Hải Lăng làm trước
Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng, ông Hoàng Văn Vinh thông báo, huyện đang khởi động dự án nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) nhờ báo ủng hộ tuyên truyền. Tôi tức tốc chạy vào thì thấy 2 nhà kính đã dựng hoàn thành bên bờ hồ giữa thị trấn. Các công nhân đang cho hạt giống vào khay ươm.
Ông Vinh cho biết Hải Lăng là một huyện nông nghiệp thuần chủng với cây lúa và rau màu. Nhưng đứng trước thực tế nông nghiệp của Hải Lăng cùng như các huyện khác trong tỉnh Quảng Trị đang đối mặt với nhiều thách thức. Năng suất cây trồng, vật nuôi đang chậm dần hoặc chững lại, nhiều dịch bệnh gây hại xuất hiện.
Trong khi đó yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm hàng ngày vô cùng cấp bách. Sản xuất nhỏ lẻ, sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu thiếu kiểm soát, công nghệ sau thu hoạch yếu kém, chạy theo lợi nhuận trước mắt thì không thể nào sản phẩm nông nghiệp có chất lượng cao được.
Ông Nguyễn Văn Hùng- UVTWĐ- Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị (thứ 3 bên phải sang) làm việc với lãnh đạo tỉnh Long An về mô hình NNCNC
Trong khi đó, nhu cầu của người tiêu dùng trong nước và của thế giới ngày càng khắt khe hơn về chất lượng. Nếu cứ sản xuất như cũ, nông sản của bà con khó mà bán với giá cao.
Vì vậy, huyện Hải Lăng đã quyết định cho thành lập HTX Nông nghiệp công nghệ cao Nguyên Khang - Hải Lăng garden. Ban đầu huyện cho HTX mượn 2ha đất ngay bờ hồ trung tâm thị trấn Hải Lăng để làm mô hình trồng rau sạch công nghệ cao. Hiện tại HTX đã làm hoành thành 2 nhà kính có diện tích hơn 2 ngàn m2 để đưa vào trồng lứa rau và dưa lưới đầu tiên theo mô hình thủy canh luân hồi cùng hệ thống phun tưới tự động.
Ông Trần Đới, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao Nguyên Khang- Hải Lăng garden, cho biết ban đầu mới đầu tư 2 tỷ đồng cho 2.000m2. UBND huyện ủng hộ cho 300 triệu đồng, còn 17 thành viên của HTX đóng góp ban đầu mỗi người 100 triệu đồng. Theo ông Đới, HTX làm rau sạch vì trước hết là nhu cầu của gia đình, xã hội quá cấp thiết nên chúng tôi làm cho bằng được. Ban đầu HTX chỉ trồng rau xà lách và dưa lưới, sau đó tiếp tục mở rộng để trồng các loại rau và cà chua.
Huyện Hải Lăng làm rất trách nhiệm với rau công nghệ cao. Từ khâu làm đất vào khay trồng đến phân bón, nước phun cho rau và dưa đều là hàng sạch sẽ, qua tiệt trùng. Để làm được điều này, từ cuối năm 2016, huyện Hải Lăng đã cử 2 cán bộ của Phòng NN-PTNT vào học tập mô hình làm rau công nghệ cao ở các tỉnh phía Nam để về hướng dẫn kỷ thuật triển khai thực hiện tại địa phương.
Ông Hoàng Văn Vinh, Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng cho biết trong đề án tái cơ cấu nông nghiệp chúng tôi rất chú ý đến sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Cùng với mô hình ban đầu này, huyện đã quy hoạch thêm 10 ha đất ở xã Hải Trường, sát bên QL1 A để phát triển vườn rau công nghệ cao.
Kiểm tra kỹ thuật trước khi đặt khay mầm rau tại mô hình NNCNC ở Hải Lăng
"HTX đang tiến hành xây dựng nhãn hiệu, bao bì, in tem nhãn để truy xuất nguồn gốc sản phẩm khi cung ứng ra thị trường.HTX này cũng dự định thành lập hai điểm giới thiệu và bán sản phẩm rau công nghệ cao tại thị trấn Hải Lăng và TP. Đông Hà để phục vụ nhu cầu tiêu thụ rau sạch tại cho người dân", ông Trần Đới.
|
Ông Trần Đới cho biết qua nghiên cứu đặc điểm sinh thái cây trồng, thị trường tiêu thụ, chúng tôi được biết khí hậu và thổ nhưỡng ở Hải Lăng phù hợp làm rau công nghệ cao. Với việc đầu tư
công nghệ, thiết bị giúp hạn chế tác động bất lợi của thời tiết, cùng với việc được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, chúng tôi tin tưởng sẽ thành công.
Sôi sục ở các cơ sở
Có thể nói các địa phương của tỉnh Quảng Trị đang sôi sục triển khai thực hiện mô hình NNCNC. Để chuẩn bị ban hành Nghị quyết về tái cơ cấu nông nghiệp, xác định bộ sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh của tỉnh, đặc biệt là phát triển nông nghiệp sạch, hữu cơ và NNCNC, ông Nguyễn Văn Hùng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị đã tổ chức các đoàn công tác làm việc với các cơ sở sản xuất nông nghiệp trên địa bàn của tỉnh.
Đồng thời khảo sát, nghiên cứu tại Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh, làm việc với lãnh đạo tỉnh Long An, tham quan một số mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả để triển khai thực hiện tại Quảng Trị.
Mới đây, UBND huyện Vĩnh Linh cũng tổ chức hội thảo khoa học giải pháp phát triển vùng nguyên liệu nông sản sạch, huyện tập trung vào cây tiêu với diện tích 1.300ha. UBND huyện Cam Lộ cũng tổ chức hội thảo về phát triển nông nghiệp hữu cơ và NNCNC. Trước mắt huyện đã triển khai trồng 500ha dứa với mô hình nông sản sạch tại 3 xã Cam Thủy, cam Chính và Cam Nghĩa.
Ông Nguyễn Văn Hùng cho biết sắp đến tỉnh sẽ giao chỉ tiêu cho mỗi huyện, thị phải có 2 mô hình sản xuất NNCNC. Việc triển khai tốt NNCNC thì mới thật sự nâng cao đời sống cho đại đa số nhân dân, nông dân mới có điều kiện làm giàu trên đồng đất của mình, bà con nông dân mới trực tiếp được hưởng lợi. Muốn vậy trước hết tỉnh phải sớm xây dựng được các chính sách phù hợp nhằm khuyến khích, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đầu tư phát triển NNCNC, tránh bất cập, chậm đi vào thực tế.