Hội nghị triển khai dự án chè an toàn
Dự án đã được Bộ NN-PTNT phê duyệt giai đoạn 2017-2019 do Trung tâm Khuyến nông Thái Nguyên chủ trì với sự tham gia của Trung tâm Khuyến nông các tỉnh Thái Nguyên, Tuyên Quang, Yên Bái, Phú Thọ, Lào Cai. Thời gian thực hiện dự án là 36 tháng, với quy mô diện tích là 600ha chè an toàn (tỉnh Thái Nguyên mỗi năm xây dựng 50ha chè, các tỉnh còn lại mỗi năm xây dựng 30ha).
Mục tiêu của dự án áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật nhằm tăng năng suất chất lượng, tăng thu nhập của người sản xuất chè trên 20% so với chè sản xuất ngoài mô hình tại địa phương, tiến tới tạo chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Các mô hình thâm canh chè được triển khai trên các nương chè thời kỳ kinh doanh; áp dụng các biện pháp kỹ thuật như: Quy trình quản lý cây trồng tổng hợp sản xuất chè búp tươi an toàn (ICM); Quy trình kỹ thuật sản xuất chè an toàn theo VietGAP; cơ giới hóa sản xuất chè thông qua sử dụng công nghệ tưới phun mưa di động…
Tại hội nghị Chủ nhiệm dự án triển khai xây dựng mô hình; các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận về cơ chế chính sách triển khai dự án; biện pháp sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật thảo mộc… Để nâng cao hiệu quả dự án cần thành lập mới hoặc triển khai tại các tổ hợp tác, hợp tác xã sẽ thuận lợi cho xây dựng chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp với người nông dân sản xuất chè, đồng thời thành lập Tổ Quản lý sử dụng thuốc BVTV…
Thái Nguyên là vùng chè trọng điểm của cả nước, với diện tích hiện nay khoảng 21.400ha, diện tích chè kinh doanh gần 19.000ha, năng suất bình quân đạt 113 tạ/ha, sản lượng chè búp tươi đạt trên 211.000 tấn. Tỉnh Thái Nguyên phấn đấu đến năm 2020 đạt 21.000ha chè kinh doanh, giá trị sản phẩm chè búp tươi tăng thêm do tăng chất lượng từ 100 triệu đồng/ha lên 170 triệu đồng/ha, giá trị sản xuất sản phẩm chè búp tươi tăng từ 1.800 tỷ đồng lên 3.600 tỷ đồng năm 2020.
Theo ông Hoàng Văn Dũng, PGĐ Sở NN-PTNT Thái Nguyên, dự án Khuyến nông Trung ương xây dựng mô hình sản xuất chè an toàn, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững là phù hợp với Tái cơ cấu ngành chè theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2016 - 2020. Các mô hình sản xuất chè an toàn sẽ được gắn quy trình sản xuất với việc được chứng nhận VietGAP cũng như các chứng nhận trong nước và quốc tế (GlobalGAP, Uzt Certified…).