Theo bà Nguyễn Thị Huệ, Phó phòng NN-PTNT huyện Thanh Hà, toàn huyện có 1.300ha vải sớm, tập trung nhất ở 6 xã thuộc khu vực Hà Đông gồm Thanh Bính, Thanh Cường, Hợp Đức, Trường Thành, Thanh Hồng, Vĩnh Lập. Hiện tại, người dân đang tất bật thu vải u trứng chín sớm nhất trong trà vải sớm.
Người dân xã Thanh Bính đang thu hoạch vải sớm
Cũng theo bà Huệ, vải sớm năm nay mẫu mã đẹp, chất lượng tốt nên giá bán cao hơn năm ngoái, dao động từ 42.000 - 45.000 đồng/kg vải loại 1, loại đóng hộp để đem đi tiêu thụ xa được bán với giá 38.000 - 40.000 đồng/kg.
“Năm 2016, toàn huyện Thanh Hà thu hoạch được 24.477 tấn vải các loại. Dự kiến, trong năm nay trà vải sớm của toàn huyện đạt từ 17.000 - 18.000 tấn, cao hơn trà sớm năm ngoái”, bà Huệ cho biết thêm.
Để đạt được năng suất cao, ngay từ đầu năm, Phòng NN-PTNT huyện đã mở các lớp tập huấn về kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho người dân, ra các văn bản chỉ đạo các xã tập trung theo dõi thời tiết, sâu bệnh dễ gặp trên cây vải và đặc biệt ngừng phun thuốc trước khi thu hoạch khoảng 15 ngày.
Tại xã Thanh Bính, nơi được mệnh danh là vựa vải lớn nhất của huyện Thanh Hà, được quy hoạch sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Những ngày này, người dân đang tất bật thu hoạch vải sớm để bán cho thương lái.
Đi dọc các con đường trong xã, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước những vườn vải sai trĩu quả, đỏ rực một không gian. Tôi bắt gặp ông Phạm Văn Phê (thôn Phúc Giới) đang thồ vải để chuẩn bị đem đi bán. Gạt nhẹ những giọt mồ hôi trên trán, ông Phê bảo: Nhà ông trồng hơn 2 mẫu vải, tập trung là vải sớm và vải u hồng. Gia đình ông thu hoạch vải sớm được hơn 1 tuần nay.
Theo lời ông Phê, sản lượng và giá bán năm nay cao hơn năm ngoái. Lúc mới vào vụ thu hoạch, vải sớm được bán với giá 52.000 đồng/kg, giữ nguyên giá được 4 ngày thì giá bắt đầu giảm xuống. Hiện tại, giá vải sớm dao động từ 42.000 - 45.000 đồng/kg. Dự kiến, gia đình ông sẽ thu trên 10 tấn vải các loại.
Bà Hạnh đang bó vải lại với nhau để đem đi tiêu thụ
“Năm nay thời tiết thuận lợi, ít mưa nên tỷ lệ ra hoa và quả nhiều hơn năm ngoái. Mẫu mã đẹp, quả đều, chất lượng tốt nên cũng thu hút nhiều thương lái về mua. Ước tính năm nay, gia đình tôi thu hoạch được trên 10 tấn vải các loại”, ông Phê phấn khởi.
“Năm nay, vải sớm tại Thanh Hà có mẫu mã đẹp, quả đều, cùi dày nên dễ tiêu thụ hơn mọi năm. Ngoài ra, chất lượng vải đảm bảo, được người tiêu dùng quan tâm đến nhiều”, một thương lái cho hay.
|
Không chỉ riêng hộ gia đình ông Phê, nhiều hộ gia đình trồng vải khác trong xã cũng vui mừng vì vải sớm được mùa, giá cao. Bà Lê Thị Hạnh (thôn Hệ Vĩnh) cho hay, nhà bà trồng gần 3 sào vải sớm. Từ đầu vụ, đã thu về hơn 1 tấn vải. Giá bán cao nên ngày nào 2 vợ chồng cũng thu hoạch thâu trưa để bán cho thương lái.
“Năm nay, nhà tôi thu hoạch vải nhiều gấp đôi so với năm ngoái, giá bán lại cao hơn được vài giá nên gia đình rất phấn khởi. Tuy làm mệt nhưng đêm nào về cũng ngủ ngon”, bà Hạnh cười.
Xã Thanh Cường là “hàng xóm” của Thanh Bính. Tại xã này, người dân cũng vui mừng, phấn khởi không kém so với xã bạn, họ đều khẳng định vải sớm được mùa, các chủ vườn bội thu hơn năm ngoái.
Anh Phong (một chủ vườn vải xã Thanh Cường) khoe: Quả vải năm nay to, quả đều, cùi dày, màu đẹp, chỉ khoảng 20 quả đã nặng 1kg. Hiện tại giá vải rất ổn định, các chủ vườn rất phấn khởi vì bội thu.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Sỹ Tín, Chủ tịch xã Thanh Bính cho biết, địa phương có truyền thống thâm canh nhiều năm nên những năm gần đây được sự quan tâm của lãnh đạo các cấp, địa phương đang sản xuất vải theo tiêu chuẩn VietGAP.
Toàn xã có 230ha vải sớm. Trong đó, vải u trứng thu hoạch được hơn 1 tuần nay, được bán với giá 42.000 - 45.000 đồng/kg, vải u hồng đang vào thời kỳ báo mã.
Cũng theo vị này, sản lượng vải năm nay cao hơn năm ngoái khoảng 30%, toàn xã ước đạt 2.500 tấn vải. Số vải sau khi thu hoạch sẽ được tiêu thụ cho các tỉnh phía Nam và các tỉnh lân cận.