Cây rau má được người dân xã Quảng Thọ (huyện Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế) trồng tự phát từ 10 năm nay. Năm 2012, với việc triển khai mô hình trồng rau má theo hướng VietGAP, UBND xã Quảng Thọ đã quy hoạch trên 40ha rau má hàng hóa. Nhờ đó, nông dân thu trên 16 tỷ đồng/năm, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa.
Trồng rau má hiệu quả cao
Ông Cao Quảng Hạ tại thôn Phước Yên cho biết, gia đình ông đã trồng rau má hàng hóa từ 10 năm qua. Hiện ông có 9 sào rau má (4.500m2), bình quân, mỗi tháng cắt được trên 2 tấn rau má tươi. Với giá bán hiện nay, ông thu về khoảng 13 - 15 triệu đồng/tháng. Tính ra, mỗi năm với 10 lượt cắt, ông thu gần 150 triệu đồng. Trên cánh đồng này trước đây trồng lúa, năng suất bình quân đạt 10 tấn/ha/năm, trồng rau má năng suất đạt gần 50 tấn/ha/năm. Tính ra, hiệu quả kinh tế của cây rau má gấp 4 - 5 lần cây lúa.
“Với 9 sào rau má, 2 lao động trong gia đình có việc làm thường xuyên. Đầu ra cho cây rau má hiện nay cũng đang rộng mở và ổn định. Một phần bán cho HTXNN Quảng Thọ 2, một phần được tư thương đến tận ruộng thu mua, đem ra chợ đầu mối, xuất đi các tỉnh trong Nam, ngoài Bắc. Trồng rau má không khó, ít sâu bệnh lại có thu nhập cao hơn nhiều lần so với trồng lúa”, ông Hạ cho hay.
Thương hiệu trà rau má Quảng Thọ
Theo ông Hạ, rau má là cây trồng thích ứng rộng và khá dễ trồng, dễ chăm sóc. Sau khi làm đất, tùy từng chân ruộng có thể bón khoảng 30kg vôi/sào; phân chuồng 3 tại/sào, 50kg phân vi sinh rồi lên luống. Rau má được bứng dảnh trồng với khoảng cách từ 15 - 20cm. Sau 1 tháng thì rau má bén rễ, bón thêm 10kg NPK/sào và 3 tháng sau sẽ phủ lấp kín mặt đất là có thể thu hoạch. Bình quân mỗi tháng cắt rau má 1 lần, sau khi cắt 4 - 6 ngày bón thêm 10 - 15kg phân NPK và phân vi sinh/sào. Nếu thời tiết thuận lợi, chăm sóc tốt, mỗi năm có thể thu hoạch 12 lứa, bình quân 2,5 - 3 tạ/sào/lứa (5 - 6 tấn/ha/lứa).
Ông Hoàng Công Phong, Chủ tịch UBND xã Quảng Thọ cho biết, diện tích trồng rau má tại Quảng Thọ tăng khá nhanh. Theo quy hoạch, diện tích rau má toàn xã là 40ha nhưng thực tế là gần 50ha, đa phần bà con chuyển đổi đất lúa, màu kém hiệu quả sang trồng rau má.
Thu hoạch rau má tại xã Quảng Thọ
“Chúng tôi định hướng sẽ tiếp tục chuyển 10ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng rau má. Hiện đầu ra cây rau má đang ổn định. Sắp tới, khi sản phẩm trà rau má của HTXNN Quảng Thọ 2 được tiêu thụ mạnh trên thị trường thì người trồng rau má càng có thêm cơ hội tăng thu nhập”.
Năm 2012, quy trình sản xuất rau má VietGAP chính thức được áp dụng tại Quảng Thọ. Các hộ tham gia được tập huấn quy trình trồng và chăm sóc nhằm nâng cao năng suất và chất lượng cho sản phẩm. Người trồng rau má phải có sổ theo dõi, ghi chép quá trình sản xuất để đảm bảo độ an toàn khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Đến nay, toàn xã có gần 300 hộ trồng và áp dụng quy trình sản xuất rau má theo hướng an toàn.
Sơ chế rau má tại HTXNN Quảng Thọ 2
Ông Hoàng Minh Tài, Phó Giám đốc HTXNN Quảng Thọ 2 cho biết: “HTX ký hợp đồng thu mua cho người dân khoảng 30% sản lượng rau má toàn xã, tương đương khoảng 700 tấn. Trong số này có khoảng 70 tấn HTX sản xuất trà với thương hiệu Trà rau má Quảng Thọ gồm 2 sản phẩm chính là trà túi lọc và trà sao khô đóng gói hút chân không. Sản phẩm hiện đã xuất hiện tại một số tỉnh, thành trên cả nước. Xưởng chế biến trà rau má của HTX tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 10 lao động với mức thu nhập trên 3 triệu đồng/người/tháng. Phần lớn sản phẩm được thương lái thu mua tận ruộng, giá tương đối ổn định, dao động từ 6,5 - 7 nghìn đồng/kg”.
Cuối năm 2014, HTXNN Quảng Thọ 2 đã đầu tư hệ thống máy móc để sản xuất trà rau má. Sản phẩm Trà rau má Quảng Thọ hiện đã được đăng ký nhãn hiệu thương mại. Để đảm bảo sản phẩm đạt chất lượng, an toàn cho người tiêu dùng, ngoài 2ha do HTX tự trồng, chăm sóc, với diện tích nằm trong diện ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm, HTXNN Quảng Thọ 2 thường xuyên lấy mẫu xét nghiệm. Người trồng rau má Quảng Thọ được tập huấn quy trình sản xuất rau má theo hướng an toàn.
|