Phấn đấu để chiếc áo mới bền hơn, đẹp hơn và ấm áp hơn (19/05/2017)

"So với 20 năm trước, Bình Phước nay đã khoác lên mình một chiếc áo mới hoàn toàn..."

Cuộc sống mọi mặt đang thay đổi, tốt lên từng ngày. Nay, Bình Phước đang tiếp tục nỗ lực để chiếc áo ấy đẹp hơn, bền hơn và ấm áp hơn”. Đó là chia sẻ của ông Trần Văn Lộc, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Phước với PV NNVN.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm trung tâm giống nông nghiệp công nghệ cao của Bình Phước.

Những thành tựu nổi bật của ngành nông nghiệp mà Bình Phước đạt được trong 20 năm qua là gì, thưa ông?

Hai mươi năm qua, với sự nỗ lực và ý chí phấn đấu của Đảng bộ và đồng bào các dân tộc anh em trong tỉnh, kinh tế Bình Phước liên tục tăng trưởng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Tỷ trọng ngành công nghiệp – xây dựng từ 4,74% năm 1997 tăng lên 27,4% năm 2016; ngành dịch vụ từ 25,12% tăng lên 35,81%; ngành nông, lâm, thủy sản giảm từ 70,14% xuống còn 32,34% năm 2016; sản xuất công nghiệp tiếp tục có sự chuyển biến, phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp gắn với hàng xuất khẩu, đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn được cải thiện.

Giá trị sản xuất nông - lâm - thuỷ sản năm 2016 là hơn 21.113 tỷ đồng. Trong đó giá trị sản xuất nông nghiệp đạt hơn 20.856 tỷ đồng. Tập trung phát triển các cây trồng chủ lực của tỉnh như: Cây cao su, điều, hồ tiêu, cà phê thành các vùng chuyên canh rộng lớn, sản xuất hàng hoá tạo ra giá trị sản xuất ngành trồng trọt năm 2016 đạt 18.305 tỷ đồng. Về chăn nuôi, chú trọng phát triển chăn nuôi với quy mô tập trung theo hướng công nghiệp và bán công nghiệp.

Trên địa bàn tỉnh, hiện có 276 trang trại chăn nuôi, có nhiều trại chăn nuôi heo và gà lạnh có quy mô lớn và công nghệ hiện đại. Giá trị sản xuất ngành chăn nuôi năm 2016 đạt 2.477,1 tỷ đồng. Về Thủy sản, tuy không phải là thế mạnh của tỉnh nhưng tỉnh luôn quan tâm hỗ trợ nhân dân phát triển sản xuất nên luôn có tốc độ phát triển cao. Tỉnh đã xây dựng được trại giống thuỷ sản để sản xuất con giống thuỷ sản đạt chất lượng cung cấp cho nhân dân.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, những tồn tại, hạn chế là gì, thưa ông?

Tuy ngành Nông nghiệp đã đạt được tăng trưởng ổn định, đa dạng hóa và chuyển dịch cơ cấu theo hướng tích cực nhưng nhìn chung phát triển mạnh theo chiều rộng, còn hạn chế phát triển chiều sâu. Năng suất bình quân còn thấp so với tiềm năng và chênh lệch đáng kể giữa nhóm sản xuất có năng suất cao và năng suất thấp.

Tuy đã hình thành được các vùng chuyên canh lớn về cây công nghiệp như cao su, điều, tiêu và có những sản phẩm chủ lực tạo thế mạnh về xuất khẩu, nhưng còn nhiều bất cập như việc phát triển chưa đúng quy hoạch, nhiều loại cây trồng trên đất không thích nghi.

Do thiếu sự liên kết với doanh nghiệp nên người trồng chưa chú trọng đến sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn Lobal Gap, VietGap và xuất xứ sản phẩm; Sản phẩm xuất khẩu hầu hết vẫn ở dạng thô, chỉ có khoảng 5% nông sản xuất khẩu là những sản phẩm tinh chế. Vì vậy, giá trị gia tăng trong sản phẩm nông nghiệp thấp. Công nghiệp chế biến nông sản có quy mô nhỏ, công nghệ thiết bị lạc hậu nên chất lượng nhiều loại nông sản thấp, nhất là chế biến cao su và hạt điều, sản phẩm chăn nuôi. Đầu tư cho thủy lợi còn thấp chưa đáp ứng về yêu cầu thâm canh và chuyển dịch cơ cấu trong cây trồng vật nuôi.

Công tác bảo vệ và phát triển rừng còn nhiều khó khăn. Mặc dù phá rừng trái pháp luật đã luôn giảm qua các năm, tuy nhiên vẫn còn xảy ra; tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép diễn biến phức tạp đã làm giảm chất lượng rừng; tình trạng sử dụng đất vẫn còn chưa hợp lý, chưa phù hợp với quy hoạch.

Cao su, tiêu, điều là 3 loại cây chủ lực của Bình Phước, nhưng lợi nhuận từ những loại cây này chưa tương xứng với tiềm năng hiện có. Phải làm gì để cải thiện giá trị kinh tế của các loại cây trồng này, thưa ông?

Về cây cao su: Sử dụng các giống có năng suất mủ cao, đa mục đích, phát triển theo hướng mủ - gỗ theo khuyến cáo của Tập đoàn Cao su Việt Nam. Sử dụng các giống như PB260, PB235, PB255, RRIV1, RRIV5, RRVI124… Áp dụng quy trình sản xuất và sơ chế biến sản phẩm do Tập đoàn Cao su Việt Nam quy định để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Đầu tư phát triển, nâng cấp, hoàn chỉnh thiết bị, đồng bộ hóa dây chuyền.

Tuân thủ quy trình kỹ thuật và quản lý, thực hiện việc kiểm tra chất lượng sản phẩm xuất khẩu. Đối với cao su tiểu điền, những vùng không thích nghi đã trồng cao su, từng bước chuyển đổi trên cơ sở quy hoạch cụ thể; từng bước đưa các hộ dân trồng cao su nhỏ lẻ vào HTX, Hội cao su tiểu điền để quản lý chặt; tăng cường công tác chuyển giao KHKT, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại để nâng cao năng suất, chất lượng, giảm giá thành sản phẩm.

Đối với cây điều: Tập trung chọn tạo các giống địa phương, phát triển các giống điều đã được Bộ NN-PTNT công nhận cho kết quả tốt tại địa phương như PN1, LG1, CH1, MH4/5 và MH5/4 và các giống chọn lọc của địa phương theo sổ tay chọn giống do Sở NN-PTNT ban hành. Sử dụng các biện pháp thâm canh tăng năng suất, tăng cường cải tạo vườn điều; sử dụng phân bón, thuốc BVTV đủ và đúng.

Trồng xen dưới tán điều các loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao để nâng cao hiệu quả kinh tế như ca cao, gừng, sắn dây… Đẩy mạnh công tác chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật. Xây dựng mô hình sản xuất điều theo quy trình VietGAP để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đối với hạt điều; Mô hình sẽ được triển khai từ khi bắt đầu trồng mới và sẽ có sự phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp tiêu thụ, tạo mô hình khép kín.

Đối với cây hồ tiêu: Sử dụng giống có chất lượng cao, có khả năng chống chịu sâu bệnh cao, đặc biệt là bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây tiêu. Áp dụng đúng quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch (10 TCN 915:2006) theo nguyên tắc phòng bệnh là chính, trị bệnh kịp thời, trên cơ sở quản lý dịch hại tổng hợp lấy biện pháp canh tác làm trung tâm; nâng cao chất lượng hạt tiêu, đa dạng hóa sản phẩm và phát triển sản xuất hồ tiêu theo VietGAP. Tiếp tục mở rộng chuỗi giá trị trong sản xuất tiêu bền vững trong phạm vi toàn tỉnh.

Xin ông cho biết định hướng phát triển nông nghiệp tỉnh trong thời gian tới?

Định hướng mà tỉnh đề ra giai đoạn 2016-2020 là phát triển nông nghiệp công nghệ cao, tăng sản lượng và chất lượng, giảm chi phí, đạt hiệu quả cao và sử dụng tài nguyên hợp lý. Phát triển toàn diện, đa canh cả trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, dịch vụ và công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, hình thành và phát triển các vùng chuyên canh cây trồng - vật nuôi chiến lược, trong đó, mũi nhọn là cây công nghiệp dài ngày, cây ăn trái; chăn nuôi gia súc, gia cầm; nuôi trồng thủy sản.

Phấn đấu đến năm 2020 đạt được sự tăng trưởng bền vững, chất lượng, cải thiện cơ bản điều kiện sống của dân cư nông thôn, bảo vệ và sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên và môi trường. Phấn đầu đạt tốc độ tăng trưởng ngành bình quân 5,2%/năm;  tỷ lệ che phủ rừng đạt 74,79%; 50% số xã đạt chuẩn NTM và 98% hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước đạt chuẩn vệ sinh.

Theo PHÚC LẬP – THANH LIÊM (nongnghiep.vn)
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 139
Tổng truy cập: 39349354