Tỷ phú vùng đồi với trang trại chăn nuôi bài bản (11/01/2017)

Hiếm ai ở thôn 4 (còn gọi là đội 4) xã Hoàng Hoa, huyện Tam Dương (Vĩnh Phúc) có cơ ngơi đáng nể như Bùi Văn Thịnh.


Trang trại bề thế của ông Thịnh

Dường như tỉnh táo ngay từ thời đất nước còn khó khăn, cái nhọc nhằn thời bao cấp, Bùi Văn Thịnh đã sớm có một cơ ngơi ngay tại vùng bán sơn địa này. Với hơn 3 mẫu đất, ông tạo dựng thành một trang trại VAC (vườn - ao - chuồng) theo đúng nghĩa đen của nó. Có vườn. Có ao. Có chuồng. Vườn đang đầu tư trồng bưởi (chủ yếu bưởi Diễn). Ao xây bờ bê tông, nuôi cá rô phi. Chuồng có cả bò, lợn, gà.

Gần đây, ông tập trung vào lợn và gà. Lợn gồm lợn nái và lợn thương phẩm. Lợn nái đẻ ra lợn con. Tiếp tục nuôi lợn con đến lúc xuất chuồng. Ông hiện có 12 lợn nái. Mỗi năm đẻ 2 lứa, trung bình 20 lợn con. Vậy mỗi năm ông có 200 lợn con.

Hỏi vì sao ông không nhân rộng nuôi bò, vì chuồng chỉ có 2 con? Ông Thịnh cười, thủng thẳng: “Đơn giản là nuôi lợn lãi hơn bò. Lại mau thu hồi vốn”.

Tình cờ ông tiết lộ, kế hoạch năm 2017, có thể nuôi 50 lợn nái. Tổ chức nuôi cũi cho bớt diện tích. Tiến tới làm sàn cho lợn nái đẻ. Có sàn, cũng tiết kiệm diện tích hơn, dù làm sàn khá đắt (hơn 5 triệu đồng/sàn). Nhưng lợn con sinh ra được bảo đảm, tránh bị lợn mẹ dẫm chết.

Như vậy, ta có thể hình dung, từ chỗ nuôi lợn theo kiểu bán công nghiệp, ông Thịnh sẽ dần chuyển sang nuôi công nghiệp, với quy mô hoành tráng. Ngoài bò, lợn, ông Thịnh cũng tập trung “chuyên sâu” vào việc nuôi gà. Lần trước tôi đến, ông Thịnh có hơn 8.000 con gà. Nuôi nhốt chuồng và nuôi thả vườn. Cách vài tháng sau, tức là cuối năm 2016 tôi đến, bỗng thấy vắng hẳn. Ông Thịnh bảo, chỉ còn hơn nghìn con. Tôi giật mình, chả lẽ gà ông bị dịch? Ông Thịnh tủm tỉm: “Bán vãn rồi”. “Sao bán nhanh thế?” “Thì vài xe ô tô đến, là bắt vãn thôi mà”.

Thì ra thế. Chăn nuôi bây giờ sướng thật. Chả phải đi đâu. Cứ ngồi ở nhà rung đùi. Thức ăn, có người chở đến tận nơi. Đến tuổi xuất chuồng, có người “đánh” ô tô đến bắt tận chuồng. Giá cả thỏa thuận, mà cũng chẳng ai ép ai. Cái câu: “Bị thương lái ép giá” đã “Xưa rồi, Diễm ơi!”.


Chăn nuôi trong trang trại

Theo Bùi Văn Thịnh, ông chỉ nhận mình, là gã nông dân chân đất, mà luôn từ chối cái danh hiệu chúng tôi đặt cho ông, là “tỷ phú vùng đồi”. Nhưng chúng tôi đã quen với các nông dân ngày nay, dù kiếm được bạc tỷ, họ cũng không nói ra đâu. Cái giống nhau ở các nông dân làm trang trại, là không bao giờ nói thật thu nhập của mình. Chẳng sao. Thì cứ nhẩm tính với trình độ toán học lớp 4, cũng có thể hình dung ra trừ chi phí, họ lãi ròng được bao nhiêu. Thành ra, cứ có tiền là… tiêu thôi, như ông Thịnh nói.

Ông Vũ Đại Phong, Chủ tịch UBND xã Hoàng Hoa cho biết, đại đa số nông dân có trang trại ở xã ông là sản xuất tự phát. Nhưng họ làm bài bản, có phương pháp khoa học. “Là một xã miền núi, vào loại xã nghèo của huyện. Nhưng chúng tôi đang phấn đấu thoát nghèo trong thời gian ngắn. Và, một trong những biện pháp thoát nghèo, chính là chăn nuôi”, ông Phong khẳng định.

 

Theo ĐỖ BẢO CHÂU (nongnghiep.vn)
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 173
Tổng truy cập: 39349354