Phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở Long An: Đột phá bằng 3 cây, 1 con (30/03/2017)

Trong giai đoạn 2016 - 2020 Long An thực hiện Đề án Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với trọng tâm 3 cây, 1 con là lúa, thanh long, rau và nuôi bò.

Long An phấn đấu đến năm 2020 có 20.000ha lúa, 2.000ha thanh long, 2.000ha rau và 5.000 con bò, đạt tiêu chuẩn sản phẩm an toàn. 

Hiệu ứng lan tỏa

Sau 1 năm thực hiện Nghị quyết về Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh Long An đã đạt được nhiều thành tựu. Trên nhiều vùng sản xuất, nhiều vùng chuyên canh cây trồng như thanh long, lúa, chanh, bắp, mè, rau màu ứng dụng công nghệ cao đã dần được hình thành, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tăng thu nhập cho người dân.


Đến năm 2020, Long An sẽ có 2.000ha chuyên canh thanh long ứng dụng CNC tại huyện Châu Thành

Lúa vẫn là cây trồng chủ lực của tỉnh, vùng sản xuất lúa ứng dụng CNC, theo kế hoạch đến 2020 là 20.000ha - nằm trong vùng lúa chất lượng cao 40.000ha, phục vụ xuất khẩu của tỉnh, đây là vùng có tiềm năng, lợi thế về sản xuất lúa; được thực hiện trên địa bàn từng ấp của 26 xã thuộc các huyện: Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa, thị xã Kiến Tường.

Hiện toàn tỉnh đã có 1.350ha sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao, trong đó: Sử dụng máy cấy 350ha, san phẳng mặt ruộng bằng tia lazer 1.000ha, 88,15ha lúa sản xuất theo VietGAP có doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm đầu ra.

Về cây rau, Long An đã triển khai xây dựng được 86,4ha sử dụng phân hữu cơ, chế phẩm sinh học trong sản xuất rau với 249 hộ tham gia tại 4 HTX và 4 tổ hợp tác trên địa bàn các huyện Cần Đước, Cần Giuộc và Đức Hòa. Các mô hình này mang lại hiệu quả kinh tế cao, lợi nhuận 37,5 triệu đồng/1.000 m2/2 vụ.

Qua đó, tỉnh cấp giấy xác nhận sản phẩm được kiểm soát theo chuỗi cho 3 HTX rau: Phước Hòa (Cần Đước), Phước Hiệp (Cần Giuộc), Tân Hiệp (Đức Hòa) để cung ứng cho thị trường trong và ngoài tỉnh; các ngành chức năng còn tổ chức cho 3 HTX này tham gia phiên chợ nông sản an toàn.

Mục tiêu đề án đến năm 2020, toàn tỉnh có 2.000ha sản xuất rau ứng dụng CNC trong vùng sản xuất rau an toàn của tỉnh, tập trung tại các huyện: Cần Giuộc (950ha), Cần Đước (700ha), Đức Hòa (285ha), TP Tân An (65ha) và được phân bổ cụ thể đến từng xã theo lộ trình đến năm 2020.

Vùng sản xuất thanh long CNC được tỉnh xác định cụ thể trên địa bàn từng ấp, từng xã của huyện Châu Thành, đến năm 2020, có 2.000ha thanh long ứng dụng CNC. Trong năm qua, ngành nông nghiệp triển khai xây dựng 2 mô hình sản xuất thanh long theo VietGAP tại 2 HTX: Long Hội và Tầm Vu; thực hiện thành công 1 mô hình thí điểm tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây thanh long tại xã Long Trì.

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp phối hợp Cty CP Tư vấn Đầu tư Vĩnh Lợi thực hiện trình diễn phân bón lá hữu cơ vi sinh Agribio trên cây thanh long tại HTX Long Hội; hướng dẫn kỹ thuật canh tác thanh long có chiếu sáng bằng đèn compact; tập huấn kỹ thuật sản xuất thanh long đạt chứng nhận VietGAP cho 11/12 xã của huyện Châu Thành.

Toàn tỉnh hiện có khoảng 15% gia trại chăn nuôi ứng dụng công nghệ “chuồng lồng” có trang bị hệ thống làm mát, máng tự động; khoảng 650 hộ được chứng nhận đạt chuẩn VietGAP; 15% hộ nuôi bò sữa có trang bị máy vắt sữa. Đến năm 2020, Long An xây dựng vùng chăn nuôi bò thịt ứng dụng CNC tại huyện Đức Hòa và Đức Huệ với tổng đàn tăng trên 5.000 con.


Trang trại bò thịt ứng dụng công nghệ cao của Cty TNHH Huy Long An

Chú trọng liên kết, xúc tiến thương mại

Theo ông Lê Văn Hoàng - Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Long An, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn nhằm phát triển kinh tế tập thể của tỉnh gắn với liên kết 4 nhà; đồng thời, phát huy mạnh mẽ vai trò kinh tế hợp tác trong sản xuất lớn, bền vững và là chủ thể quan trọng trong ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, triển khai chính sách phát triển nông nghiệp - nông thôn.

Để thực hiện được mục tiêu này, tỉnh Long An sẽ triển khai thực hiện công tác quy hoạch, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, tổ chức lại sản xuất; đảm bảo lộ trình đầu tư, quy trình sản xuất và đẩy mạnh liên kết sản xuất - tiêu thụ theo chuỗi giá trị.

Trong năm 2016 UBND tỉnh Long An đã tổ chức thành công Hội nghị Xúc tiến đầu tư, mời gọi 3 doanh nghiệp là Cty Hoàn Cầu Long An, Cty Vạn Thịnh Phát, Cty Cơ khí Bùi Văn Ngọ đăng ký thành lập khu nông nghiệp CNC. Định hướng đến năm 2020, hỗ trợ hình thành 8 - 10 doanh nghiệp ứng dụng CNC, hình thành 1 - 2 doanh nghiệp CNC, 1 - 2 cơ sở ươm tạo CNC và lai tạo 2 - 3 giống cây trồng, vật nuôi bằng CNC.

Từ năm 2016 đến năm 2020, tỉnh Long An quyết định đầu tư khoảng 1.300 tỷ đồng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Việc đẩy mạnh ứng dụng CNC trong sản xuất nông nghiệp được tỉnh chú trọng triển khai càng minh chứng cho sự chủ động hội nhập ngày càng sâu rộng của nông nghiệp tỉnh nhà. Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề quan tâm, đó là sự thiếu đồng bộ trong chuỗi liên kết, giữa các tác nhân và chủ thể liên kết...

Theo THANH SA (Nongnghiep.vn)
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 124
Tổng truy cập: 39349354