Chè Phú Lương không còn là cây xóa đói, giảm nghèo (17/02/2017)

Với hơn 4.300ha chè, huyện Phú Lương được coi là vựa chè trọng điểm của tỉnh Thái Nguyên. Chè Phú Lương nổi tiếng với các vùng chè Tức Tranh, Vô Tranh, Phú Đô…

Dù vậy, sản phẩm chè của địa phương vẫn chưa có vị thế xứng đáng trên thị trường...

Dốc sức

Ông Phạm Bình Công, Chủ tịch UBND huyện Phú Lương cho biết, phần lớn người dân Phú Lương buộc phải sống bằng chè. Chè đã khẳng định là cây xóa đói, giảm nghèo, cây mũi nhọn phát triển kinh tế và bây giờ là cây làm giàu. Để thực hiện mục tiêu đó, nhiều năm qua, Phú Lương có nhiều giải pháp đầu tư đồng bộ cho người làm chè cũng như trực tiếp tại các nương chè. Năm 2017 và các năm tiếp theo, Phú Lương đã lập kế hoạch dành 2/3 kinh phí trong sản xuất nông nghiệp để ưu tiên nâng cao chất lượng cho sản phẩm chè.


Chè an toàn, hướng đi tất yếu của sản xuất chè ở Phú Lương

Ông Nguyễn Khả Chung, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Phú Lương cho biết, những năm qua, UBND huyện đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó, chú trọng việc đưa vào trồng nhiều giống chè mới có năng suất, chất lượng cao; áp dụng quy trình sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; hỗ trợ đầu tư máy móc vào trồng, sản xuất, chế biến và bảo quản chè.

Nhờ đó, sản phẩm chè của địa phương ngày càng được nâng cao về năng suất, chất lượng, góp phần giải quyết việc làm lao động địa phương, nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn. Hiện nay, năng suất chè của huyện đã đạt 110 tạ/ha, tăng 25 tạ/ha so với năm 2013; sản lượng chè búp tươi đạt 41.400 tấn, tăng 6.400 tấn so với năm 2013.

Các làng nghề chè của huyện đang giải quyết việc làm cho trên 5.200 lao động với mức thu nhập bình quân 3,5 triệu đồng/người/tháng. Riêng việc đưa nhiều giống chè giâm cành có năng suất, chất lượng cao vào trồng đã được huyện thực hiện có hiệu quả trong nhiều năm qua. Trung bình, mỗi năm, huyện đã trồng mới, trồng lại được 250ha chè, chủ yếu với các giống: TRI777, Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên… Hiện nay, trong hơn 4.300ha chè toàn huyện thì đã có tới khoảng gần 40% tổng diện tích là chè cành.

Anh Hoàng Công Khuê, Trưởng xóm Thống Nhất 3, xã Vô Tranh cho biết, cây chè được bà con trong xóm trồng từ những năm 1970. Theo thời gian, nhận thấy lợi ích kinh tế của cây chè nên bà con dần mở rộng diện tích, đưa vào nhiều giống chè mới trồng thay thế, áp dụng tiến bộ khoa học vào trồng, chăm sóc và chế biến chè. Hiện, cả xóm có 33ha chè thì đã có gần 50% diện tích là chè cành. Những giống chè mới không chỉ cho năng suất cao hơn từ 10 - 15% mà chất lượng tăng lên, do đó giá bán cao hơn từ 100 - 120 nghìn đồng/kg so với chè trung du.

Sản xuất an toàn

Không chỉ đưa vào trồng nhiều giống chè chất lượng, huyện Phú Lương còn triển khai quy trình sản xuất chè an toàn theo quy trình VietGAP tới người dân. Dù quy trình đòi hỏi khá khắt khe, song nhận thức được hiệu quả, lợi ích về kinh tế cùng với đảm bảo môi trường, sức khỏe của người sản xuất và người tiêu dùng nên nhiều hộ đã đăng ký tham gia.


Chè an toàn, hướng đi tất yếu của sản xuất chè ở Phú Lương

Hiện nay, toàn huyện đã có 7 tổ sản xuất chè an toàn với quy mô trên 100ha (tăng 5 tổ so với năm 2013), trong đó xã Tức Tranh có 5 tổ sản xuất, gồm: Quyết Thắng, Minh Hợp, Thác Dài, Tân Thái và Gốc Gạo; xã Yên Lạc có 1 tổ ở xóm Hang Neo và Vô Tranh có 1 tổ ở xóm Trung Thành 1. Người dân ở nhiều địa phương cũng đã đăng ký sản xuất áp dụng quy trình này như: Xóm Trung Thành 2 (xã Vô Tranh); xóm Yên Thủy 1, Yên Thủy 3, Yên Thủy 4, Đồng Bòng (xã Yên Lạc)…

Ông Lê Văn Hùng, một trong những chủ hộ tích cực áp dụng quy trình sản xuất chè an toàn của xóm Tân Thái, xã Tức Tranh cho biết: "Gia đình tôi có hơn 4.000m2 chè thì tất cả đều áp dụng sản xuất VietGAP, tuân thủ theo quy trình nghiêm ngặt từ việc ghi chép nhật ký, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nước phun tưới được lắng đọng, dùng bạt và nong nia để rũ chè tươi và chế biến. Năng suất, chất lượng chè đã thay đổi rõ rệt.

Nếu như trước đây, với diện tích trên, trung bình mỗi lứa gia đình chỉ thu được khoảng trên dưới 2 tạ chè búp khô thì nay thu được khoảng 2,5 tạ. Nhờ chú trọng trong khâu chăm sóc, chế biến nên chất lượng chè đã tăng lên, giá bán đã tăng từ 50 - 70 nghìn đồng/kg so với trước. Hiện gia đình tôi thường bán sản phẩm tại nhiều cơ quan, siêu thị ở Hà Nội, Hải Phòng với giá dao động từ 250 - 350 nghìn đồng/kg".

Một giải pháp khác được huyện Phú Lương chú trọng là việc phát triển các làng nghề chè. Đây vừa là nguồn động viên để bà con tiếp tục đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng thời là cơ hội để họ quảng bá được sản phẩm ra thị trường. Chỉ tính riêng năm 2016, toàn huyện đã có thêm 5 làng nghề chè được UBND tỉnh công nhận, nâng tổng số làng nghề chè của huyện lên 32 làng nghề (toàn huyện có 34 làng nghề); là huyện đứng thứ 2/9 huyện, thành thị của tỉnh về số lượng làng nghề được công nhận (toàn tỉnh hiện có 196 làng nghề, trong đó có 174 làng nghề trồng và chế biến chè).

Ông Nguyễn Khả Chung, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Phú Lương cho biết, trước đây chè là cây xóa đói giảm nghèo nhưng nay đã là cây làm giàu cho người dân. Những năm qua, cùng với việc đầu tư để tăng năng suất, chất lượng thì việc quảng bá thương hiệu sản phẩm chè cũng đã được huyện thực hiện song song. Huyện đã 2 địa phương xây dựng được nhãn hiệu chè tập thể là Vô Tranh và Tức Tranh.

Đặc biệt, với sản phẩm chè an toàn, nhiều hộ nay đã chủ động đăng ký mã vạch, tên, tuổi, địa chị để xuất bán ra sản phẩm thị trường. Năm 2017, huyện đã có kế hoạch xây dựng vùng sản xuất chè tập trung ở một số xã chè trọng điểm, mục đích là để có sự đầu tư, áp dụng đồng bộ tiến bộ khoa học kỹ thuật từ khâu chăm sóc, thu hái, chế biến và bảo quản chè nhằm giảm công lao động, tăng năng suất, từ đó góp phần nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn.

Bình quân mỗi năm người trồng chè trên địa bàn huyện Phú Lương đã xuất bán hàng trăm tấn chè búp khô, chè an toàn ra thị trường; bày bán tại một số hệ thống đại lý, siêu thị ở một số tỉnh, thành phố lớn trên cả nước như Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM… Sản phẩm chè Phú Lương đã và đang định hình vững chắc được vị thế trên thị trường, khẳng định được thương hiệu với người tiêu dùng trên cả nước.

Theo ĐỒNG VĂN THƯỞNG (nongnghiep.vn)
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 147
Tổng truy cập: 39349354