Năm 2016 là năm nông nghiệp ĐBSCL vượt qua nhiều khó khăn chưa từng có, để lại không ít vết tích do thiên tai, hạn mặn, yếu kém nội tại và tác động từ bên ngoài của hội nhập, cạnh tranh để phát triển với những chuyển biến tích cực đáng ghi nhận, tạo đà tăng trưởng cho năm 2017 với nhiều thách thức mới đang ở phía trước.
Lúa gạo - sản phẩm chủ lực, truyền thống sụt giảm về tổng sản lượng, khối lượng và giá trị xuất khẩu để lại không ít “di chứng” cho bà con nông dân và doanh nghiệp kinh doanh lương thực
Lần đầu tiên trong nhiều năm tạo ra kỳ tích tăng trưởng sản lượng, 6 tháng đầu năm 2016, khu vực nông nghiệp, thủy sản cả nước “quay đầu” tăng trưởng âm 0,18%.
Trong đó, vùng nông nghiệp trọng điểm quốc gia ĐBSCL góp phần lớn làm nên “thành tích ngược” với mức âm 2%, mức thụt lùi hơn 11 lần so bình quân chung cả nước. Nhiều tỉnh, thành trong vùng tăng trưởng âm “chóng mặt” như Trà Vinh: 12,38%, Bến Tre: 6,79%, Kiên Giang: 6,49%, Hậu Giang: 4,65%; nhưng hầu hết đã đảo chiều tăng trưởng trở lại trong 6 tháng cuối năm.
Còn nhớ, cơn hạn trăm năm khốc liệt nhất trong lịch sử đã hoành hành "vựa lúa quốc gia" cùng với việc mất lượng nước lớn từ dòng Mê Kông, nước biển lấn sâu có nơi gần 100km vào nội đồng, xâm nhập mặn gây thiệt hại nhiều lĩnh vực kinh tế và đời sống người dân ĐBSCL.
10/13 tỉnh ở ĐBSCL đã công bố thiên tai, hơn 200.000ha lúa thiệt hại, 500.000ha lúa không xuống giống kịp thời vụ, một diện tích lớn vườn cây ăn trái, nuôi thủy sản bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hạn, mặn, thiên tai như một “cú đấm hội đồng”, gây nên tác động tiêu cực tích lũy cho khu vực nông nghiệp, nông thôn ĐBSCL; không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn làm mất sinh kế của người dân, để lại những di chứng xã hội nặng nề.
Nhưng cũng chính khu vực nông, thủy sản của vùng này, trong những tháng cuối năm 2016 đã vượt qua nhiều vết tích, bù lại mất mát, lấy lại đà tăng trưởng cả năm đạt 0,57%. Nếu chỉ nhìn con số, thì mức tăng này thấp hơn nhiều mức tăng 3,08% cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng trưởng 1,36% của cả nước. Xét trong cơ cấu kinh tế vùng, thì khu vực I (nông nghiệp) cũng tăng trưởng thấp nhất so với khu vực II (công nghiệp - xây dựng) tăng 11,05% và khu vực III (thương mại - dịch vụ) tăng 9,16%.
Nhưng nếu đặt ngành nông nghiệp, thủy sản ĐBSCL trong muôn vàn khó khăn, thì đây là sự nỗ lực rất lớn, nhiều ý nghĩa. Điểm chuyển biến tích cực cần ghi nhận là sự “tăng, giảm” cần thiết về giá trị, sản lượng, một chỉ dấu quan trọng cho cuộc “chuyển đổi lớn” của tái cơ cấu nông nghiệp vùng.
Tái cơ cấu nông nghiệp đang là đòi hỏi bức bách hơn là định ra các chỉ tiêu sản lượng nông sản như lâu nay chúng ta đã làm
Lần đầu tiên sau mấy mươi năm liên tục tăng trưởng sản lượng lúa, bình quân từ vài trăm ngàn đến 1 triệu tấn lúa/năm, thì năm 2016, sản lượng lúa gạo của vùng ĐBSCL đã giảm 1,38 triệu tấn. Tổng sản lượng lúa của vùng chỉ ở mức đạt 24,33 triệu tấn dẫn đến tổng sản lượng lúa quốc gia giảm 1,611 triệu tấn so năm 2015, chỉ đạt mức 43,604 triệu tấn, kéo theo xuất khẩu gạo cả nước (ĐBSCL chiếm hơn 90%) giảm 25,8% về lượng và 21,2% về giá trị, chỉ bằng 74,3% so năm trước với 4,883 triệu tấn, thu giá trị xuất khẩu gạo chỉ 2,2 tỉ USD.
Tuy nhiên, một số mặt hàng trái cây, thủy sản, chăn nuôi lại tăng. Thủy sản duy trì tốc độ tăng trưởng khá với sản lượng ước đạt 3,877 triệu tấn, tăng 2,63% so với cùng kỳ, chiếm 57,6% sản lượng thủy sản toàn quốc, trong đó sản lượng nuôi 65,4%. Trong đó, các sản phẩm cá tra, tôm thẻ chân trắng, tôm sú của vùng ĐBSCL là sản phẩm chủ yếu của cả nước. Sản lượng cá tra đạt 1,19 triệu tấn, tăng 4,18%; tôm sú: 250,9 ngàn tấn, tăng 2,04%; tôm thẻ chân trắng: 253,1 ngàn tấn, tăng 15,6% so với cùng kỳ.
Ngành trái cây của vùng với tổng diện tích khoảng 300.000ha đã có mức tăng trưởng nhanh chóng về sản lượng, nâng cao chất lượng và tăng kim ngạch xuất khẩu rau quả.
Ngành chăn nuôi trước sức ép mạnh mẽ của hội nhập, cạnh tranh ngay thị trường nội địa khi mở cửa cho các sản phẩm chăn nuôi của nước ngoài, năm qua đã được tổ chức lại sản xuất, phần lớn theo các mô hình trang trại, tập trung, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao nên năng suất và hiệu quả thay đổi rõ rệt, nhất là trong chăn nuôi lợn, gà và bò sữa. Tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của vùng ĐBSCL, trong đó chủ yếu là nông sản hơn 14,1 tỉ USD, tăng 18,44% so cùng kỳ năm trước.
Tích tụ đất đai, đầu tư khoa học công nghệ và nâng cao năng suất lao động động trong nông nghiệp gắn với thị trường bằng tư duy kinh doanh nông nghiệp là 4 vấn đề then chốt, “điểm tựa”
Lúa gạo - sản phẩm chủ lực, truyền thống sụt giảm về tổng sản lượng, khối lượng và giá trị xuất khẩu để lại không ít “di chứng” cho bà con nông dân và doanh nghiệp kinh doanh lương thực. Nhưng cùng với sự gia tăng đột biến của các mặt hàng rau quả, mức tăng khá của thủy sản... đã cho thấy những chỉ dấu quan trọng, tạo niềm tin để nông dân, doanh nghiệp và chính quyền đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, tự tin chuyển đổi từ sản xuất ra nhiều nông sản, sang làm ra nhiều giá trị gia tăng từ nông sản và nâng cao thu nhập từ kinh doanh nông nghiệp.
Năm 2016 cũng chứng kiến xu hướng ngày càng rõ hơn với sản xuất nông nghiệp quy mô lớn hơn, hợp tác liên kết theo chuỗi giá trị tiếp tục được nhân rộng. Cả nước có khoảng 337,4 nghìn ha sản xuất lúa theo mô hình “Cánh đồng lớn”, tăng khoảng 76 nghìn ha so với năm 2015.
Trong đó, chủ yếu là vùng ĐBSCL, theo số liệu của Bộ NN-PTNT, thì tổng diện tích “Cánh đồng lớn” ở ĐBSCL là đã có 250.000 ha. Toàn vùng hiện có 1.119 hợp tác xã nông nghiệp, thu hút 107.641 thành viên tham gia. Có 853 hợp tác xã thuộc các ngành hàng thủy sản, trái cây, lúa gạo, chiếm 76,3% tổng số hợp tác xã. Có 328 hợp tác xã trồng trọt, 136 hợp tác xã thủy lợi, 128 hợp tác xã thủy sản, 38 hợp tác xã chăn nuôi, 10 hợp tác xã lâm nghiệp và diêm nghiệp và 479 hợp tác xã dịch vụ tổng hợp.
TRẦN HỮU HIỆP
Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ