Để thực hiện nhiệm vụ này, năm qua, công tác đào tạo huấn luyện đã đồng bộ áp dụng một số biện pháp đổi mới nhằm nâng cao năng lực hệ thống khuyến nông.
Tập huấn canh tác lúa thông minh ứng phó biến đổi khí hậu ở Cần Thơ
Đào tạo giảng viên quốc gia: Đào tạo cán bộ khuyến nông nguồn (giảng viên cấp quốc gia) có đủ năng lực về nghiệp vụ khuyến nông và kỹ thuật chuyên ngành, mỗi tỉnh tối thiểu từ 2 - 3 giảng viên nòng cốt. Đội ngũ giảng viên này sẽ được bồi dưỡng, cập nhật kiến thức hàng năm nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo mới và sẽ là lực lượng chính đào tạo lại cho đội ngũ cán bộ khuyến nông cấp tỉnh và cấp huyện tại các địa phương. Năm 2016, Trung tâm KNQG đã đào tạo 300 lượt cán bộ khuyến nông quốc gia, số cán bộ này đã có khả năng đào tạo lại cho hệ thống cán bộ khuyến nông địa phương.
Đào tạo giảng viên TOT cấp tỉnh: Các lớp tập huấn này do Trung tâm KNQG phối hợp với Trung tâm Khuyến nông các tỉnh thực hiện, tập trung vào đào tạo nghiệp vụ khuyến nông, kỹ năng khuyến nông và tiến bộ kỹ thuật phục vụ tái cơ cấu ngành và xây dựng nông thôn mới. Nội dung kỹ thuật từng chuyên ngành bám sát nội dung tái cơ cấu cho từng lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp. Học viên tại các lớp tập huấn này là cán bộ khuyến nông tỉnh, huyện và cơ sở để đào tạo lại nông dân. Năm 2016, đã đào tạo được 9.000 lượt học viên trên toàn quốc, bình quân mỗi tỉnh đào tạo 5 lớp cho 150 lượt học viên.
Đa dạng hóa nội dung đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế sản xuất, các nội dung đào tạo: Các nội dung tập huấn về kỹ thuật thuộc tất cả các lĩnh vực nhưng ưu tiên các cây, con chủ lực, bám sát vào định hướng tái cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp để phát triển sản xuất quy mô lớn, tập trung gắn với thị trường trên cơ sở phát huy lợi thế các vùng, miền. Sản xuất theo hướng GAHP, VietGAP, sản xuất nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu.
Đào tạo nghiệp vụ, kỹ năng và phương pháp khuyến nông để cán bộ kỹ thuật trở thành giảng viên khuyến nông. Đào tạo phương pháp quản lý, cách triển khai và xây dựng dự án khuyến nông, phương pháp sử dụng công nghệ thông tin cho nhóm đối tượng sản xuất hàng hóa.
Đào tạo chuyển giao tiến bộ nông nghiệp công nghệ cao, chuyển giao kỹ thuật an toàn vệ sinh thực phẩm, tiêu chuẩn sản xuất VietGAP, tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa cho những nhóm ngành hàng lợi thế phục vụ xuất khẩu. Phổ biến chính sách nông nghiệp trọng tâm của ngành; Tăng cường nhận thức về biến đổi khí hậu. Tiếp tục bồi dưỡng kỹ năng dạy học cho cán bộ khuyến nông. Đào tạo về phương pháp tập huấn, viết tin bài, kỹ năng tổ chức các sự kiện khuyến nông. Bồi dưỡng kiến thức về kinh tế xã hội cho cán bộ khuyến nông…
Phổ biến phương pháp ủ phân vi sinh ở Thanh Hóa
Đổi mới xây dựng học liệu khuyến nông: Mỗi bộ học liệu cho 1 chủ đề kỹ thuật bao gồm tài liệu đào tạo TOT dùng cho giảng viên, tài liệu đào tạo nông dân TOF dùng cho học viên để sử dụng sau khi kết thúc khóa tập huấn, tranh kỹ thuật poster để sử dụng lâu dài. Khi tài liệu phê duyệt và in ban hành sẽ phát cho Trung tâm Khuyến nông các tỉnh và là tài liệu tập huấn chính thống dùng trong hệ thống khuyến nông cả nước.
Năm 2016, đã xây dựng được tài liệu đào tạo về nghiệp vụ phương pháp khuyến nông, tài liệu sản xuất lúa bền vững, tài liệu về bệnh cây tiêu, tài liệu về kỹ thuật thụ tinh nhân tạo cho bò...
Đổi mới nội dung và phương pháp khảo sát học tập: Tổ chức cho cán bộ khuyến nông tham quan chéo trong nội vùng sinh thái là chính, kết hợp hội thảo đầu bờ nhân rộng mô hình. Năm 2016, đã tổ chức 6 chuyến tham quan chéo học tập mô hình điển hình về sản xuất cà phê, tiêu, lúa, các mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn.
Đổi mới về phương pháp tập huấn khuyến nông: Đào tạo tập huấn trong khuyến nông được sử dụng nhiều phương pháp, gắn lý thuyết với thực hành, tăng cường giảng thực hành trên đồng ruộng, mỗi lớp học khuyến nông ít nhất có từ 1 - 2 ngày thực hành trên đồng ruộng, gắn với mô hình. Kết hợp giữa nghe và nhìn. Học viên có tài liệu đọc, nghiên cứu, nghe giảng và thảo luận, xem băng hình và tham quan mô hình, trao đổi đầu bờ.
Sử dụng phương pháp đào tạo thông qua truyền thông: Trung tâm KNQG sử dụng đĩa hình kỹ thuật, video clip đăng tải trên trang Website khuyennongvn.gov.vn để chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới về cây trồng vật nuôi. Đây cũng là nguồn học liệu để khuyến nông các tỉnh sử dụng trong công tác đào tạo với hơn 100 đĩa hình và video kỹ thuật được phổ biến qua mạng khuyến nông.
Áp dụng phương pháp dạy học lấy học viên làm trung tâm, phương pháp FFS lớp học trên hiện trường - kết hợp định hướng và nhu cầu đào tạo để xây dựng chương trình, bài giảng áp dụng phương giảng 2 chiều ngay trên lớp học, 70% số lớp học áp dụng theo phương phương pháp này.
Năm 2016 là năm đào tạo huấn luyện đã áp dụng đồng bộ các biện pháp đổi mới nhằm đáp ứng mục tiêu đào tạo trong năm đó là sau khi đào tạo học viên trở thành giảng viên khuyến nông, có khả năng đào tạo lại cho nông dân, từ đó góp phần không nhỏ trong việc nâng cao năng lực hệ thống khuyến nông để chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, hỗ trợ nông dân tạo ra sản phẩm cạnh tranh góp phấn thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu ngành gắn với xây dựng nông thôn mới.
TS Nguyễn Viết Khoa (Trung tâm Khuyến nông Quốc gia)
|