng sinh sang một nền chăn nuôi không sử dụng kháng sinh trong TĂCN sẽ khá vất vả, và có nhiều ý kiến, quan điểm khác nhau. Tuy nhiên tinh thần chung của cả xã hội là đồng thuận cao về chủ trương, và chăn nuôi sẽ phải tiến dần tới an toàn sinh học là điều tất yếu.

Về bò sữa, tính tới cuối 2016, thống kê cho thấy tổng đàn bò sữa cả nước đã cán mốc hơn 297 nghìn con, cơ bản cán đích so với quy hoạch tới năm 2020 theo đề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi là 300 nghìn con.

Sản lượng sữa theo đó cũng tăng 13,6%, đạt xấp xỉ 900 nghìn tấn (so với mục tiêu 1 triệu tấn tới năm 2020). Sản phẩm sữa của Việt Nam năm 2016 đã XK được tới 13 quốc gia trên thế giới, chủ yếu là của TH True Milk và Vinamilk.

Đặc biệt, chăn nuôi bò sữa trong năm 2016 đã ghi nhận việc bắt đầu chuyển sang đầu tư trang trại chăn nuôi ra nước ngoài.

Theo tiết lộ, hiện một DN bò sữa Việt Nam (giấu tên) đã đầu tư dự án chăn nuôi, chế biến sữa tại Liên bang Nga trị giá khoảng 1,7 tỉ USD (giai đoạn 1 khoảng 500 triệu USD).

Hiện đồng cỏ đã được trồng, nhà xưởng đã được xây, chuẩn bị đưa bò sang nuôi. Đây là tín hiệu rất tốt của chăn nuôi bò sữa, không chỉ chủ động từng bước sữa tươi nguyên liệu trong nước mà đang vươn ra thị trường quốc tế mạnh mẽ.

 LÊ BỀN (ghi)

Theo nongnghiep.vn
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 133
Tổng truy cập: 39349354