Manh nha thành hình
Trước thực trạng mua gì cũng sợ, ăn gì cũng run, người tiêu dùng hiện đang hướng đến các loại thực phẩm sạch và nhất là thực phẩm hữu cơ bởi quy trình sản xuất ngặt nghèo của nó: Không được phép sử dụng chất hóa học tổng hợp trong các vật tư đầu vào; Chỉ sử dụng phân hữu cơ đã ủ, ngâm hoai mục; Tuyệt đối không sử dụng thuốc BVTV hóa học, thuốc kích thích sinh trưởng, các vật liệu biến đổi gen... Bởi vấn đề “rau quả bẩn” hiện nhức nhối hơn “thịt bẩn” nên những giải pháp trước tiên là tác động chính việc sản xuất rau, quả.
Từ tháng 8/2013, căn cứ đòi hỏi của thực tế và yêu cầu của công tác quản lý, Sở NN-PTNT Hà Nội đã ban hành “Quy trình kỹ thuật tạm thời về sản xuất rau hữu cơ”. Tiếp đó, năm 2014, Sở lại ban hành 10 quy trình kỹ thuật về sản xuất rau hữu cơ cho một số loại rau chính (su hào, rau ngót, rau muống, rau bí, mồng tơi, đậu đũa, đậu trạch, dưa chuột, cải xanh, cải ngọt).
Nông nghiệp hữu cơ là xu hướng tất yếu
Thực tế trong sản xuất, năm 2008, Hà Nội bắt đầu triển khai sản xuất rau hữu cơ tại xã Thanh Xuân ở huyện Sóc Sơn do tổ Dự án phát triển nông nghiệp hữu cơ VNFUADDA tài trợ. Đến năm 2012 ở đây đã tổ chức được 10 nhóm nông dân, nâng diện tích rau hữu cơ đạt 13ha. Năm 2012, Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội phối hợp với xã mà trực tiếp là Hội Nông dân xã Thanh Xuân triển khai các hoạt nâng cao kiến thức, kỹ năng sản xuất rau hữu cơ để phát triển diện tích và phát triển nhóm nông dân. Kết quả đến nay đã phát triển được 26 nhóm nông dân (8 - 10 hộ/nhóm) với tổng diện tích sản xuất rau hữu cơ đạt 34ha.
Hiện nay, các nhóm sản xuất rau hữu cơ tại xã được tổ chức sản xuất theo 2 hình thức: Thứ nhất là làm tập trung theo nhóm, các thành viên trong nhóm cùng làm, chấm công, chia đều lợi nhuận kinh tế (nhóm Thanh Nhàn, Thành Công, Tự Nguyện, Thôn Na, Thôn Trung, Bái Thượng, nhóm Chợ Nga, nhóm nông dân). Thứ hai là theo hình thức riêng lẻ: Kế hoạch sản xuất làm theo phương án chung của nhóm, nhưng diện tích của từng hộ trong nhóm tự chăm sóc và thu hoạch bán sản phẩm riêng (nhóm Ánh Dương, Đoàn Kết, hoa Đồng Tiền, Hoa Ly, Hướng Dương).
Ngoài sản xuất rau hữu cơ theo các nhóm nông dân, một số doanh nghiệp tham gia sản xuất rau hữu cơ như: Công ty Việt Liên diện tích sản xuất rau hữu cơ đạt 3ha trên địa bàn quận Long Biên, Công ty TNHH Khai thác tiềm năng sinh thái Hòa Lạc diện tích sản xuất rau hữu cơ đạt 10ha trên địa bàn huyện Thạch Thất. Các doanh nghiệp này hoạt động theo hình thức quản lý sản xuất tập trung, thuê ruộng, thuê nhân công để tổ chức sản xuất...
Về tiêu thụ rau hữu cơ, hiện Hà Nội đã hình thành 9 chuỗi với 47 cửa hàng, đại lý bán rau hữu cơ như: Chuỗi Viangap 6, Tràng An 2, Eco Mat 2, Nông sản ngon 2, Bắc Ninh 2, Lục Thủy 2, chuỗi Công ty Tâm Đạt 20, Thực phẩm ngon 1, Thực phẩm sạch 39, Nhân Hòa 10… Hình thức tiêu thụ sản phẩm chủ yếu thông qua hợp đồng thu mua với các công ty, cửa hàng bán RAT theo đơn đặt hàng trực tiếp của các hộ gia đình. Trung bình hàng tháng các nhóm sản xuất rau hữu cơ tại Sóc Sơn đưa ra thị trường Hà Nội từ 40 - 50 tấn, Công ty Việt Liên 10 - 12 tấn, Công ty TNHH khai thác tiềm năng sinh thái Hòa Lạc 25 - 30 tấn.
|
Về hiệu quả, các nhóm sản xuất rau hữu cơ tại Sóc Sơn với giá thu mua ổn định trung bình 15.000đ/kg rau củ quả các loại, bình quân mỗi thành viên trong nhóm sản xuất có mức thu nhập từ 4 - 6 triệu đồng/tháng (đã trừ chi phí), Công ty Việt Liên 30 - 40 triệu đồng/tháng, Công ty TNHH Khai thác tiềm năng sinh thái Hòa Lạc 80 - 100 triệu đồng/tháng (đã trừ chi phí).
Thách thức to lớn
Phát triển nông nghiệp hữu cơ là hướng phát triển bền vững mà nền nông nghiệp Việt Nam nói chung và nông nghiệp Hà Nội nói riêng cần hướng tới nhằm đến các sản phẩm tiêu dùng an toàn, gần với thiên nhiên và bảo vệ môi trường sống. Tuy nhiên thách thức đối với nông nghiệp hữu cơ hiện nay là đời sống người dân còn thấp và dân trí chưa cao, nhất là vấn đề nâng cao nhận thức cho cả cộng đồng về giá trị của các sản phẩm hữu cơ.
Bên cạnh đó, việc thay đổi tập quán canh tác từ sản xuất thông thường sang sản xuất hữu cơ không dễ dàng bởi chỉ được phép sử dụng chế phẩm sinh học, phân bón hữu cơ, phòng trừ dịch hại bằng các biện pháp thủ công hoặc thuốc thảo mộc, hoặc sinh học.
Những công đoạn đó gây mất nhiều công sức và khó thực hiện trên diện rộng so với sản xuất thông thường. Ngoài ra, hệ thống các văn bản hướng dẫn và quy định về sản xuất hữu cơ còn chưa hoàn thiện, không đồng bộ nên chưa biết đâu là sản phẩm hữu cơ chuẩn, đâu là ăn theo xu hướng hữu cơ. Vậy đâu là giải pháp để phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ?
Thứ nhất là phải ban hành các văn bản quy định, hướng dẫn cho sản xuất hữu cơ (tiêu chuẩn, quy chuẩn, các quy định chung về hướng dẫn, kiểm tra, giám sát sản xuất và chứng nhận, nhãn hàng hóa hữu cơ…). Thiết lập hệ thống công nhận và chứng nhận, giám sát cho sản phẩm hữu cơ.
Thứ hai, cần hình thành cơ quan chứng nhận tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản xuất các sản phẩm hữu cơ.
Ảnh: TH
Thứ ba, xây dựng quy hoạch, dành diện tích đất cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ và vùng sản xuất lớn chuyên canh cho phát triển hữu cơ.
Thứ tư, cần có cơ chế chính sách hỗ trợ và khuyến khích cho các cơ sở sản xuất, chế biến, các nhà khoa học đầu tư nghiên cứu khoa học phục vụ cho phát triển sản xuất hữu cơ, xác định sản xuất, chế biến hữu cơ là công nghệ cao của khoa học.
Thứ năm, tuyên truyền người tiêu dùng để nâng cao nhận thức về an toàn thực phẩm trong đó có sản xuất hữu cơ, sử dụng sản phẩm hữu cơ…