Đó là khẳng định của ông Bùi Văn Cầu, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Tam Đảo tại hội nghị tham quan đầu bờ mô hình phân bón NPK Lâm Thao khép kín cho cây su su ăn ngọn vụ đông xuân 2016 - 2017” diễn ra sáng ngày 23/2/2017 tại hội trường thôn Đồng Thanh, xã Hồ Sơn, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc.
Thương hiệu nổi tiếng
Tam Đảo không chỉ nổi tiếng là điểm thu hút khách du lịch trong và ngoài nước mà còn nổi tiếng với đặc sản su su ăn ngọn. Được thiên nhiên ưu đãi nên những ngọn su su ở Tam Đảo xanh mơn mởn, ngọn vươn dài, mập mạp, ăn vào có vị ngọt, thơm.
Quyết tâm đưa rau su su (trồng lấy ngọn) trở thành môt trong những đặc sản đặc sắc của khu du lịch nghỉ dưỡng Tam Đảo, ngay từ năm 2005, Sở NN-PTNN tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo Trạm Khuyến nông huyện Tam Đảo triển khai chương trình “Su su an toàn Tam Đảo”, giúp cho khách du lịch có địa chỉ mua nông sản an toàn mỗi dịp ghé thăm Tam Đảo. Ban đầu, chương trình chỉ triển khai được 20ha, sau do nhu cầu ngày càng lớn nên đến đầu năm 2016 đã tăng diện tích lên trên 50ha.
Tuy nhiên, theo ông Cầu, điều mà chính quyền và người dân nơi đây vẫn loay hoay với bài toán “năng suất, chất lượng…”.
Năng suất tăng 15 - 20%
Ông Trần Văn Thân, trưởng thôn Đông Thành, đồng thời cũng là chủ hộ trực tiếp tham gia mô hình chia sẻ: “Cây rau su su đã gắn bó với người dân Tam Đảo từ rất lâu rồi, là trưởng thôn nên tôi luôn cố gắng áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào thâm canh sao cho rau su su đạt năng suất chất lượng cao nhất.
Theo tập quán, tôi và nhiều người dân trong thôn Đông Thành cũng như thôn Làng Hà, Đồng Bảng (3 thôn có diện tích trồng su su tập trung nhất của xã Hồ Sơn) vẫn bón phân đơn, thấy năng suất cũng tăng so với khi không bón. Nhưng tôi vẫn luôn trăn trở với câu hỏi: Liệu tôi có đang bón phân đúng cách và việc bón phân như vậy có ảnh hưởng đến chất lượng của rau su su so với khi không bón hay không?".
Đáp lại thắc mắc của ông Thân, ông Cầu nói: “Trước khi có hội nghị này, chúng tôi đã thành lập một đoàn kiểm tra về lấy mẫu rau su su để phân tích. Kết quả, tôi chỉ có thể dùng từ “quá sạch” để nhận xét. Không những thế, ngọn rau su su trồng theo mô hình nhìn cảm quan rất mập, đốt ngắn, tiện lợi cho người sử dụng trong khâu chế biến, trong khi ở ruộng đối chứng phân đơn theo tập quán địa phương đốt nhỏ và dài hơn.
Qua đánh giá sơ bộ, năng suất ở ruộng mô hình sẽ tăng 15 - 20% so với ruộng đối chứng, giúp bà con thu lãi trên 2 triệu đồng/sào/vụ, một con số vượt ngoài sức mong đợi của tôi. Hơn nữa, lại tiết kiệm chi phí bón phân, công sức chăm bón và hạn chế được sử dụng thuốc bảo vệ thực vật".
Cụ thể, ở ruộng mô hình, bà con bón phân theo quy trình bón khép kín mà Công ty hướng dẫn (tính cho 1 sào Bắc Bộ 360m2) đảm bảo rau su su đạt tiêu chuẩn VietGAP:
Lượng giống: 135kg, phân gà: 1.000kg bón lót cùng NPK-S*M1 5.10.3-8 số lượng 200kg, bón thúc bà con sử dụng NPK-S*M1 12.5.10-14 số lượng 120kg, ngoài ra bà con không cần phải bón thêm bất kì loại phân nào khác. Thời gian trồng lý tưởng nhất từ 20/8 - 20/9, bắt đầu thu hoạch (thu bói) khoảng 1 tháng sau trồng, tổng thời gian sinh trưởng từ 7 - 8 tháng, thu hái 15 lần/tháng, mỗi lần bình quân bà con sẽ thu được 25 - 30kg ngọn su su.
Trả lời thắc mắc của bà con về vấn đề phân giả, phân nhái Lâm Thao hiện trên thị trường có rất nhiều, gây tâm lý hoang mang cho bà con rất sợ mua phải phân bón giả, ông Lê Xuân Bách, Trạm trưởng Trạm Giao dịch của Công ty tại tỉnh Vĩnh Phúc nói: "Bà con nên mua phân bón Lâm Thao tại các cửa hàng thuộc hệ thống phân phối của Lâm Thao.
Bà con cũng cần lưu ý một vài đặc điểm nhận dạng quan trọng của Lâm Thao là hình ảnh logo 3 nhành lá cọ có răng cưa kèm chữ Lâm Thao, bà con cũng cần đọc kỹ thành phần dinh dưỡng có trong 1 bao phân được ghi rõ trên bao bì, tránh tiền mất, tật oan…".
|