Chỉ trong vòng 2 tháng đầu năm XK rau quả đã được 433 triệu USD, ước đạt tăng 131% so với năm 2016. Đây là một tín hiệu vui cho thấy thị trường XK rau quả năm nay có thể sẽ đạt 3 tỷ USD trong tầm tay.
Trong đó, chiếm phần lớn là trái cây. Nếu làm tốt về ATTP, bảo quản trái cây..., giá trị XK trái cây nói riêng, rau quả nói chung có thể còn tăng mạnh hơn nữa.
3 tỷ USD trong tầm tay
Còn tính đến nay, kim ngạch XK rau quả đã đạt trên 433 triệu USD, tăng 131% so với cùng kỳ năm 2016. Đến giữa tháng 3, kim ngạch XK rau quả đã đạt trên 542 triệu USD. Đây là một tín hiệu vui cho thấy dự báo thị trường XK rau quả năm nay có thể sẽ đạt 3 tỷ USD.
Phân loại thanh long XK
Điều đáng nói là ngay từ những tháng đầu tiên của năm 2017, không chỉ lượng hàng rau quả tiêu thụ sang thị trường Trung Quốc tăng, mà ngay cả với các thị trường khó tính khác cũng chuyển biến mạnh và giá XK cũng tăng theo. Từ vị trí là mặt hàng khá khiêm tốn, rau quả đã có bước tiến đáng kể để trở thành mặt hàng XK chủ lực.
Hiện nay, các sản phẩm rau quả của Việt Nam đã vươn xa tới gần 60 thị trường trên thế giới. Các loại trái cây như vải thiều, chôm chôm, thanh long, xoàn, nhãn… của ta cũng đã có mặt tại những thị trường khó tính như Mỹ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc... Đặc biệt, gần đây, 5 mặt hàng rau quả Việt Nam đã vượt qua hàng rào kỹ thuật đi tới 4 thị trường mới như xoài đi Úc, thanh long sang Đài Loan, nhãn và vải tới Thái Lan...
Năm 2016, lần đầu tiên, kim ngạch XK rau quả vượt qua kim ngạch XK mặt hàng gạo. Trong đó, có sự đóng góp không nhỏ từ các thị trường khó tính. Để XK được vào những thị trường khó tính, chất lượng rau quả phải đáp ứng tốt các điều kiện kiểm soát về dịch hại rất ngặt nghèo.
Cục BVTV cho biết, năm 2016 có hơn 10.500 tấn hoa quả tươi được kiểm dịch để XK sang các thị trường Mỹ, Nhật Bản... Trong đó, sản lượng thanh long sang Mỹ và xoài sang Hàn Quốc đều tăng gấp đôi so với năm trước. Điều đó khẳng định chất lượng trái cây Việt Nam ngày càng được cải thiện, được người tiêu dùng ở các nước phát triển chấp nhận.
Thông tin mới nhất khi Úc cũng đã công bố việc đánh giá các yêu cầu an toàn sinh học đối với trái thanh long Việt Nam vào đầu năm 2017. Hiện cơ quan chức năng của Úc và Việt Nam đang tiến hành các bước cuối cùng để thiết lập quy trình hoạt động tiêu chuẩn cho các cơ sở xử lý thanh long bằng hơi nước và hoàn tất điều kiện nhập khẩu với trái thanh long từ Việt Nam.
Đồng thời, không ít nhà nhập khẩu từ Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… tiếp tục tìm đến Việt Nam kết nối với các nhà cung ứng rau quả trong nước, như Tập đoàn Meika Shoji (Nhật Bản) đang tìm kiếm nhà xuất khẩu chuối Việt Nam với số lượng lớn để tiêu thụ tại Nhật. Thị trường Nhật Bản có sức tiêu thụ khoảng 1 triệu tấn chuối/năm. Nếu các DN Việt Nam có nguồn cung chuối đáp ứng đủ tiêu chuẩn nhập khẩu của Nhật Bản, sẽ là cơ hội lớn bởi thị trường này đang đa dạng hóa nguồn cung.
Các loại trái cây, rau củ Việt Nam đang được đánh giá cao vẫn còn nhiều cơ hội mở rộng thị trường XK trong những năm tiếp theo, điều đó sẽ là nguồn động lực lớn để thu hút các DN tham gia đầu tư sản xuất, chế biến sản phẩm rau quả.
Tăng cường an toàn thực phẩm
Theo Vinafruit, trong số 8 nước thuộc “thị trường khó tính” đối với việc nhập khẩu rau quả tươi, cần đặc biệt chú ý đến Mỹ, Nhật, Úc, Newzealand… Khi xuất rau quả tươi vào những thị trường này, bắt buộc phải có chứng nhận VietGAP. Mặc dù, trong gần chục năm qua tuy chưa có lô hàng rau quả XK nào của ta vi phạm quy định về dịch hại KDTV, nhưng vi phạm về VSATTP vẫn còn phổ biến. Điều đáng nói, khi có một lô hàng nào bị “dính” thì tỷ lệ kiểm tra DN sẽ bị tăng lên tới 50%, thậm chí 100% (thay vì bình thường chỉ là 5%).
Thu hoạch thanh long
TS Nguyễn Hữu Đạt (Vinafruit), cho biết: “Thực tế chỉ cần một lô hàng vi phạm VSATTP thì doanh nghiệp sẽ bị thiệt hại bằng 15 lô xuất thành công trước đó, chưa kể tiến độ xuất hàng bị sụt giảm và bị ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu hàng trái cây Việt Nam xuất khẩu…”.
Theo TS Đạt, rõ ràng vấn đề bảo quản sau thu hoạch của ta về lâu dài cũng cần phải nghiên cứu sâu để giúp bảo quản hàng hóa được tốt và thuận lợi hơn. Tuy nhiên chúng ta cần phải hiểu rằng, đoạn đường vận chuyển hàng XK từ Việt Nam sang Mỹ hay đi châu Âu đều ngang bằng nhau. Vậy nhưng, tại sao các DN XK hàng trái qua Mỹ bằng đường biển thành công, còn xuất qua châu Âu bằng đường biển lại thất bại?
Theo lý giải của TS Đạt, vì điều kiện để hàng trái XK đi Mỹ đòi hỏi phải có mã số vùng trồng và các DN phải liên kết với người nông dân cùng giám sát chặt chẽ quy trình canh tác khiến chất lượng hàng hóa đạt chuẩn. Do vậy, khi vận chuyển hàng trái bằng đường biển sang tới thị trường Mỹ vẫn tươi. Cụ thể như năm ngoái đã XK được cả mấy ngàn tấn thanh long sang thị trường Mỹ an toàn. Còn đối vời thị trường châu Âu, nếu tổ chức liên kết và giám sát tận gốc như thế thì cũng có thể xuất hàng trái bằng đường biển vô tư không sợ bị hư hỏng. Chính vì thế, chỉ cần nông dân và doanh nghiệp liên kết với nhau; đồng thời chỉ cần duy trì ở trình độ sản xuất, bảo quản như hiện tại thì đã có thể XK hàng trái bằng đường biển thành công.
Theo bà Thảo Trinh, GĐ Cty Orga Việt Nam, hiện nay trên diễn đàn quốc tế khái niệm sản xuất sạch được xem là điều hiển nhiên, phải đạt tiêu chuẩn sạch mới bước ra thị trường. Do vậy, ngay từ bây giờ nhà vườn cần phải đẩy mạnh liên kết với DN và đi vào sản xuất theo quy trình, được cấp chứng nhận sản phẩm sạch phục vụ cho cả thị trường nội địa và XK.
Các chuyên gia kinh tế cũng nhận định, với riêng thị trường Trung Quốc, mặc dù đã giúp ngành hàng rau quả của ta XK có sự đột phá lên tới vài tỷ đô la. Tuy nhiên, chính thị trường này lại khiến cho hàng trái của ta luôn bị áp đặt với chuẩn thấp và rất khó cạnh tranh giá trên thị trường XK.
Theo thống kê từ Hải quan Trung Quốc, năm 2016, lượng chuối nhập khẩu từ Việt Nam vào nước này đứng ở vị trí thứ 3, chỉ sau Philippines và Ecuador. Tuy nhiên, trị giá chuối của ta lại chỉ đứng ở vị trí thứ 4 sau Thái Lan. Cụ thể năm 2016, mặt hàng chuối của ta xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc được 29,1 ngàn tấn, nhưng kim ngạch chỉ đạt 13,11 triệu USD; trong khi Thái Lan cũng xuất khẩu chuối vào thị trường này 17,3 ngàn tấn, lại cho kim ngạch cao hơn 22,4 triệu USD. Do vậy, không chỉ riêng mặt hàng chuối xuất khẩu mà với nhiều loại trái khác nếu không không có sự liên kết tốt để đảm bảo ATTP thì hậu quả cũng sẽ chịu thiệt thòi như vậy.
“Trước mắt, quan trọng nhất cần phải liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và người sản xuất, nhằm đáp ứng đúng nhu cầu thị trường cả về số lượng và chất lượng. Còn về lâu dài cần có chủ trương chính sách của nhà nước và sự ủng hộ của doanh nghiệp nhằm tăng chất lượng hàng hóa, tăng ATVSTP trên phạm vi rộng để cung cấp cho các thị trường khó tính”, TS Nguyễn Hữu Đạt nói.