Bà Kristalina Georgieva, TGĐ điều hành Ngân hàng Thế giới và Đoàn quan chức cấp cao thăm chợ Nguyễn Đình Chiểu, TP.HCM do Dự án LIFSAP hỗ trợ đầu tư, nâng cấp
Sau hơn 1 năm tiếp tục triển khai khoản vay bổ sung, Dự án Cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm (LIFSAP), do Ngân hàng Thế giới tài trợ, đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ cho ngành chăn nuôi Việt Nam, thông qua việc hỗ trợ hình thành các chuỗi liên kết SX gắn với thị trường; tăng cường dịch vụ khuyến nông chăn nuôi và thú y Trung ương…
Hơn 14.000 hộ áp dụng quy trình VietGAP
Theo BQL Dự án LIFSAP, các mục tiêu của dự án là nâng cao khả năng cạnh tranh của các hộ chăn nuôi, giảm thiểu tác động môi trường từ hoạt động chăn nuôi, giết mổ và phân phối thịt, nâng cao ATVSTP trong chuỗi cung ứng các sản phẩm chăn nuôi (chủ yếu là thịt) tại các tỉnh. Các hợp phần và hoạt động của dự án đang đi đúng hướng, tạo sự chuẩn bị cũng như bước đà vững chắc cho dự án triển khai được thuận lợi và đạt các mục tiêu đề ra.
Tổng số hộ tham gia thực hiện quy trình VietGAP cấp nông hộ trong năm 2016 đã lên tới 14.495 hộ được thiết lập thành 735 nhóm, trên phạm vi 263 xã thuộc 12 tỉnh hưởng lợi từ dự án. Đến hết năm 2016, đã có 467 nhóm chăn nuôi được cấp chứng nhận VietGAP nông hộ. Dự kiến sẽ có thêm 200 nhóm tiếp tục được cấp chứng nhận tới đây.
Kết quả giám sát cho thấy, quy mô đàn lợn của các hộ áp dụng quy trình VietGAP cấp nông hộ trong năm 2016 đạt bình quân 37,46 con/hộ, tăng hơn 13,52%; đàn gà đạt 1.578 con/hộ, tăng hơn 12,71% so với mục tiêu Dự án đề ra trong năm 2016.
Nhờ áp dụng quy trình VietGAP cấp nông hộ đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, giảm thời gian vỗ béo, giảm tiêu tốn thức ăn và giảm tỷ lệ chết của đàn vật nuôi. Nhờ vậy, hiệu quả kinh tế trung bình của các hộ chăn nuôi áp dụng quy trình VietGAP cấp nông hộ cao hơn 14,7% so với các hộ chăn nuôi không áp dụng.
Chuyển đổi mô hình chăn nuôi nông hộ, tăng sức cạnh tranh
Theo đánh giá của các chuyên gia, ngành chăn nuôi nói chung, trong đó đặc biệt là các hộ chăn nuôi quy mô nông hộ sẽ bị ảnh hưởng nặng nề khi Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại tự do. Các biện pháp can thiệp nhằm tăng cường sức cạnh tranh cho các hộ chăn nuôi quy mô nông hộ là yêu cầu cấp thiết.
Trên cơ sở các nhóm chăn nuôi áp dụng quy trình VietGAP cấp nông hộ, trong năm 2016, Dự án LIFSAP đã hỗ trợ hình thành 12 hợp tác xã (HTX) chăn nuôi với 309 thành viên tham gia và 138 tổ hợp tác (THT) chăn nuôi với 2.480 hộ thành viên, quy mô gần 200 nghìn lợn thịt và 12 nghìn gà thịt và gà đẻ trứng trên địa bàn 12 tỉnh.
Bước đầu Dự án đã hỗ trợ các HTX, THT thiết lập, vận hành, đào tạo, tăng cường năng lực, kết nối các công ty cung cấp con giống, thức ăn, thuốc thú y và các công ty tiêu thụ đầu ra. Hiện nay toàn bộ đầu ra của các HTX, THT đã được các công ty như An Hạ, An Cường Thi, Vissan, Phạm Tôn… ký kết hợp đồng thu mua. Một số HTX bước đầu hoạt động rất hiệu quả như HTX Thái Sơn tại Hải Phòng, HTX Kim Kê Phát ở Long An, HTX Gia Tân 3 ở Đồng Nai, HTX Tiên Phong tại TPHCM…
Khoản vay bổ sung - Dự án LIFSAP được Bộ NN-PTNT giao cho BQL Các dự án Nông nghiệp quản lý được thực hiện trong 3 năm (2016 - 2018) trên địa bàn 12 tỉnh gồm: Hà Nội, Thái Bình, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Cao Bằng, Thanh Hoá, Nghệ An, TP.HCM, Long An, Đồng Nai và Lâm Đồng với mục tiêu. Tổng mức đầu tư của Dự án 54,68 triệu USD, trong đó vốn ODA 44,68 triệu USD; vốn đối ứng Chính phủ 3,76 triệu USD; vốn tư nhân 6,24 triệu USD.
|
Thời gian tới, Dự án tiếp tục hỗ trợ các mô hình này xây dựng phương án kinh doanh hoàn chỉnh, hỗ trợ vốn để mở rộng quy mô, công nghệ chăn nuôi, xây dựng các thương hiệu sản phẩm chăn nuôi nhằm nâng cao sức cạnh tranh cũng như cung cấp ra thị trường các sản phẩm chăn nuôi an toàn theo chuỗi giá trị khép kín từ “trang trại” đến “bàn ăn”. Với cách tiếp cận mới về HTX, THT, đây sẽ là mô hình sản xuất giúp chăn nuôi nông hộ nâng cao sức cạnh tranh.
Nâng cấp các cơ sở giết mổ và chợ thực phẩm
Đến hết năm 2016, tổng số cơ sở giết mổ được Dự án hỗ trợ nâng cấp đã hoàn thành xây dựng và đi vào hoạt động là 238 cơ sở với quy mô giết mổ từ 10 - 200 con lợn/ngày đêm, 1.000 gia cầm/ngày đêm, cơ bản đáp ứng các yêu cầu về xử lý chất thải và vệ sinh thú y.
Điều đáng mừng hơn, cơ sở giết mổ đã đáp ứng các quy định và xoá bỏ một phần các cơ sở giết mổ lậu vốn không được kiểm soát.
Cũng trong khuôn khổ Dự án, đã có 409 chợ thực phẩm được đầu tư và đưa vào sử dụng, đáp ứng các quy định về ATVSTP và xử lý chất thải, hàng ngày cung cấp hơn 1.000 tấn thịt phục vụ hơn 3 triệu người tiêu dùng. Mô hình chợ thực phẩm mang tên LIFSAP đã gây được tiếng vang lớn và được nhiều tỉnh không tham gia Dự án đến học tập về áp dụng.
Thể chế hoá các thành tựu của Dự án để áp dụng ra toàn quốc
Để có thể nhân rộng mô hình chăn nuôi áp dụng quy trình VietGAHP nông hộ, Dự án đã nỗ lực phối hợp với Cục Chăn nuôi hoàn thiện quy trình thực hành chăn nuôi tốt cho chăn nuôi lợn và gà an toàn trong nông hộ để trình Bộ NN-PTNT phê duyệt.
Đáng mừng là, ngày 22/6/2016, tại Quyết định số 2509/QĐ-BNN-CN, Bộ NN-PTNT đã ban hành Quy chế chứng nhận và Quy trình thực hành chăn nuôi tốt cho chăn nuôi lợn, gà an toàn trong nông hộ để áp dụng trong toàn quốc. Đây là một dấu mốc quan trọng khẳng định sự thành công của Dự án trong nỗ lực xây dựng và hoàn thiện mô hình có tính cạnh tranh cao cho chăn nuôi nông hộ.
Tới đây, Dự án sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Cục Thú y để nghiên cứu, tiếp tục thể chế hoá các kết quả trong các quy định về điều kiện vệ sinh thú y đối với các cơ sở giết mổ quy mô nhỏ phù hợp với thực tế để nhân rộng.