Sản vật trong khu trang trại của Hai Rô
Cách trung tâm thành phố Bạc Liêu chỉ vài km, bà con vẫn trung thành với cây lúa một vụ không mấy hiệu quả, nhưng ông Hai Rô (Đặng Anh Rô, ấp Vĩnh An, xã Vĩnh Trạch, TP Bạc Liêu) lại biến chất đất cằn cỗi nơi đây thành khu vườn màu mỡ. Ông Hai Rô cầm vòi nước xối chuồng heo, nở nụ cười tươi rói chào chúng tôi. Ở cái tuổi 60 lão nông vẫn còn rất nhanh nhẹn. Ông tiến hành mọi công đoạn như những người thợ rành nghề, chẳng mấy chốc 20 chuồng heo rừng lai được tưới dọn sạch sẽ.
Đưa khách đi dạo một vòng quanh khu vườn, ông Hai Rô giới thiệu nào khu nuôi heo, khu trồng chuối, khu nhà ở, ao nuôi cá... Sự cởi mở, thoải mái của chú đã làm bầu không khí trở lên cởi mở, thoải mái.
Hàng ngày lão nông Hai Rô chăm bẵm đàn heo rừng
Đưa chúng tôi men theo những tuyến đường do ông làm, lão nông kể, năm 2005 nơi đây chưa có đường lộ, giá trị đất còn thấp ông mua 1ha lên líp trồng xoài. Hàng tuần, hai vợ trồng ông tranh thủ ngày nghỉ về vườn làm cỏ, chăm bón và thu hoạch. Trên những con đường nhỏ nhắn hiện nay chỗ nào cũng từng in những bước chân của cặp vợ chồng già. Ông nhớ nhất việc lặn lội trên con đường đất đen, nhiều lần té ngã bổ nhào do mang những bao xoài đi bán.
Thấy hiệu quả, vợ chồng ông tích góp mua thêm đất cát, nhưng công việc nhà nước cũng lu bu, cây xoài lại đòi hỏi công chăm sóc nhiều nên ông quyết định đầu tư trồng cây khác. Lão nông đã bày sẵn bảng quy hoạch trong đầu, quyết định phát triển kinh tế trang trại theo mô hình V-A-C.
Lão nông vừa hoàn thành 3 ao mới để hoàn thiện mô hình V-A-C
Vốn gốc Bến Tre, rất am hiểu giá trị cây dừa nên ông Hai Rô đã đầu tư trồng gần 1.000 gốc quanh vườn nhà. Phần đất tại cổng ra vào ông dành 1ha để trồng chuối. Hiện tại, hai loại cây ăn trái sạch tự nhiên này cho gia đình ông nguồn thu khoảng 15 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên, với trí tuệ của mình, vườn chuối đâu phải chỉ để lấy trái, ông còn nghĩ đến việc tận dụng cả thân và lá khi thu hoạch. Chính vì vậy mấy năm qua, lão nông Hai Rô đã đầu tư nuôi heo rừng. Từ 5 con heo giống, ông đã nhân ra được 20 con. Với mục đích hình thành trang trại heo rừng ngay tại trung tâm thành phố, lão nông đang tiếp tục tăng đàn. Ông cũng đã kịp bán một số heo đực giống để hoàn vốn.
Đi dạo quanh một vòng khu vườn, chúng tôi cũng đã thấm mệt. Ông Hai Rô rảo bước đưa chúng tôi về khu nhà ở của gia đình. Hiện ra trước mắt chúng tôi một không gian trong mơ. Đứng từ con đường chính 30/4, chúng tôi tiến bước qua cây cầu gỗ nối vào căn nhà. Nổi bật lên trong nắng sớm là sắc thắm của những bông súng Đà Lạt hé nở trong ao cá trước nhà. Trên bờ bao những hàng dừa thẳng tắp, sum xuê trái...
Khu trang trại khép kín cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm
Trong bữa cơm đãi khách với món cá tai tượng chiên xù, cá chim kho lạt chấm bông súng, gà hầm sả. Không có thứ gì phải đi mua, mỗi món một vị đều được lấy từ mảnh vườn của gia đình. Lão nông Hai Rô tiếp tục câu chuyện làm trang trại sạch của mình.
Để chuẩn bị cho đàn heo rừng, cách đây vài năm ông dành riêng một diện tích để trồng đước giữa vườn trái ngọt. Chỉ tay, bao quát một vùng phía Nam, lão nông nói: "Heo rừng sống ngoài tự nhiên, tập tính ở rừng. Để giữ được đúng chất thịt rừng mình phải nuôi trong điều kiện phù hợp nhất. Khi tăng đàn heo đúng theo kế hoạch, tui sẽ bao khu này lại. Xây chuồng bài bản, con nào đẻ thì cho vô chuồng, con nào nuôi lấy thịt thì cứ thoải mái tung hoành như trong môi trường sinh thái tự nhiên".
Ngay cả thức ăn của heo rừng cũng đã được Hai Rô chuẩn bị kỹ lưỡng. Hiện tại, ngoài nguồn chuối cây, lão nông đã có một ao lục bình (bèo tây) với diện tích khoảng 3 công đất để heo rừng thay đổi khẩu vị. Ông cũng đã múc thêm 3 ao lớn với diện tích khoảng 1ha để thả bèo, chuẩn bị thức ăn cho lứa heo tăng đàn.
Dưới những ao này, ông Hai Rô đang đầu tư thả nuôi cá bống tượng. “Cây lục bình thả nuôi ở mức độ vừa phải sẽ giúp cải tạo nước trong ao, lại là nguồn thức ăn cho heo rừng. Những ao nuôi cá trước đây tui đã chủ động nguồn cá nhỏ, là thức ăn của cá bống tượng. Cây dừa ngoài hiệu quả kinh tế còn giúp giữ đất, tạo bóng mát cho ao cá. Tất cả các đối tượng nuôi, trồng trong mô hình đều hỗ trợ nhau. Ở ngay cạnh trung tâm thành phố tui không lo về đầu ra, đặc biệt là sản phẩm sạch", lão nông Hai Rô chia sẻ.
Mô hình V-A-C của ông Hai Rô tuy chưa hoàn thiện nhưng ước đã cho thu nhập vài trăm triệu đồng mỗi năm. Bằng cái đầu của nhà khoa học, cùng đam mê nông nghiệp, lão nông đã không ngại khó khăn, kiên trì học hỏi để đầu tư một cách bài bản. Mới chỉ có hơn 10 năm kinh nghiệm sản xuất, nhưng kiến thức, thành công của ông khiến nhiều người phải nể phục.
|