Người nuôi tôm được Bộ trưởng khen (18/01/2017)

Chưa từng một lần thất bại sau 15 năm chuyển đổi từ độc canh cây lúa sang nuôi quảng canh tôm – lúa, lão nông Mai Văn Thiền được Bộ trưởng Bộ NN-PTNT tặng bằng khen vì đã thực hiện tốt mô hình sản xuất giỏi.

Tiên phong chuyển đổi

Phải mấy lần hẹn tôi mới gặp được ông Mai Văn Thiền (Năm Thiền, sinh năm 1947), người nuôi tôm – lúa nổi tiếng ở vùng U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang. Bởi lý do “ông không thích lên mặt báo” nên cứ nghe nhà báo hẹn là ông lại tìm cách thoái thác.


Với thành tích nhiều năm thực hiện xuất sắc mô hình nuôi tôm - lúa, ông Năm Thiền đã được Bộ trưởng Bộ NN-PTNT tặng bằng khen (trong ảnh: Ông Năm Thiền đang thăm ruộng lúa – tôm của gia đình)

Nhà ông Năm Thiển ở ấp Tám Xáng 2, xã Thuận Hòa, huyện An Minh. Con kênh thứ Tám được nối liền với quốc lộ bằng cầu treo, đường vào kênh bên tráng nhựa, bên đổ bê tông theo tiêu chuẩn nông thôn mới, xe ô tô vào đến tận sân nhà dễ dàng. Nhà Năm Thiền cất kiên cố với mái hiên rộng, nội thất đồ gỗ sang trọng. Trước sân là vườn cây kiểng được chăm chút, cắt tỉa đẹp mắt với những gốc mai vàng cổ thụ đang đơm bông chào đón mùa xuân.

Năm Thiền tiếp tôi một cách khá thiên cưỡng. Nhưng khi biết tôi đã từng về vùng này viết bài, quen biết với những người làm trong ngành nông nghiệp, ông bắt đầu cởi mở, trải lòng.

Vừa uống trà, Năm Thiền vừa nhớ lại: “Cách đây hơn 15 năm, trong một lần đến thăm nhà bà con ở vùng Cà Mau – Bạc Liêu, thấy họ nuôi tôm trong ruộng lúa nên hỏi thăm về kỹ thuật. Sau đó, xin ít con tôm giống về thả thử trong ruộng lúa mùa vì ở An Minh thời điểm đó chưa ai nuôi tôm. Cuối vụ thu hoạch lúa, còn được một hai con tôm sống sót, đã lớn bằng cùm tay. Nghĩ vùng này nuôi tôm được nên bắt tay làm”.

Vừa làm vừa rút kinh nghiệm nên cái gì cũng khó khăn. Từ việc đào ruộng lên vuông đến chọn con giống, kỹ thuật nuôi… đều phải tự mày mò. “Khó khăn lớn nhất vùng này là làm sao giữ được nước vì đất rất xốp, chung quanh người ta làm lúa, nếu nhiễm mặn thấm qua gây thiệt hại thì có bán hết nhà cửa, ruộng vườn đền cũng không đủ. Vì vậy, phải mua bạt cao su chôn quanh bờ cho nước khỏi thấm mới dám đưa nước mặn vào thả tôm nuôi”, Năm Thiền nhớ lại những khó khăn ngày đầu chuyển đổi.

Vụ đầu tiên, do thả thưa và chưa có kinh nghiệm nên năng suất không cao nhưng bù lại bán được giá nên lãi gấp mấy lần làm lúa. Từ đó, Năm Thiền mạnh dạn đầu tư mở rộng toàn bộ diện tích đất nhà với 3,5 ha, trong đó có 2ha trồng lúa, còn lại là ao ương (vèo) và hệ thống kênh lắng nước.

Ông Nguyễn Văn Tùng, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện An Minh nhận xét: “Chú Năm Thiền là người tiên phong, mở ra nghề nuôi tôm lúa - ở địa phương. Khi ở đây chưa có ai làm, chú đã đi tiên phong, mạnh dạn đầu tư, tự mày mò làm và gặt hái thành công, tạo thành phong trào chuyển đổi, lan rộng, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế nông thôn”.

Thành công của Năm Thiền đã mở ra cơ hội chuyển đổi mô hình canh tác cho người dân địa phương, khi ngày càng có nhiều người học hỏi làm theo. So với độc canh cây lúa thì luân canh tôm – lúa mang lại thu nhập cao hơn hẳn mà lại thích nghi tốt hơn với tình hình biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn gia tăng.

Chưa từng thất bại

Mô hình nuôi tôm - lúa cho hiệu quả kinh tế cao nhưng nhiều rủi ro do dịch bệnh, thời tiết mưa, nắng bất thường. Nhưng những khó khăn này Năm Thiền đều vượt qua, 15 năm theo đổi mô hình này ông chưa một lần thất bại. Xác định chất lượng tôm giống chiếm đến 60 - 70% thành công của vụ nuôi, Năm Thiền có cách chọn tôm giống theo cách rất riêng của mình.

“Đừng tiếc tiền mua tôm giống chất lượng, khi mua phải chọn những cơ sở có uy tín. Quan sát kỹ từng bày tôm trong bể ương, bày nào vừa mắt, "qua" ngồi đợi một lúc rồi bất ngờ đứng lên, khi thấy bóng người, tôm sẽ phản sạ, nếu nhanh nhẹn là tôm khỏe. Khi mua cũng không nên bắt ngay mà đặt cọc rồi hẹn sáng nhưng chiều mới ra bắt. Vì thường tôm giống ở đây đều được nhập từ nơi khác về, cách xa hàng trăm cây số. "Qua" để một thời gian cho tôm quen với điều kiện thời tiết, khí hậu rồi mới mua về nuôi sẽ không bị sốc môi trường”, Năm Thiền chia sẻ kinh nghiệm.


Ông Năm Thiền là người tiên phong, mở ra nghề nuôi tôm – lúa, góp phần phát triển kinh tế nông thôn vùng U Minh Thượng

Cách nuôi tôm của Năm Thiền rất giống với mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn hiện nay. Tôm giống mua về Năm Thiền thả vào ao vèo, nuôi ương khoảng 1 tháng mới thả ra nuôi quảng canh trên diện rộng. Nhờ cách này, Năm Thiền rút ngắn được thời gian thả nuôi tôm trên diện ruộng, tăng lượt thả nuôi (3 đợt/năm), tăng tỷ lệ thành công (do tôm giống đã được ương vèo lớn, ít hao hụt).

Năm Thiền chia sẻ kinh nghiệm: “Quá trình ương vèo, nông dân có nhiều thời gian xử lý vuông nuôi tốt hơn. Thời gian thả nuôi trên diện rộng cũng ngắn hơn nên hạn chế được rủi ro dịch bệnh. Khi ương vèo, cần lưu ý không cho tôm ăn thức ăn công nghiệp quá nhiều. Nếu cho ăn quá đầy đủ, khi thả ra nuôi quảng canh, “tôm sẽ làm biếng” không chịu tìm thức ăn tự nhiên mà nằm một chỗ chờ rải mồi là thất bại, tôm chậm lớn”.

Năm Thiền ví nuôi tôm “cũng như chăm con nhỏ”, người nuôi phải hiểu rõ tính nết, khi trái gió trở trời là phải có cách xử lý ngay. Nhất là khi có mưa trái mùa, nhiệt độ thay đổi đột ngột hay những buổi chiều đứng gió, thiếu oxy trong nước, cần phải có cách xử lý kịp thời tôm mới không bị rớt.

Theo chú Năm Thiền: “Nếu quan niệm nuôi quảng canh tôm - lúa là 1 vụ tôm, 1 vụ lúa/năm là sai lầm. Cây lúa chỉ chiếm thời gian 3 - 4 tháng, còn lại là mùa nuôi tôm (từ cuối tháng 12 năm trước đến tháng 9 năm sau). Một mùa tôm, "qua" thả nuôi 3 vụ, ngoài ra còn đợt nuôi “con tôm ôm gốc lúa”. Tôm giống được ương vèo sẵn, chỉ khác với cách nuôi chính vụ là phải thuần nước ngọt thay vì nước lợ, khi nước trên ruộng lúa ổn định sẽ thả tôm vào nuôi. Đợt nuôi này thả thưa, sản lượng không nhiều nhưng bù lại tôm thu hoạch cỡ lớn, giá bán rất cao (do là vụ nghịch, hàng khan hiếm) nên thu nhập không thua gì những vụ chính”.

“Từ năm 2011 đến nay, Sở NN-PTNT Kiên Giang đã triển khai dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, xây dựng mô hình 1 vụ tôm - 1 vụ lúa ổn định tại vùng U Minh Thượng”, thuộc Chương trình Nông thôn – Miền núi do Bộ KH-CN làm chủ đầu tư.

Ông Năm Thiền là một trong những hộ tham gia dự án với vai trò là Tổ trưởng thực hiện mô hình. Qua thực hiện dự án, ông đã nắm bắt thêm về kỹ thuật và ứng dụng ngày càng thành công. Từ đó, ông đã áp dụng và mở rộng thêm vụ nuôi, trung bình thả 3 đợt nuôi/năm.

Với tổng diện tích 3,5ha, trong đó diện tích ruộng nuôi 2ha, mỗi năm hộ ông Năm Thiền thu hoạch khoảng 1,5 - 2 tấn tôm, cỡ 18 - 22 con/kg và khoảng 4 - 4,5 tấn lúa sạch hữu cơ. Tổng lợi nhuận mà gia đình ông thu được khoảng 250 - 300 triệu đồng mỗi năm từ mô hình tôm - lúa", ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang nhận xét.

Theo ĐÀO TRUNG CHÁNH (nongnghiep.vn)
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 150
Tổng truy cập: 39349354